Cột cờ Hà Nội nơi Đất Mũi
Đời sống - Ngày đăng : 07:15, 17/03/2023
Giờ thì khác rồi. Theo đường Hồ Chí Minh, từ thành phố Cà Mau, xe chỉ chạy chừng 3 tiếng là tới. Sau 16 năm mới trở lại nên tôi có cảm tưởng như lần đầu đặt chân tới nơi này vậy. Mở ra trước mắt là một không gian thoáng rộng, những con đường và cảnh quan gây phấn khích. Đạo diễn Huỳnh Công Danh, Giám đốc Hãng phim Chợ Lớn (thành phố Hồ Chí Minh), Phó Trưởng ban Liên lạc đồng hương Cà Mau - Bạc Liêu tại thành phố Hồ Chí Minh, người thường xuyên đưa các đoàn của Hội Điện ảnh Việt Nam về Cà Mau công tác kết hợp tham quan đến Đất Mũi, thông báo: “Đường trải nhựa và trải bê tông tới điểm tận cùng luôn nhưng quy định của Ban quản lý Khu du lịch Quốc gia Đất Mũi thì mọi xe đều phải dừng ở bãi đậu xe”. Tôi vội hỏi: “Thế muốn tham quan các điểm di tích thì làm thế nào?”. Ông Danh chỉ vào những chiếc xe điện đang đậu gần đó: “Ta đi xe điện. Xe điện sẽ đưa chúng ta tới tất cả các điểm”.
Điểm đầu tiên mà chúng tôi tới là Cột cờ Đất Mũi. Sừng sững uy nghi hiện diện giữa bạt ngàn màu xanh của rừng tràm rừng đước là một cột cờ cao chót vót. Phải mất nhiều giây đứng sững sờ chúng tôi mới ùa nhau tiến vào sân cột cờ. Tiếng gọi ríu ran, tiếng cười náo nức, tiếng trầm trồ nối nhau. Đúng là uy nghi và trầm lắng, Cột cờ Đất Mũi vút cao, trên đỉnh tháp lá cờ Tổ quốc tung bay trong gió lộng từ biển khơi thổi tới.
Cột cờ Đất Mũi tọa lạc trong một khuôn viên khá rộng, thêm con đường đôi dẫn thẳng vào chính giữa sân cột cờ đã làm tăng vẻ lồng lộng của Cột cờ Đất Mũi. Chúng tôi bước từng bước lên bậc tam cấp để vào trong sân, tíu tít gọi nhau làm mấy kiểu ảnh. Cột cờ Đất Mũi uy nghi phía sau lưng làm nền, bức ảnh nào cũng thấy khí thế.
Nhìn khái quát thì Cột cờ Đất Mũi khá bề thế, vuông vức với phần thân đế gồm ba tầng. Nhà biên kịch Thanh Bình sống ở thành phố Hồ Chí Minh có lẽ cũng lần đầu đến Đất Mũi nên cứ đứng nhìn mà không thốt nên lời. Mãi khi có người đến nhắc cô mới vội chạy theo đoàn để vào bên trong Cột cờ.
Gọi là vào bên trong Cột cờ nhưng thực ra là chúng tôi bước vào không gian của thân đế cột cờ. Đó là một không gian vô cùng rộng thoáng, có diện tích 400m2, được bố trí làm nơi để trưng bày giới thiệu khái quát về tỉnh Cà Mau, về điều kiện tự nhiên, về lịch sử khai phá và đấu tranh cách mạng, cùng với đó là giới thiệu về đời sống, sinh hoạt của người dân vùng Đất Mũi. Với những bức ảnh lớn và với những gian (khu) trưng bày theo trình tự thời gian. Du khách người Việt đến đây được ôn lại lịch sử khai khẩn và đấu tranh với giặc giã, với thiên nhiên của cha ông từ thuở “mang gươm đi mở cõi” tới giờ.
Dạo một vòng quanh khu trưng bày ở tầng trệt, tôi ghé vào quầy bán hàng lưu niệm. Ở đó có bán những sản vật của vùng Đất Mũi nói riêng, của Cà Mau nói chung. Đó có khi đơn giản chỉ là những bó đũa ăn được làm từ gỗ đước, hoặc là những chiếc nón, chiếc khăn rằn đặc trưng Nam Bộ. Mấy cô mấy chị trong đoàn xúm lại rủ nhau mua khăn rằn rồi quấn nhanh quanh cổ. Lại ríu rít gọi nhau chụp mấy kiểu ảnh kỷ niệm vui vui.
