Tổng thống Hàn Quốc thăm Nhật Bản: Đưa quan hệ hai nước sang “trang mới”
Thế giới - Ngày đăng : 07:19, 18/03/2023
Nhật Bản và Hàn Quốc đã đình chỉ các chuyến thăm qua lại lẫn nhau của các nhà lãnh đạo hai nước từ tháng 12-2011 do quan hệ song phương xấu đi vì một số vấn đề, trong đó có tranh chấp lao động thời chiến. Chuyến thăm Nhật Bản kéo dài hai ngày (16 và 17-3) của ông chủ Nhà Xanh diễn ra chưa đầy 2 tuần sau khi Seoul công bố giải pháp cho cuộc tranh chấp kéo dài về bồi thường cho những người Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động cho các công ty Nhật Bản trong giai đoạn 1910-1945. Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Fumio Kishida là một bước quan trọng để hàn gắn các mối quan hệ sau nhiều thập kỷ tranh chấp và mất lòng tin giữa hai đồng minh quan trọng của Mỹ ở châu Á này.
Phát biểu trong cuộc họp báo chung sau cuộc gặp, Tổng thống Y.S.Yeol nêu rõ, hai bên đã quyết định bình thường hóa hoàn toàn Hiệp định Bảo mật thông tin quân sự chung (GSOMIA); đồng thời cho rằng, hai nước nên chia sẻ thông tin liên quan đến các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên và có phản ứng phù hợp. Về phần mình, Thủ tướng F.Kishida hoan nghênh đề xuất của Seoul đối với việc giải quyết mâu thuẫn về vấn đề lao động cưỡng bức thời chiến; đồng thời khẳng định, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ duy trì liên lạc chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực và tăng cường các mối quan hệ song phương là vấn đề cấp bách. Thủ tướng F.Kishida cũng nêu rõ, Nhật Bản sẽ sớm nối lại các hình thức đối thoại an ninh với Hàn Quốc và thiết lập khuôn khổ đối thoại an ninh kinh tế mới trong bối cảnh khu vực tiềm ẩn bất ổn. Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí chấm dứt tranh chấp thương mại kéo dài gần 4 năm về một số vật liệu công nghệ cao được sử dụng cho chíp.
Mối quan hệ giữa Seoul và Tokyo xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ vào năm 2018 sau khi Tòa án Tối cao Hàn Quốc phán quyết hai công ty Nhật Bản là Nippon Steel và Mitsubishi Heavy Industries phải bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động thời chiến, mặc dù Tokyo khẳng định toàn bộ vấn đề bồi thường đã được giải quyết theo Hiệp ước năm 1965 về bình thường hóa quan hệ song phương. Để trả đũa, Nhật Bản áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với các hóa chất quan trọng trong ngành công nghiệp bán dẫn của Hàn Quốc.
Hy vọng về sự “tan băng” giữa hai nước đã đến khi ông Y.S.Yeol giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc năm 2022. Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Y.S.Yeol đã kiên trì tìm cách hàn gắn quan hệ với Nhật Bản, khi nêu rõ sự hợp tác ba bên giữa Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ “đã trở nên quan trọng hơn bao giờ hết để vượt qua các mối đe dọa hạt nhân nghiêm trọng do Triều Tiên gây ra”.
Trong những năm gần đây, mối quan hệ xấu đi giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đã làm suy yếu những nỗ lực của Mỹ nhằm đưa ra một “mặt trận” thống nhất phương án đối phó với Triều Tiên và sự trỗi dậy của một số cường quốc châu Á. Giờ đây, Nhật Bản và Hàn Quốc đã sẵn sàng bước sang một trang mới là một tin vui đối với Washington vốn đang thúc đẩy quá trình xoa dịu mâu thuẫn giữa hai quốc gia đồng minh của mình.
Các nhà phân tích nhận định, cuộc gặp thượng đỉnh của hai nhà lãnh đạo Y.S.Yeol và F.Kishida có thể sửa đổi bản đồ chiến lược của Đông Bắc Á. Quan trọng hơn, việc nối lại các cuộc tiếp xúc sẽ tiếp thêm động lực để hàn gắn quan hệ song phương vì hòa bình, hợp tác và thịnh vượng cho cả hai nước, khu vực cũng như toàn thế giới.