Phòng ngừa lừa đảo qua điện thoại, trên không gian mạng
Đời sống - Ngày đăng : 06:21, 18/03/2023
Nhiều thủ đoạn tinh vi
Vụ việc một giảng viên đại học tại Hà Nội bị đối tượng tội phạm công nghệ cao uy hiếp, yêu cầu chuyển 200 triệu đồng để giải quyết việc có liên quan đến vụ án mua, bán trái phép ma túy tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo tình trạng lừa đảo qua điện thoại ngày càng tinh vi. Theo Công an quận Hoàng Mai, đối tượng lừa đảo đã gửi ảnh “Lệnh bắt của cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an” tới giảng viên và yêu cầu nói chuyện với người tự xưng là cán bộ công an khiến chị hoảng loạn, làm theo các yêu cầu cung cấp số tài khoản ngân hàng cùng mã giao dịch OTP. Thực tế, chỉ cần gia đình nữ giảng viên chuyển tiền vào tài khoản là số tiền 200 triệu đồng sẽ “bốc hơi” ngay lập tức. May mắn, gia đình nữ giảng viên đã nhận thấy dấu hiệu lạ và báo công an kịp thời.
Trước đó, Công an huyện Ba Vì cũng kịp thời ngăn chặn vụ lừa đảo chiếm đoạt tiền của người dân qua điện thoại. Ông P.V.T. (thôn Hưng Đạo, thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì) liên tục nhận được cuộc điện thoại của người tự xưng là cán bộ công an nói ông liên quan tới một đường dây mua bán trái phép chất ma túy, nếu không chuyển 9 triệu đồng thì sẽ bị bắt giữ. Trong lúc ông P.V.T. chuẩn bị đi chuyển tiền, thì con gái ông phát hiện và trình báo công an, kịp thời ngăn chặn hành vi lừa đảo.
Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như hai trường hợp kể trên. Đầu tháng 2-2023, chị T. (quận Hoàn Kiếm) trình báo về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền đến 2,5 tỷ đồng. Chị T. cho biết, chị đã nhận được lời mời làm cộng tác viên cho sàn thương mại điện tử Tiki. Mỗi lần đặt lệnh làm tăng tương tác cho sàn, chị sẽ được hưởng hoa hồng. Tuy nhiên, trong 5 ngày, chị T. chuyển khoản 2,5 tỷ đồng mà không nhận được tiền hoa hồng mới biết là bị lừa.
Gần đây nhất có hiện tượng khi một số phụ huynh tại Hà Nội nhận được cuộc gọi báo con đang cấp cứu cần chuyển tiền gấp để đóng viện phí. Do vậy, các trường học phải liên tục đưa ra cảnh báo phụ huynh cần nâng cao cảnh giác và liên hệ với đường dây nóng của nhà trường cung cấp để xác thực thông tin về con em mình tại trường.
Cần nâng cao cảnh giác
Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã thống kê được 16 hình thức lừa đảo thường xuyên diễn ra trên không gian mạng, như: Giả mạo tổ chức, cơ quan nhà nước gửi tin nhắn lừa đảo; giả mạo trang web chính thống để thu thập thông tin cá nhân; chiếm quyền sử dụng tài khoản mạng xã hội để gửi tin nhắn lừa đảo bạn bè, người thân của chính chủ; thông báo vi phạm pháp luật khiến nạn nhân hoang mang, dễ điều khiển…
Phó Cục trưởng Phụ trách Cục An toàn thông tin Trần Đăng Khoa cho biết, hành vi lừa đảo trực tuyến thời gian qua phổ biến hơn. Việc lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân là bước đệm để thực hiện lừa đảo tài chính. Đối tượng lừa đảo lợi dụng tâm lý nhẹ dạ, cả tin hoặc đánh vào lòng tham để đạt mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bộ Thông tin và Truyền thông đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt bảo vệ người dân trên không gian mạng như phát triển các trang thông tin, xử lý tin nhắn rác, lừa đảo (chongthurac.vn); trang cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam (canhbao.khonggianmang.vn); cung cấp công cụ nhận diện lừa đảo trực tuyến, kỹ năng phòng, chống lừa đảo (congcu. khonggianmang.vn)…
Theo Đại tá Nguyễn Thế Hùng, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (Công an thành phố Hà Nội), vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo trên không gian mạng chiếm hơn 70% tổng số tội phạm về lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thời gian qua, đơn vị đã tập trung nhiều biện pháp đấu tranh ngăn chặn hiệu quả loại tội phạm này. Người dân cần biết, cơ quan công an không làm việc qua điện thoại mà gửi giấy mời, giấy triệu tập thông qua chính quyền địa phương. Trước những dấu hiệu bất thường, công dân cần bình tĩnh trao đổi, xác thực với người nhà hoặc công an cơ sở để có thông tin tin cậy, chính thống.
Liên quan đến chiêu trò lừa đảo, gọi báo con đang cấp cứu yêu cầu phụ huynh chuyển tiền gấp để đóng viện phí, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, Sở đã yêu cầu các cơ sở giáo dục tuyên truyền sâu rộng để cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh nâng cao cảnh giác. Trường hợp nhận được các cuộc gọi, nhắn tin từ số máy lạ thông báo học sinh bị tai nạn, cấp cứu, cần bình tĩnh xác minh, tuyệt đối không chuyển tiền cho bất kỳ đối tượng nào. Các trường học tăng cường công tác phối hợp thông tin liên lạc giữa nhà trường và gia đình, công khai số điện thoại đường dây nóng của trường tới cha mẹ học sinh…