Khi yêu thương bật lên thành tiếng hát
Giới trẻ - Ngày đăng : 07:10, 18/03/2023
Bình yên hiện hữu
Không khí tĩnh lặng, bình yên dễ gặp ở nhiều nơi, nhưng thường khó thấy ở nơi tập trung những người mắc bệnh tâm thần phân liệt đang điều trị, phục hồi chức năng. Bởi, triệu chứng phổ biến của người mắc bệnh này là hoang tưởng, ảo giác, ảo thanh, rối loạn suy nghĩ…, khiến họ dễ có những hoạt động, hành vi hoặc phát ra những âm thanh bất bình thường. Song, khi đến Trung tâm Chăm sóc và phục hồi chức năng người tâm thần số 1 (ở thôn Liên Minh, xã Thụy An, huyện Ba Vì) - ngôi nhà chung của hơn 600 người mắc bệnh tâm thần phân liệt có hoàn cảnh đặc biệt, bất cứ ai cũng cảm nhận rõ sự bình yên hiện hữu.
Toàn bộ không gian, cảnh quan nơi đây khang trang, sạch đẹp, được tô điểm bởi những hàng cây bàng lá nhỏ, những vườn hoa đủ loại trĩu nụ đơm bông, sân luyện tập thể dục, thể thao ngoài trời có đầy đủ trang thiết bị, và những luống rau xanh tươi theo mùa… Người đi lại, chăm chút cho không gian xanh không chỉ có cán bộ, nhân viên trung tâm, mà có cả những bệnh nhân dần hồi phục sức khỏe.
Hòa trong không gian ấy vào một ngày giữa tháng 3-2023, phóng viên Báo Hànộimới được mắt thấy, tai nghe nhiều câu chuyện thấm đẫm tình yêu thương. Ở mỗi nơi, với từng nhóm đối tượng, sự quan tâm, chăm sóc lại được thể hiện theo những cách khác nhau. Trong đó, nhà B2 là không gian dành cho những bệnh nhân nữ có biểu hiện bệnh lý nặng. Người tỉnh táo hơn thì tham gia lao động trị liệu thông qua việc gấp giấy làm vàng mã dưới sự hướng dẫn của những cán bộ phụ trách. Người cất lên những câu hát không rõ nhạc, rõ lời vẫn nhận được sự khích lệ giúp họ vui vẻ, phấn chấn hơn, góp phần hạn chế những cảm xúc trầm tư, lo âu do ảnh hưởng của bệnh…
Cùng tập hợp những bệnh nhân nặng, cùng được động viên để bản thân mỗi người trỗi dậy những cảm xúc, hành vi tích cực, nhịp sống diễn ra tại nhà A2 dành cho nam giới lại có sự khác biệt. Thường xuyên chăm sóc bệnh nhân tại nhà A2, nhân viên Phòng Chăm sóc đặc biệt và dịch vụ tự nguyện Nguyễn Thị Dần cho biết, phương thức lao động trị liệu dành cho nam là quy trình lắp các chi tiết tạo thành phích cắm vào ổ điện và không để họ tiếp xúc với các vật dụng, đồ đạc khác có thể làm công cụ gây thương tích…
Với cách bố trí tương tự, nhà A1 là khu vực dành riêng cho bệnh nhân cùng lúc mắc nhiều loại bệnh, nặng nhất là bệnh lao phổi để có chế độ chăm sóc riêng; còn nhà A3 là không gian sống và điều trị của những bệnh nhân tuổi cao, sức yếu, mắc trọng bệnh hoặc không thể đi lại. Nhà B4 là gia đình của những bệnh nhân phục hồi sức khỏe tốt nhất…
Theo Trưởng phòng Y tế - Phục hồi chức năng (Trung tâm Chăm sóc và phục hồi chức năng người tâm thần số 1) Nguyễn Văn Long, phía sau mỗi đối tượng là một câu chuyện, hoàn cảnh khác nhau. Nhưng khi đến đây, tất cả đều là thành viên trong một ngôi nhà chung, một gia đình lớn. Mỗi thành viên luôn nhận được quan tâm chăm sóc, điều trị phù hợp với tình trạng bệnh tật, tuổi tác, đặc trưng về giới…
Những mong ước đời thường
Nhận được sự quan tâm, chăm sóc 24/24 giờ, đa số bệnh nhân sống và điều trị tại Trung tâm Chăm sóc và phục hồi chức năng người tâm thần số 1 dần hồi phục sức khỏe. Mừng hơn, ký ức dần trở lại, những mong ước rất đời thường dần hình thành với nhiều người.
