Cần ý thức văn minh và trách nhiệm với cộng đồng
Xã hội - Ngày đăng : 06:33, 17/03/2023
“Bỏ thì thương, vương thì tội”
Sống tại khu đô thị Linh Đàm được 5 năm, chị Bùi Minh Thùy bức xúc chia sẻ: “Chuyện các gia đình thả chó ra ngoài hành lang để chúng cắn dép, tha dép, tè bậy vẫn thường xảy ra. Cũng có trường hợp các gia đình đưa chó di chuyển bằng thang máy, ra sân chơi chung dù không đeo rọ mõm. Cách đây khoảng hơn một tháng, khi tôi vào thang máy thì bất ngờ có một bạn trẻ dắt con chó khá to đi vào. Bạn ấy không hề đeo rọ mõm cho chó nên đã khiến bé nhà tôi khóc thét lên. Tôi nhắc khéo bạn ấy là nếu cho chó di chuyển bằng thang máy và dưới sân chung cư thì nên đeo rọ mõm vào để tránh trường hợp đáng tiếc. Tuy nhiên, thay vì tiếp thu ý kiến, bạn ấy lại tỏ thái độ không hài lòng”.
Còn chị Trần Hồng Hạnh, ngụ tại khu đô thị Việt Hưng, kể rằng chị đã phải bán nhà ở chung cư để có được không gian sống thoải mái hơn. Chị kể: “Đàn chó kích thước lớn của nhà hàng xóm luôn khiến tôi sợ hãi. Chúng sủa nhiều, mùi hôi nồng nặc, đến mùa rụng lông, lông chó bay tứ tung. Bên cạnh đó, trong tòa chung cư, nhiều gia đình nuôi nhốt chó, mèo ngoài ban công khiến mùi hôi theo gió bay lên các tầng khác. Mở cửa ban công cho mát mẻ thì mùi hôi xộc thẳng vào trong nhà. Tôi và các hộ dân khác đã nhiều lần ý kiến và yêu cầu chủ đàn chó giữ vệ sinh chung, nhưng không thu được kết quả”.
Hai ví dụ trên đây thực ra không phải chuyện hiếm gặp trong các chung cư. Chính vì thế, nhiều cư dân nêu quan điểm rằng, cần cấm hẳn hoạt động nuôi chó, mèo ở các chung cư vì khó quản lý. Ông Hoàng Văn Quyết, một cư dân sống tại chung cư Kinh Đô Tower (93 Lò Đúc) chia sẻ: “Tôi cho rằng nên cấm tuyệt đối. Vì thứ nhất, môi trường chung cư không phù hợp với việc nuôi chó, mèo. Không gian sống của vật nuôi và con người cần phải tách biệt rõ ràng. Tiếp đó, môi trường chung cư là không gian sinh hoạt tập thể nên phải vì số đông, vì kỷ luật chung, chứ không thể xem trọng sở thích cá nhân trong khi những tập tính của loài vật này dễ gây mâu thuẫn với quy định chung, gây phiền hà cho người khác. Cuối cùng, quyền lợi của con người luôn phải đặt lên trên hết. Trong đó, lợi ích tập thể cần phải được ưu tiên hàng đầu”.
Với ý kiến cấm nuôi chó mèo tại chung cư, nhiều ý kiến phản đối quan điểm này. Anh Hoàng Thanh Tùng, cư dân chung cư Him Lam, Thạch Bàn 2 (phường Thạch Bàn, Long Biên) chia sẻ: “Quy định về nuôi gia súc, gia cầm hiện nay đã có văn bản rất rõ ràng. Chó, mèo không phải gia súc, gia cầm trong danh mục cấm nên người dân hoàn toàn được quyền nuôi. Nếu người nuôi chấp hành đúng các quy định chung như đăng ký, tiêm chủng định kỳ, đeo rọ mõm cho chó khi đi ra nơi công cộng, không gây tiếng ồn hay ô nhiễm môi trường xung quanh thì không ai có quyền cấm cản họ nuôi chó, mèo trong chung cư cả”.
