Hành động nhiều hơn vì gia đình - cộng đồng hạnh phúc

Văn hóa - Ngày đăng : 14:05, 17/03/2023

(HNMO) - Ngày 17-3, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức Chương trình gặp mặt, giao lưu các gia đình văn hóa tiêu biểu trên địa bàn thành phố Hà Nội. Sự kiện thiết thực kỷ niệm 10 năm thực hiện Đề án “Tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế hạnh phúc 20-3 hằng năm”; tôn vinh, lan tỏa truyền thống văn hóa, thúc đẩy các sáng kiến, giải pháp xây dựng gia đình - cộng đồng văn minh, hạnh phúc.

Lan tỏa vai trò, ý nghĩa Ngày Quốc tế hạnh phúc

Ngày Quốc tế hạnh phúc 20-3 được Liên hợp quốc chính thức công bố năm 2012. Sau 10 năm, sự kiện đã thu hút 193 quốc gia cam kết nỗ lực và hành động nhiều hơn nữa cho việc nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng xã hội phát triển bền vững, công bằng và hạnh phúc.

Sự kiện hội tụ nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc.

Là một trong những quốc gia đầu tiên hưởng ứng Ngày Quốc tế hạnh phúc do Liên hợp quốc phát động, Việt Nam - từ năm 2013 đã có Đề án “Tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế hạnh phúc 20-3 hằng năm” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tại Hà Nội, đã có nhiều chương trình, hành động, như: Chương trình 06-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội về “phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”; Chương trình số 08-CTr/TU về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025”…, tập trung nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho người dân theo tinh thần quốc tế hạnh phúc.

Phát biểu tại chương trình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết: Bám sát chỉ đạo của Trung ương và thành phố, những năm qua, ngành Văn hóa Thủ đô đã tích cực phối hợp với các ban, ngành liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội và các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động triển khai Ngày Quốc tế hạnh phúc. Thông qua các hội nghị, tọa đàm, giao lưu, vai trò, ý nghĩa lịch sử của sự kiện được lan tỏa, qua đó thúc đẩy nhiều hơn các hoạt động hưởng ứng xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, văn minh và hạnh phúc.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh phát biểu tại sự kiện.

“Là một trong những địa phương đầu tiên triển khai thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên cả nước, việc nêu gương người tốt - việc tốt, xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình, thôn làng, tổ dân phố văn hóa; xã đạt chuẩn nông thôn mới, phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh… được duy trì nhiều năm gắn với triển khai thực hiện hệ thống quy tắc ứng xử, đã góp phần gìn giữ, phát huy truyền thống văn hiến ngàn năm, song hành với tiếp thu các giá trị văn hóa mới, từ đó củng cố, bồi đắp, làm giàu cho văn hóa Thủ đô trong đời sống hiện tại...”, bà Trần Thị Vân Anh nhấn mạnh.  

“Trách nhiệm không của riêng ai!”

Chương trình thu hút hơn 100 gia đình văn hóa tiêu biểu từ 30 quận, huyện, thị xã trên toàn thành phố. Tại đây, các đại biểu đã cùng lắng nghe những chia sẻ, kinh nghiệm trong xây dựng tổ ấm hạnh phúc, góp phần tạo lập sức mạnh nội sinh cho gia đình - “tế bào của xã hội”.

Như gia đình bà Nguyễn Thị Chắt ở xã Sen Phương, huyện Phúc Thọ, là một kiểu mẫu của tổ ấm “Tứ đại đồng đường” trong xã hội hiện đại khi có tới 11 thành viên cùng chung sống hòa thuận dưới một mái nhà. Bà Chắt cho rằng, muốn gia đình trong ngoài êm ấm, chan hòa, trước hết ông bà, cha mẹ phải ý thức được việc nêu gương cho con, cháu trong lối sống, ứng xử hằng ngày. Có như vậy, người sau mới tin tưởng, tôn trọng, có ý thức gìn giữ nếp sống mà người đi trước đang duy trì - trở thành truyền thống, sức mạnh văn hóa của cả gia đình.

Giao lưu trao đổi kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hóa.

Ông Vũ Tất Thông ở phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa cho biết, bản thân mỗi gia đình phải quyết tâm giữ cho được những giá trị văn hóa tốt đẹp của mình, luôn luôn tự hoàn thiện bản thân, buông bỏ thiệt hơn trong tranh chấp để gia đình được yên vui, đầm ấm. “Chẳng hạn trong gia đình khi người chồng nóng tính, thì người vợ cần giống như “cái điều hòa”, làm dịu không khí đúng lúc, như thế việc lớn sẽ thành nhỏ, việc nhỏ sẽ thành không có gì”, ông Thông chia sẻ.

Là một trong những địa phương đầu tiên được thành phố chọn làm điểm thực hiện Bộ quy tắc ứng xử trong gia đình, Phó Chủ tịch UBND phường Khương Trung Trần Thị Nhiên, cho biết: “Địa phương chọn hai tổ dân phố số 4 và số 12 để triển khai thí điểm với 300 hộ gia đình đăng ký. Trong thời gian triển khai, phường tổ chức phát thanh tin bài, in phát tờ rơi, sổ tay hướng dẫn; tọa đàm, hội nghị trao đổi, gợi mở sáng kiến, kinh nghiệm; đánh giá, rút kinh nghiệm trong triển khai thực hiện hằng tháng. Kết quả, kể từ khi triển khai thực hiện (năm 2019), tại các gia đình không xảy ra những tiêu cực về đạo đức và các mối quan hệ trong gia đình. Người cao tuổi và trẻ em được tôn trọng, được quan tâm chăm sóc. Anh chị em đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau…”.

Quang cảnh chương trình gặp mặt, giao lưu.

Theo bà Nguyễn Thị Việt Hà, Phó Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Ngày Quốc tế hạnh phúc là thời điểm để chúng ta nhìn lại những thành quả, đồng thời, đề ra giải pháp tiếp tục kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của mảnh đất nghìn năm văn hiến trong xây dựng gia đình, cộng đồng, xã hội hạnh phúc. Cùng với nỗ lực của các cấp chính quyền, còn cần có sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng thành phố “văn hiến - văn minh - hiện đại” mà Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã đề ra.

Nguyễn Thanh