Bảo đảm chất lượng nông sản xuất khẩu

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:07, 19/03/2023

(HNM) - Mặc dù đã đạt được kim ngạch hàng chục tỷ USD mỗi năm, nhưng giá trị gia tăng của nông sản xuất khẩu nước ta được đánh giá chưa cao, nguyên nhân xuất phát chủ yếu từ chất lượng nông sản cũng như vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc xuất xứ.

Một thông tin đáng chú ý vừa được Bộ NN&PTNT cho biết trong khuôn khổ Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) lần thứ 8 năm 2023 vừa diễn ra là: Cà phê Việt Nam đã xuất khẩu tới 85 quốc gia, nhưng chủ yếu xuất khẩu ở dạng thô, chưa qua chế biến, nên giá trị gia tăng chưa cao trong đó chỉ đứng thứ 10 thế giới về giá trị thu về. Đáng nói, nhiều người tiêu dùng trên thế giới dù thưởng thức cà phê của nước ta nhưng lại hoàn toàn không hay biết đến cà phê Việt Nam.

Không riêng cà phê, nhiều nông sản xuất khẩu của Việt Nam cũng trong hoàn cảnh tương tự. Vậy tại sao lại như vậy, khi chúng ta có thế mạnh về nông nghiệp với nhiều loại nông sản đặc trưng, ít nơi có được?

Trả lời cho câu hỏi này thực ra đã được cơ quan quản lý cũng như các chuyên gia lâu năm về nông nghiệp đề cập đến nhiều lần. Đó là phương thức sản xuất truyền thống, nhỏ lẻ, manh mún chính là rào cản dẫn đến chất lượng nông sản chưa đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường nhập khẩu. Thêm nữa, quá trình xây dựng tiêu chuẩn cho nông sản ở Việt Nam đang gặp một số khó khăn nhất định; trong đó, đáng chú ý liên quan đến vấn đề về chi phí xây dựng tiêu chuẩn, trang thiết bị và cơ sở hạ tầng, kiểm nghiệm, giám định và công tác quản lý…

Để hạt cà phê cũng như các sản phẩm xuất khẩu gia tăng giá trị, vấn đề trọng tâm là phải nâng cao chất lượng nông sản gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Trên tinh thần này, ngành Nông nghiệp cũng như các địa phương cần quan tâm đến công tác quy hoạch, định hướng cây trồng, vật nuôi có thế mạnh xuất khẩu; đồng thời quan tâm đến tập huấn kỹ thuật, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm vật tư đầu vào và phát thải cho người sản xuất. Trong đó, khoa học công nghệ là giải pháp đột phá để phục tráng (bình tuyển cây đầu dòng, nhân thuần giống cây, từ đó làm cơ sở cho việc nhân giống cây trồng), lai tạo các giống cây, con chất lượng bảo đảm đưa vào sản xuất; đầu tư phát triển công nghệ thu hoạch, bảo quản, chế biến nông sản nhằm nâng cao giá trị cho nông sản xuất khẩu.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần tăng cường liên kết, thúc đẩy hợp tác giữa nông dân với nông dân, nông dân với nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà quản lý để phát triển sản xuất quy mô lớn, bảo đảm chất lượng nông sản ổn định. Đồng thời, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện bộ tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật và tăng cường khả năng đàm phán, thương thảo với các thị trường xuất khẩu để có những tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp, tránh bị động.

Ở góc độ các doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động vùng nguyên liệu bằng cách liên kết với các địa phương, hợp tác xã, người nông dân để giữ vững và nâng cao chất lượng nông sản. Mặt khác, chủ động các biện pháp xây dựng, bảo vệ thương hiệu, mã số vùng trồng; kịp thời thông báo tới các cơ quan quản lý hàng hóa xuất khẩu khi phát hiện những vi phạm thương mại, xâm phạm thương hiệu…

Với người nông dân, tập trung đẩy mạnh liên kết và minh bạch hóa trách nhiệm trong sản xuất và bảo đảm chất lượng nông sản xuất khẩu. Chỉ có như vậy, nông sản mới đạt giá trị gia tăng cao, nông dân bảo đảm thu nhập ổn định, góp phần nâng cao giá trị sản xuất của ngành Nông nghiệp và tăng trưởng kinh tế đất nước.

Bắc Vũ