Còn anh Phùng Minh Thắng, cư dân sinh sống tại khu đô thị Vinhomes Riverside chia sẻ: “Thật ra ở chung cư, đôi khi cái tình nặng hơn cái lý. Chó mèo thậm chí còn trở thành những người bạn chữa lành vết thương tinh thần, sự cô đơn cho người già, người neo đơn, người bị trầm cảm... Nếu bị cấm chắc họ sẽ buồn lắm, nên tôi ủng hộ việc cho phép nuôi thú cưng trong chung cư, tuy nhiên người nuôi phải có ý thức gìn giữ vệ sinh môi trường, an toàn cho hàng xóm”.
Cần cụ thể hóa quy định
Trong Điều 35 Nghị định 99/2015/NĐ-CP quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư, có nội dung cấm chăn, thả gia súc, gia cầm trong khu vực nhà chung cư. Theo ông Nguyễn Văn Hưng, Giám đốc Công ty Luật Hưng Phát, việc nuôi chó mèo trong chung cư không bị pháp luật cấm, nhưng pháp luật vẫn có quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng đối với hành vi thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng theo điểm b khoản 1 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ - CP. Bên cạnh đó, hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng còn có thể bị xử phạt theo Điều 7 Nghị định 90/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 04/2020/NĐ - CP với mức phạt từ 1 - 2 triệu đồng.
Để hài hòa hai nhu cầu vừa muốn nuôi chó mèo, vừa muốn giữ được không gian yên tĩnh, vệ sinh chung, luật sư Nguyễn Văn Hưng đề xuất Ban quản lý chung cư có thể khảo sát ý kiến cư dân và ban hành quy định riêng cho chung cư của mình theo ý kiến của số đông. Đối với trường hợp cho phép nuôi chó, mèo, để bảo vệ mỹ quan chung, tránh ảnh hưởng tới cộng đồng, Ban quản lý cần có những quy định dành cho cư dân nuôi chó, mèo để hoạt động của vật nuôi tại chung cư không ảnh hưởng đến người khác. Ngoài ra, chó, mèo nên được đăng ký và quản lý theo địa chỉ cư trú. Hàng xóm nếu có khiếu nại kèm bằng chứng, Ban quản lý trích xuất camera thì sẽ có cách xử lý phù hợp.
Bên cạnh đó, ý thức của người chủ sở hữu vật nuôi cũng rất quan trọng. Mỗi người tự mình xây dựng một nếp sống văn hóa thì sẽ hình thành được một cộng đồng văn minh. Chị Nguyễn Quỳnh Hoa (phường Dịch Vọng, Cầu Giấy) chia sẻ: “Khi đưa chó xuống sân chơi chung tôi luôn mang theo gậy hót chất thải. Còn mèo thì chủ yếu chỉ ở trong nhà, tiếng kêu cũng bé, từ phòng khách ra phòng ngủ đã không nghe thấy, nên cũng chẳng làm phiền hàng xóm xung quanh. Tôi đồng tình với việc không cấm nuôi chó, mèo ở chung cư nhưng phải có quy định rõ ràng. Đặc biệt, khi đưa chó ra nơi công cộng thì phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó, có xích giữ chó và có người dắt. Thay vì cấm đoán, tôi nghĩ nên có hướng dẫn rộng rãi đến cộng đồng về cách nuôi chó mèo, chẳng hạn như ban hành một bộ quy chuẩn về ứng xử văn minh của người nuôi chó mèo”.
Trịnh Quỳnh Anh, sinh viên năm thứ 3 Học viện Ngân hàng chia sẻ: “Em nuôi cả chó và mèo tại một chung cư ở quận Hai Bà Trưng nhưng chưa bao giờ em nhận được lời phàn nàn nào từ hàng xóm. Em không thả chó xuống khu vực chung của tòa nhà như vườn hoa, sân... Chó được huấn luyện đi vệ sinh trong nhà, sau đó em sẽ dọn ngay để tránh mùi hôi ảnh hưởng tới cuộc sống của chính mình và hàng xóm. Theo em, đó chính là cách nuôi thú cưng văn minh và có trách nhiệm”.