Trò chuyện với chúng tôi, anh B.V.T. (sinh năm 1983), thành viên nhà B4, đến từ xã An Khánh (huyện Hoài Đức) bày tỏ: “Đã có những lúc tôi mong ước hòa nhập cộng đồng, xây dựng cuộc sống như những người bình thường, nhưng bản thân chưa biết phải làm thế nào”. Còn anh N.T.T. (sinh năm 1975) có thể nhớ rõ từng chi tiết về ngôi nhà thân thương và những đứa con. “Nhà tôi ở khu vực đồi Dền, thuộc phường Trung Sơn Trầm, thị xã Sơn Tây. Hai con của tôi nay đã lớn rồi. Mong rằng, một ngày nào đó, tôi đủ sức khỏe để trở về với những người thân yêu”, anh N.T.T. nói.
Chứng kiến sự phục hồi tích cực của người thân, gia đình các bệnh nhân rất phấn khởi. Bà Đỗ Thị Thắm, là mẹ của bệnh nhân N.H.M. chia sẻ: “Ngày ngày vào trung tâm thăm con, thấy con cùng những người đồng cảnh được chăm lo đầy đủ, sức khỏe cải thiện tốt, tôi thực sự biết ơn những cán bộ nơi đây. Họ đã không quản ngại khó khăn, vất vả, tận tình giúp những mảnh đời kém may mắn được sống trong yêu thương”.
Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và phục hồi chức năng người tâm thần số 1 Nguyễn Đức Phong nhấn mạnh, giúp bệnh nhân và các trường hợp yếu thế cải thiện sức khỏe, sống trong tình yêu thương là mục tiêu hướng đến của những người làm nghề công tác xã hội nói chung và của đội ngũ hơn 190 cán bộ, y, bác sĩ, người lao động đang làm việc ở trung tâm nói riêng. Để yêu thương lan tỏa, ngoài những chính sách chăm lo của nhà nước, sự tận tâm của những người làm nghề, bệnh nhân tâm thần có hoàn cảnh đặc biệt còn cần đến sự quan tâm của những tấm lòng hảo tâm.
Trưởng phòng Công tác xã hội và phát triển cộng đồng (Trung tâm Chăm sóc và phục hồi chức năng người tâm thần số 1) Nguyễn Xuân Hòa cho biết thêm: “Hệ thống cơ sở vật chất tại trung tâm hiện đã được đầu tư khang trang, các chế độ dành cho bệnh nhân tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, trung tâm hiện có một số bệnh nhân mắc trọng bệnh, cần sử dụng những loại thuốc, dịch vụ y tế chi phí cao, không nằm trong danh mục chi trả của Quỹ Bảo hiểm y tế, vượt quá khả năng tự chi trả của đơn vị. Để duy trì sự sống cho đối tượng, chúng tôi mong muốn nhận được sự đồng hành của những tấm lòng hảo tâm”.
Từ những dẫn chứng nêu trên càng thấy rõ một điều, dù còn đó khó khăn, vất vả, nhưng tình yêu thương giữa con người với con người, giữa đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác xã hội với người yếu thế tại Trung tâm Chăm sóc và phục hồi chức năng người tâm thần số 1 luôn đong đầy, dâng trào cảm xúc. Cảm xúc chân thật, sinh động và dễ cảm nhận nhất là khi một số bệnh nhân nặng do ảnh hưởng của bệnh tật, thường trầm lặng, bỗng có lúc bật lên tiếng hát vui tươi dù không tròn vành, rõ tiếng; là hình ảnh những bệnh nhân có thể trạng sức khỏe tốt đang hào hứng luyện tập văn nghệ để chào mừng Ngày Công tác xã hội Việt Nam (25-3). Cứ thế, những giai điệu đẹp: “Với con tim nối yêu thương. Chúng ta anh em một nhà. Sát vai nhau đến muôn nơi. Xoa dịu đau thương khắp chốn…” của bài hát “Bài ca công tác xã hội” vang lên giữa không gian bình yên, khiến bất kỳ ai chứng kiến đều thấy ấm lòng.