Quản lý an toàn thực phẩm: Chú trọng từ sản xuất đến tiêu thụ
Nông nghiệp - Ngày đăng : 07:36, 18/03/2023
Sản xuất tập trung để kiểm soát chất lượng
Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Trần Đức Tuyến cho biết, hiện nay, trên địa bàn huyện có 2.032 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Để giám sát chất lượng nông, lâm, thủy sản, đến nay, huyện đã xây dựng được 1 cơ sở liên kết trong trồng trọt sản phẩm nông sản an toàn. Ngoài ra, có 10 sản phẩm đã được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP, như: Măng tây Hồng Thái (xã Hồng Thái), các loại cá của cơ sở nuôi trồng thủy sản Lê Văn Lâm (xã Quang Lãng); rau cần Khai Thái, rau an toàn Vinh Hà, nấm Thuần Việt (xã Tân Dân); bưởi Thồ Bạch Hạ, bưởi diễn Quý Khéo (xã Hồng Minh); quả nhãn, bưởi trang trại hộ Lê Ngọc Hoàng (xã Nam Phong)... Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý an toàn thực phẩm, huyện đã tăng cường kiểm tra, giám sát tại siêu thị, chợ dân sinh để kịp thời phát hiện vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật.
Còn theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Tuyết Anh, với mục tiêu cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng, huyện đã tập trung phát triển nông nghiệp ở 4 vùng theo hướng tập trung, gồm: Vùng trồng cây ăn quả ở xã Vạn Phúc (hơn 100ha); vùng sản xuất rau an toàn ở các xã: Yên Mỹ, Duyên Hà (gồm 145ha, trong đó có trên 50ha được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, còn lại theo mô hình rau an toàn liên kết chuỗi, ký kết trực tiếp giữa doanh nghiệp và nông dân nên tiêu thụ tốt); vùng trồng lúa chất lượng cao tập trung ở các xã: Tả Thanh Oai, Đại Áng, Vĩnh Quỳnh...; vùng nuôi trồng thủy sản gần 800ha ở các xã: Đại Áng, Đông Mỹ… Việc hình thành những vùng nông nghiệp tập trung quy mô lớn không chỉ tạo ra nguồn hàng hóa an toàn, mà còn giúp các ngành chức năng trong kiểm soát chất lượng đưa ra thị trường tiêu thụ. Cùng với đó, truy xuất được nguồn gốc nông sản và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, thời gian qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội phối hợp với các địa phương đẩy mạnh phát triển các vùng nông nghiệp chuyên canh tập trung, quy mô lớn. Cùng với đó, duy trì và phát triển 159 chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản đáp ứng tốt nguồn nguyên liệu phục vụ hoạt động chế biến, xuất khẩu. Ngoài ra, Hà Nội hiện có 13.474 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản. Hiện ngành Nông nghiệp Thủ đô thường xuyên kiểm tra lấy mẫu giám sát chất lượng, để truy xuất nguồn gốc xuất xứ, xác định nguyên nhân các mẫu vi phạm và có giải pháp khắc phục nhằm bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm cung cấp cho người tiêu dùng.
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý
Hiện nay, việc quản lý an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ vẫn gặp khó khăn do nhận thức của người sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp về bảo hộ, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ còn hạn chế. Một số địa phương thực hiện quy hoạch vùng sản xuất còn lỏng lẻo, sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, chưa có nhiều vùng sản xuất bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ...
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý an toàn thực phẩm, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản, huyện yêu cầu các xã, thị trấn tăng cường truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về vệ sinh an toàn thực phẩm. Mặt khác, nghiêm cấm việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh trong sản xuất nông nghiệp; tuyên truyền hướng dẫn người tiêu dùng lựa chọn các nông sản có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và gắn tem nhãn mác đầy đủ. Đối với các cơ sở kinh doanh, các sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có đầy đủ thông tin nhãn mác, ngày sản xuất, hạn sử dụng; tuyệt đối không được phép bày bán các sản phẩm kém chất lượng trên thị trường.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, từ nay đến cuối năm, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, các chi cục thuộc Sở chủ động trong công tác lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm; trong đó, ưu tiên sản phẩm rau, thịt và thủy sản. Theo đó, công tác lấy mẫu, giám sát an toàn nông sản, thực phẩm sẽ được tập trung vào các nhóm sản phẩm, các công đoạn có nguy cơ cao mất an toàn thực phẩm. Tập trung giám sát các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật bị cấm...
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp Hà Nội tập trung thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch, tổ chức kiểm tra liên ngành, đột xuất và theo các chuyên đề về chất lượng an toàn thực phẩm; kết hợp với xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật để tạo sức răn đe...
Nhằm xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm về an toàn thực phẩm, thành phố Hà Nội kiến nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, bảo đảm an toàn thực phẩm. Ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ phối hợp với các địa phương tăng cường năng lực quản lý chất lượng an toàn thực phẩm, chú trọng khâu chế biến và phát triển thị trường để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong quản lý, truy xuất nguồn gốc chất lượng nông sản, thực phẩm.