Xây dựng Luật Tố tụng điện tử để quy định trình tự, thủ tục phiên tòa trực tuyến
Đời sống - Ngày đăng : 11:43, 20/03/2023
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) về kết quả triển khai Nghị quyết của Quốc hội về việc tổ chức phiên tòa trực tuyến, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao cho biết, Tòa án nhân dân Tối cao đã phối hợp ban hành các văn bản liên quan để hướng dẫn thực hiện, tổ chức tập huấn ở các địa phương… Đến nay, các trang bị cho xét xử trực tuyến đã cơ bản đầy đủ, đã xét xử hơn 5.400 vụ theo hình thức trực tuyến, bảo đảm công lý thực thi không chậm trễ, tạo điều kiện cho người ở xa, người ở nước ngoài tham gia phiên tòa; góp phần tiết kiệm nhiều nguồn lực trong tổ chức xét xử.
Tuy nhiên, khó khăn trong việc xét xử trực tuyến là việc trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị còn hạn chế. Do đó, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao đề nghị Quốc hội phê duyệt các chương trình liên quan để ngành Tòa án tiếp tục trang bị tốt hơn nữa cho việc tổ chức phiên tòa trực tuyến. Ngoài ra, việc nâng cao kỹ năng chuyên môn trong xét xử cho đội ngũ cũng là việc cần thực hiện.
Đối với chất vấn của đại biểu Lã Thanh Tân (Đoàn Hải Phòng) về giải pháp khắc phục và giải quyết những vướng mắc trong vấn đề bảo mật thông tin, bảo đảm quy trình, thủ tục trong hoạt động tố tụng của phiên tòa trực tuyến, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng đây là vấn đề đã được đặt ra khi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề này.
“Yếu tố bảo mật phụ thuộc vào việc đầu tư trang thiết bị, chất lượng đầu tư, kinh phí hợp lý để nâng cấp thường xuyên; thứ hai là trách nhiệm của người sử dụng. Tòa án nhân dân Tối cao đã có văn bản quy định rằng các thẩm phán phải bảo đảm bảo mật khi sử dụng trang thiết bị xét xử trực tuyến, không cài các phần mềm lạ, bảo đảm yêu cầu bảo mật trong thực hiện các công tác chuyên môn”, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao nói.
Về chất vấn của đại biểu đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về trình tự, thủ tục phiên tòa trực tuyến, đồng chí Nguyễn Hòa Bình cho biết, chỉ có một số loại án có điều kiện cụ thể mới được xét xử trực tuyến. Trước mắt, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp đã có thông tư hướng dẫn về xét xử trực tuyến, tập huấn cho tất cả các địa phương và đang phát huy tác dụng tốt. “Về lâu dài, sẽ xây dựng Luật tố tụng điện tử riêng”, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao nói.
Đại biểu Quốc hội cũng chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao về nâng cao hiệu quả công tác xét xử. Trả lời đại biểu Hoàng Văn Liên (Đoàn Long An) về giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản của doanh nghiệp, đồng chí Nguyễn Hòa Bình cho rằng, cần tiếp tục đề xuất Quốc hội sửa Luật Phá sản; nâng cao trình độ thẩm phán trong xét xử vụ án liê quan phá sản; tiến tới hình thành Tòa phá sản chuyên biệt ở các trung tâm kinh tế lớn, chuyên xét xử các vụ án về phá sản.
Về chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng) đề nghị làm rõ việc xác định thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra dựa vào giá trị tài sản tại thời điểm phạm tội hay tại thời điểm khởi tố, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định, về khoa học pháp lý và luật pháp, hậu quả của các vụ án được xác định tại thời điểm xảy ra hành vi phạm tội. Tất cả tình tiết khách quan, động cơ, mục đích, hành vi và thủ đoạn cũng được tính ở cùng thời điểm; nếu tính hậu quả ở thời điểm khác thì không bảo đảm tính khoa học.
Phát biểu kết thúc nội dung chất vấn đối với lĩnh vực tòa án, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, sau thời gian làm việc rất khẩn trương với tinh thần trách nhiệm cao đối với nội dung chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, có 35 đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu, 29 đại biểu đặt 50 câu hỏi, 6 đại biểu phát biểu tranh luận.
Buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bắt đầu tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tòa án, do Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí chịu trách nhiệm trả lời chính.