Cần cơ chế thuận lợi, kịp thời

Du lịch - Ngày đăng : 06:21, 20/03/2023

(HNNN) - Du lịch nông nghiệp, sinh thái đã và đang tạo ra diện mạo mới ở nông thôn, góp phần tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Cần làm gì để phát huy được thế mạnh “công nghiệp không khói” tại các làng quê? Hà Nội Ngày nay ghi lại một số ý kiến, kiến nghị về vấn đề này.

Tiến sĩ Đoàn Mạnh Cương, Vụ Văn hóa - Giáo dục (Văn phòng Quốc hội):
Cần có chính sách tạo động lực

Du lịch nông nghiệp là lĩnh vực khá mới ở nước ta, do đó, cần có tầm nhìn chiến lược, từ đó xây dựng lộ trình thực hiện với những chính sách tạo động lực cho các mô hình du lịch. Với xu thế ngày nay, dứt khoát phải là du lịch “xanh”, du lịch sạch, du lịch có trách nhiệm bảo vệ môi trường sinh thái.

Có thể khẳng định, du lịch nông thôn là lĩnh vực có tiềm năng phát triển rất lớn, phù hợp với điều kiện, định hướng phát triển kinh tế của nhiều địa phương, vùng miền và định hướng phát triển kinh tế của đất nước. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả du lịch gắn với nông nghiệp bền vững, các cấp, các ngành và địa phương cần sớm xây dựng chiến lược phát triển du lịch nông nghiệp phù hợp với mô hình tăng trưởng “xanh”, gắn với đặc thù, khả năng của từng địa phương. Vấn đề là cần có cơ chế chính sách cụ thể từ phía chính quyền để khơi dậy sức dân, phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững.

Việc phát triển du lịch nông thôn theo hướng tăng trưởng “xanh” và bền vững trên địa bàn thành phố Hà Nội là phù hợp với xu thế thời đại, đáp ứng nhu cầu khám phá, trải nghiệm, thưởng thức của đông đảo du khách. Tuy nhiên, muốn du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển thì cần giữ được tính chân thực của văn hóa bản địa - giá trị cốt lõi của cộng đồng. Phát triển du lịch nông thôn phải có trách nhiệm với chính cộng đồng đó để phát triển kinh tế địa phương, tôn trọng những giá trị văn hóa bản địa. Chỉ khi người nông dân thực sự được hưởng lợi từ chính hoạt động sản xuất nông nghiệp của địa phương, lúc đó du lịch nông nghiệp, nông thôn mới phát triển bền vững, góp phần tích cực vào việc xóa đói giảm nghèo.

Giáo sư - tiến sĩ Hồ Văn Vĩnh, Hội Khoa học Kinh tế Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam:
Phát triển du lịch nông nghiệp dựa trên 3 trụ cột

Bất kỳ quá trình phát triển kinh tế - xã hội nào cũng đòi hỏi tính bền vững. Phát triển bền vững là một yêu cầu được Liên hợp quốc đề ra, kêu gọi toàn cầu thực hiện nhằm xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái và khí hậu trái đất, đảm bảo mọi người ở khắp mọi nơi đều được hưởng hòa bình và thịnh vượng. Chung quy lại, tính bền vững thể hiện trên ba mặt: Kinh tế, môi trường sinh thái và xã hội. Phát triển du lịch nông thôn trên địa bàn Hà Nội cũng phải dựa trên ba trụ cột đó, gắn kết phát triển tiềm năng và lợi thế về nông nghiệp, làng nghề để tạo thu nhập cao cho cả doanh nghiệp du lịch cũng như cư dân nông thôn tham gia làm du lịch, từ đó cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của cư dân vùng nông thôn, xây dựng nông thôn mới đoàn kết, giàu tình nhân ái, bảo vệ bản sắc văn hóa vùng miền và từng địa phương. Cùng với yêu cầu phát triển kinh tế và xã hội là bảo vệ môi trường sinh thái, gìn giữ và bảo đảm môi trường trong lành, thu hút du khách về nông thôn để thư giãn, nghỉ dưỡng. Đó là con đường phát triển bền vững của du lịch nông thôn ở Hà Nội.

