Tâm địa và khẩu khí
Chính trị - Ngày đăng : 07:39, 25/09/2008
(HNM) - Người xưa thường bảo: “sẩy chân còn đỡ được, sẩy miệng thì khó đỡ”. Vậy mà chẳng hiểu “bức xúc” đến mức nào mà ông “Tổng” của một giáo phận đứng hàng đầu đất nước lại buột miệng “văng” ra một câu mà ai nghe cũng giật mình: “Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếuViệt Nam” (?).
Quả thật là:nếu không tận mắt, tận tai thấy và nghe ông nói câu đó trên truyền hình thì tôi không thể tin điều này là có thật. Đã được đặt vào ngôi vị đứng đầu một giáo xứ hàng đầu của một đất nước, chắc hẳn ông phải là người đã được học hành, đào tạo đến nơi đến chốn, ấy vậy mà ông “Tổng” lại dễ dàng “sẩy miệng” như thế sao? Và bởi vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi sau vụ ông “Tổng” “sẩy miệng” ấy, làn sóng bất bình, phẫn nộ của dân chúng đã dâng cao. Họ bảo nhau: các cụ xưa vẫn dạy: “Con không chê cha mẹ khó...”. Đằng này, ông “Tổng” chắc chắn không thuộc diện phải “xóa đói giảm nghèo”, càng không phải hạng “khó” vì chính ông đã thừa nhận “rất hay ra nước ngoài” (nói nôm na là được chính quyền cho phép “đi nước ngoài xoành xoạch như đi chợ”). Vậy mà ông vừa thường xuyên được “đi mây về gió”, lại ấm ức, hậm hực và “cảm thấy nhục nhã” về chính nguồn cội tổ tiên mình.
Hiện tượng “loạn ngôn” vừa rồi của ông “Tổng” nếu gọi là “sẩy miệng” là nói cho nhẹ, cho vui chứ một người được học nhiều như ông chắc không thể không biết đến định nghĩa: “Ngôn ngữ là biểu hiện trực tiếp của tư duy con người”. Tư duy lệch lạc dẫn tới biểu hiện “loạn ngôn” nếu không biết “điều trị” kịp thời để đến mức “thầy thuốc bó tay, bệnh viện trả về” thì nguy đấy! Và vì ông đã thấy nhục khi là người Việt nên chắc ông cũng chưa biết câu này của các cụ: “Tâm địa làm sao thì khẩu khí làm vậy”.
Nhân vụ “loạn ngôn” này, tôi lại nhớ đến câu nói của một bậc danh y xưa: “Bệnh tòng khẩu nhập, họa tòng khẩu xuất”, có nghĩa là “Bệnh tật từ miệng mà vào, tai họa từ miệng mà ra”.
Bây giờ, kể cũng khó “thu hồi” lại được câu nói xằng bậy (đủ hình, rõ cả tiếng) của ông vì cổ nhân đã dạy rằng: “Nhất ngôn kí xuất, tứ mã nan truy” (Một lời nói ra, bốn con ngựa khó đuổi kịp). Nhưng với tư cách là một công dân cùng sống với ông trên địa bàn Thủ đô, tôi cũng xin mạnh dạn “kê đơn tránh họa, thoát hiểm” cho ông trong trường hợp này như sau:
Ông chỉ có thể làm dịu bớt sự phẫn nộ, bất bình của dân chúng và nhận lại ở họ lòng vị tha nếu ông dám dũng cảm nhận lỗi và chân thành xin lỗi công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Mấy lời thiển cận nhưng chân tình, giãi bày, nhắn nhủ cùng ông “Tổng”...
Từ Ngọc Bình