Tôi lại gần hỏi tên cô nhân viên bán hàng kiêm hướng dẫn viên. Cô nở nụ cười thấy mát cả mắt: “Thì anh Ba cứ kêu em là em Tư em Năm là được mà”. “Được lời như cởi tấm lòng”, tôi vội hỏi thêm về quá trình xây dựng Cột cờ. Cô vui vẻ cho biết: “Cột cờ được xây dựng trong khuôn viên Khu du lịch quốc gia Đất Mũi thuộc địa bàn xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Huyện Ngọc Hiển là huyện cực Nam của Việt Nam. Địa bàn huyện này thuộc Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới”. Khi nghe tôi hỏi thêm về tên gọi của huyện, “em Tư em Năm” cho biết: “Tên của huyện được đặt theo tên của ông Phan Ngọc Hiển”. Ông Phan Ngọc Hiển (1910 - 1941) sinh ra ở thành phố Cà Mau, là nhà báo, nhà giáo, nhà văn và chí sĩ yêu nước thời Pháp thuộc. Ông hy sinh sau khi lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai tại Cà Mau, đây là một bộ phận của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ chống chính quyền thực dân Pháp nổ ra năm 1940. Cô cho biết thêm: “Cột cờ Đất Mũi được khởi công xây dựng ngày 16-1-2016 và được khánh thành vào ngày 10-12-2019. Cột cờ Đất Mũi cao 45 mét, được xây dựng mô phỏng Cột cờ Hà Nội và là công trình do Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô xây tặng. Tổng chi phí 140 tỷ đồng, đều là tiền của nhân dân Thủ đô mình đấy anh Ba ạ”.
Chúng tôi lên tầng 1, tầng này đã thu hẹp lại, diện tích là 320m2. Đây là nơi trưng bày tranh ảnh về Đất Mũi Cà Mau trên đường phát triển. Tầng 2 có diện tích 152m2, là nơi trưng bày các di sản văn hóa tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội. Tôi thực sự xúc động khi bắt gặp những mẫu vật gạch gốm Hoàng thành Thăng Long cùng những bức ảnh Hà Nội vốn đã quá quen thuộc. Gặp lại Hà Nội ở Đất Mũi tôi mới thấm thía về ý nghĩa “Cột cờ Đất Mũi là biểu trưng của Thủ đô Hà Nội nơi tận cùng đất nước. Là biểu hiện của tinh thần non sông liền một dải. Là ý nghĩa của khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam”.
Cùng với vài người bạn, chúng tôi đi lên đỉnh cột cờ theo cầu thang xoáy ốc được rọi sáng và đón gió nhờ những ô cửa sổ có hình hoa thị và hình rẻ quạt. Mỗi bước đi lên được khích lệ bởi gió biển khơi mát rượi, của ánh nắng mênh mang. Và mỗi khi lên tới từng ô cửa, chúng tôi thấy màu xanh của rừng đước, rừng tràm và của biển cùng những cảm nhận mới lạ bởi ở từng độ cao hình ảnh lại thay đổi, hệt như đang xem một cuốn phim vậy. Điều đó đã giúp tôi có thêm động lực để lần lượt bước đủ 248 bậc cầu thang.
Tháp đỉnh cột cờ cũng được thiết kế hình trụ với lầu bát giác với nhiều ô cửa được lắp kính để đảm bảo an toàn và để ngăn gió mạnh, nhìn ra bốn phương tám hướng. Tôi dạo quanh trong tháp, khi thì theo chiều kim đồng hồ, lúc thì theo chiều ngược lại. Những mấy lần như thế mà vẫn tưởng như mình chưa đi hết vòng bởi mỗi lần đến một ô cửa sổ và nhìn ra ngoài là lại phát hiện thêm những điều mới mẻ. Đây rồi, rừng tràm bạt ngàn ngỡ như tấm phông xanh khổ lớn đang rì rào gọi gió. Đây rồi, biển Đông dập dờn sóng vỗ như đưa đến câu hát trùng khơi cho những ước vọng vươn xa. Và đây nữa, phía bên dưới đã hiện ra con đường Hồ Chí Minh với điểm mốc số 0, biểu tượng cho niềm tự hào đất nước. Còn đây nữa, đền thờ Lạc Long Quân trầm mặc bên tượng đài Mẹ Âu Cơ đang bồng trên tay những đứa con nước Việt...
Không biết ai đó trong đoàn đã thốt lên “Cột cờ Hà Nội. Cột cờ Hà Nội”. Tôi hiểu câu thốt lên ngỡ ngàng đó là lời đánh giá bởi Cột cờ Hà Nội nơi Đất Mũi đã góp thêm cho mảnh đất Cà Mau một công trình có giá trị nghệ thuật và kiến trúc đẹp, mang dấu ấn văn hóa và lịch sử thiêng liêng, thể hiện chủ quyền quốc gia, thể hiện khối đại đoàn kết dân tộc, Bắc - Nam một nhà.