Tiến sĩ Đinh Phạm Hiền, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn):
Xây dựng mô hình rõ nét đặc trưng

Để xây dựng thành công mô hình du lịch nông thôn của Hà Nội, cần đánh giá các điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội đặc thù, quy hoạch phát triển du lịch nông thôn hiện tại và khả năng tài chính. Bên cạnh đó, cần giải thích, vận động và thu hút sự tự nguyện tham gia của cộng đồng, nhất là nông dân; kích thích sự sáng tạo, sáng kiến của nông dân; nâng cao khả năng làm du lịch, biến bất lợi thành lợi thế; bảo tồn, gìn giữ vốn văn hóa địa phương. Cần xác định đúng sản phẩm và đối tượng khách phù hợp với mô hình, xây dựng các sản phẩm khác biệt giữa các nông trại, tránh tình trạng rập khuôn. Tùy điều kiện, tùy sản phẩm mà phạm vi mô hình du lịch nông thôn có thể khác nhau, có thể là một trang trại, một thôn, một xã hoặc liên xã nhưng không nên quá lớn. Mô hình du lịch nông nghiệp nông thôn cần có đầy đủ tiện nghi cho khách dựa trên khai thác nguyên vật liệu địa phương với sáng kiến của cộng đồng; tránh mô hình hiện đại, không có gì khác biệt so với đời sống thành thị.

Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội:
Phát triển gắn với xây dựng nông thôn mới

Hà Nội có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Thực tế, các huyện, thị xã đều có những tiềm năng, lợi thế riêng cho khai thác du lịch, trong đó, một số địa phương như Thường Tín, Ứng Hòa, Đông Anh, Sóc Sơn, Thạch Thất, Ba Vì... có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, diện tích canh tác nông nghiệp rộng, nhiều sản vật địa phương và có các làng truyền thống lâu đời, phù hợp để phát triển du lịch nông nghiệp. Cùng với đó, lượng dân cư đô thị ở Hà Nội ngày một đông, dẫn đến nhu cầu trải nghiệm du lịch nông nghiệp ngày càng cao.

Năm 2022, Chương trình phát triển du lịch nông thôn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là một trong những nội dung trọng tâm để thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Triển khai Chương trình này sẽ là khung pháp lý rất quan trọng để hỗ trợ cho các địa phương khai thác, phát huy tiềm năng du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới, nhất là đối với khu vực nông thôn Hà Nội có thị trường du lịch nội đô rộng lớn.

Ông Trần Quốc Bảo, Chủ tịch UBND xã Hồng Vân (huyện Thường Tín):
Cho phép xây dựng hạ tầng thiết yếu phục vụ du khách

Xã Hồng Vân vốn nổi tiếng với nghề trồng hoa, cây cảnh, hiện đang chuyển mình với nhiều trang trại du lịch sinh thái. Du khách đến đây được thưởng lãm những tác phẩm cây cảnh nghệ thuật độc đáo cũng như giao lưu cùng các nghệ nhân, trải nghiệm hoạt động “một ngày làm nghệ nhân”. Bên cạnh đó, du khách sẽ được tản bộ trên bờ đê sông Hồng, thưởng ngoạn cảnh sắc những cánh đồng rau xanh mướt, làng hoa rực rỡ, trồng cây ăn quả; thưởng thức các sản phẩm nông nghiệp của vùng đất ven sông Hồng; tham quan những công trình kiến trúc đặc trưng của làng quê với hệ thống đình - đền - chùa gắn liền với truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung...

Tuy nhiên, do đặc thù đất sản xuất nông nghiệp nên các chủ vườn đều không được phép xây dựng hạ tầng. Xã đề xuất cơ quan chức năng cho phép mỗi nhà vườn chuyển 200 - 300m2 để xây dựng hạ tầng thiết yếu phục vụ đón khách nghỉ ngơi, ăn uống để khai thác du lịch. Ngoài ra, xã Hồng Vân cũng rất mong được thành phố và huyện hỗ trợ đầu tư hạ tầng điện, viễn thông, giao thông đồng bộ và tập huấn cho người dân về đón khách
du lịch.

Nguyễn Mai - Mỹ An (ghi)