Tăng cường công khai, minh bạch để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Chính trị - Ngày đăng : 16:34, 20/03/2023
Cần bắt buộc các quan hệ kinh tế phải thanh toán qua ngân hàng
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn Nam Định) đề nghị Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cho biết những biện pháp đã thực hiện để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế và phòng, chống tham nhũng. Về vấn đề này, đồng chí Lê Minh Trí nhận định, đây là vấn đề lớn, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp.
“Cần tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý xã hội, quản lý nhà nước, nhất là lĩnh vực nhạy cảm, dễ tham nhũng, tiêu cực; tăng cường hiệu quả công tác quản lý hành chính hiện nay. Có công khai, minh bạch thì sẽ kiểm soát được", Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao nói.
Qua hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế vừa qua, đồng chí Lê Minh Trí kiến nghị cần bịt các “lỗ hổng” trong quy định pháp luật đã bị lợi dụng; đồng thời, có lộ trình hạn chế sử dụng tiền mặt, bắt buộc các quan hệ kinh tế phải được thanh toán qua ngân hàng. "Chính việc sử dụng tiền mặt phổ biến hiện nay với các hoạt động, quan hệ kinh tế, thanh toán không qua ngân hàng là bất cập, góp phần dẫn đến tham nhũng, tiêu cực", đồng chí Lê Minh Trí khẳng định.
Dẫn chứng thực tiễn từ các vụ án kinh tế, tham nhũng vừa qua, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cho biết, có trường hợp thực hiện mệnh lệnh cấp trên, tham mưu không chính xác, đầy đủ và cấp trên không kiểm soát được công việc nên đã ra các quyết định rủi ro. Các trường hợp này chủ động khắc phục hoàn toàn hậu quả, thấy sai đã sửa, hợp tác với cơ quan chức năng thì cần được xem xét miễn trừ, giảm tội, nhưng luật hiện hành đang vướng.
"Trong giai đoạn đất nước phát triển, khối lượng công việc lớn, kiểm soát khó khăn, nhiều người vi phạm nhưng không có mục đích vụ lợi", đồng chí Lê Minh Trí nói và đề nghị rà soát, sửa điều luật cụ thể về việc xử lý hình sự các trường hợp nêu trên.
Về giải pháp hữu hiệu để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, phòng ngừa, răn đe loại tội phạm tham nhũng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cho rằng, cần có cơ chế quản lý, hệ thống pháp luật chặt chẽ, quy định chế tài trách nhiệm quản lý nhà nước thật tốt để người có quyền không dám lợi dụng quyền lực; xử lý nghiêm các đối tượng cầm đầu, chủ mưu.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cho rằng, hiện nay, chế độ, chính sách cho cán bộ các cấp mặc dù có cải thiện nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, khó khăn. “Chúng ta cần nghiên cứu lộ trình, giải pháp để bảo đảm chế độ, để cán bộ yên tâm công tác; bảo đảm giảm bớt khó khăn cho người cán bộ tâm huyết, muốn giữ gìn sự trong sáng, đạo đức nghề nghiệp”, Viện trưởng Lê Minh Trí đề nghị.
Tham gia trả lời chất vấn, Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng - Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, về việc hoàn thiện thể chế nhằm phòng ngừa tham nhũng, đây là vấn đề Bộ Công an rất quan tâm. Một trong những giải pháp quan trọng là phải khắc phục sơ hở, thiếu sót trong quy định đối với các vấn đề cụ thể để bảo đảm hạn chế việc tham nhũng, khắc phục kịp thời hậu quả.
Đặc biệt, trên một số lĩnh vực như chứng khoán, tài chính, doanh nghiệp, đất đai, những vụ việc tham nhũng đã để lại bài học lớn, nhất là về việc hoàn thiện xây dựng thể chế pháp luật, phòng ngừa tội phạm. Cơ quan điều tra đã đưa ra nhiều kiến nghị cụ thể từ những vụ việc này để bảo đảm thể chế chặt chẽ, quy định nghiêm minh, phòng ngừa hiệu quả tình trạng tham nhũng. “Hầu hết những vụ án, cơ quan điều tra đều có kiến nghị về hoàn thiện chính sách, phòng ngừa tội phạm”, Bộ trưởng Bộ Công an nói.
Gắn chặt công tố với hoạt động điều tra để hạn chế oan sai
Về vấn đề bản án có sai sót, oan, sai được đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Đoàn Long An) chất vấn, theo Viện trưởng Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí, việc chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm là chủ trương xuyên suốt, nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu; đồng thời đây cũng là nhiệm vụ rất khó khăn, đặt ra thách thức rất lớn đối với cơ quan tố tụng khi thực hiện nhiệm vụ.
Về giải pháp, đồng chí Lê Minh Trí cho rằng, cần gắn chặt công tố với hoạt động điều tra ngay từ đầu; tập trung làm tốt việc thụ lý tin báo tố giác tội phạm, hạn chế để lọt tội phạm. Kiểm sát viên phải thu thập chứng cứ, điều tra theo hai hướng buộc tội và gỡ tội; yêu cầu nắm chắc, áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội, bảo đảm quyền của người bị buộc tội; trọng chứng hơn trọng cung; không được suy diễn, chứng cứ đến đâu xử lý đến đó.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao nhấn mạnh, hạn chế oan, sai và bỏ lọt tội phạm thì một trong những biện pháp quan trọng là công tác cán bộ. Do đó, yêu cầu đặt ra là viện trưởng Viện kiểm sát các cấp phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra trường hợp tòa án tuyên bị cáo không phạm tội hoặc hủy án để điều tra lại; trường hợp phải đình chỉ vụ án vì không phạm tội thì phải kiểm điểm, xem xét trách nhiệm của cá nhân, tập thể lãnh đạo đơn vị và xem xét cả trách nhiệm của Viện kiểm sát cấp trên.
Viện Kiểm sát cũng tăng cường thanh tra nghiệp vụ để phát hiện oan, sai và bỏ lọt tội phạm để ngăn chặn kịp thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, gắn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng với công tác xây dựng ngành, đơn vị các cấp, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp kiểm sát trong công tác Đảng cũng như trong chuyên môn nghiệp vụ, nhất là đối với yêu cầu chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm.
Cũng theo đồng chí Lê Minh Trí, tồn tại trong hệ thống tư pháp có nhiều nguyên nhân, như văn bản hướng dẫn và giải thích luật chưa đáp ứng kịp thời; người thực hiện quy định pháp luật còn nhận thức khác nhau; cơ quan tư pháp khi thực hiện chức năng nhiệm vụ nhận thức khác…
Về tranh luận của đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) liên quan đến quá trình tố tụng, do hiểu biết pháp luật chưa thống nhất nên khó khăn trong quá trình xét xử, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí nêu rõ, theo quy định của pháp luật, giải thích luật thuộc về Ủy ban Thường vụ Quốc hội; hướng dẫn luật là nghị quyết của Hội đồng thẩm phán tối cao; sửa luật là thẩm quyền của Quốc hội. Với nỗ lực của Quốc hội trong những nhiệm kỳ gần đây, số lượng các dự án luật được ban hành nhiều, cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý xã hội, quản lý kinh tế, quản lý đất nước.
Phát biểu kết thúc nội dung chất vấn đối với lĩnh vực kiểm sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, đã có 24 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, trong đó có 20 đại biểu đặt câu hỏi, 4 đại biểu phát biểu tranh luận.