Huyện Chương Mỹ kiến nghị thêm cơ chế đặc thù hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn
Đời sống - Ngày đăng : 18:08, 16/03/2023
Báo cáo với Đoàn giám sát về việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đỗ Hoàng Anh Châu cho biết: Trong giai đoạn 2019-2022 huyện Chương Mỹ đã hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới và đã được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Đến hết năm 2021, toàn huyện có 3 xã được UBND thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (Thủy Xuân Tiên, Đồng Phú, Hợp Đồng).
Về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn giai đoạn 2019-2022, huyện đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung về lúa, rau, cây ăn quả, chè, chăn nuôi gia cầm trọng điểm, chăn nuôi tập trung với diện tích 114,8ha...
Đến nay, ngành Nông nghiệp huyện phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, bước đầu đã hình thành một số mô hình chuỗi sản xuất - tiêu thụ các sản phẩm nông sản chủ lực như: Rau, gạo và sản phẩm chăn nuôi, góp phần nâng cao tỷ trọng ngành Nông nghiệp; hoàn thành xây dựng phát triển nhãn hiệu tập thể cho 5 sản phẩm gồm: Bưởi Chương Mỹ; Gạo hữu cơ Đồng Phú; Gạo hữu cơ Japonica Nam Phương Tiến; Rau an toàn Chúc Sơn; Bưởi Nam Phương Tiến.
Thực hiện Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND ngày 5-12-2018 của HĐND thành phố “Về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng hạ tầng nông thôn thành phố Hà Nội”, huyện bước đầu đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, như: Vùng sản xuất lúa; nuôi trồng thủy sản; trồng cây ăn quả; chăn nuôi tập trung với quy mô ngày càng tăng. Vùng sản xuất lúa chuyên canh chất lượng cao đạt trên 5.000ha, vùng cây ăn quả chuyên canh bưởi Diễn tăng từ 120ha lên 800ha, vùng chăn nuôi tập trung đã phát triển được 582 trang trại quy mô lớn ngoài khu dân cư.
Thực hiện Nghị quyết số 11/2019/NQ-HĐND ngày 4-12-2019 của HĐND thành phố “Về một số chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề thành phố Hà Nội”, trên địa bàn huyện có 95 làng có làng nghề, trong đó 35 làng ở 16 xã đã được UBND thành phố công nhận (sản xuất hàng mây tre xuất khẩu; sản xuất hàng mộc; sản xuất nón lá; điêu khắc...).
Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng kể nhưng quá trình triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, vướng mắc, khó khăn, như: Một số làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện hoạt động cầm chừng, chưa thật sự hiệu quả và đang đứng trước nguy cơ mai một; các làng nghề nông thôn hoạt động còn thiếu sự liên kết, thiếu đầu tư máy móc, kỹ thuật, mẫu mã sản phẩm đơn điệu; ô nhiễm môi trường làng nghề làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân; lao động trong các làng nghề chủ yếu là người lớn tuổi, nguy cơ mai một nghề truyền thống ngày càng cao; các làng nghề chưa khai thác tốt tiềm năng du lịch; khó tiếp cận vốn ưu đãi do quy định về đất đai chưa cởi mở...
Nguyên nhân của tồn tại, vướng mắc do quy mô sản xuất của các làng nghề còn nhỏ lẻ, số lượng các hộ sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề đầu tư công nghệ, máy móc hiện đại vào sản xuất còn ít, mẫu mã các sản phẩm làng nghề còn chưa đa dạng, sản xuất thủ công mang tính thời vụ nên chất lượng sản phẩm chưa đồng đều; các chính sách về hỗ trợ, bảo tồn và phát triển làng nghề còn khó áp dụng.
Từ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, UBND huyện Chương Mỹ đề nghị UBND thành phố Hà Nội có cơ chế đặc thù hỗ trợ huyện đầu tư các tiêu chí hạ tầng kỹ thuật về giao thông, thuỷ lợi, điện, giáo dục, văn hoá, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn... để hoàn thành mục tiêu, kế hoạch trong xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt hỗ trợ đối với các xã về đích nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025.
Đồng thời, đề nghị thành phố chỉ đạo, đôn đốc chủ đầu tư thực hiện các dự án nước sạch trên địa bàn huyện, đẩy nhanh tiến độ các dự án cấp nước sạch trên trên địa bàn để đảm bảo các xã phấn đấu đạt xã nông thôn mới nâng cao đạt chỉ tiêu tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung (tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch trên địa bàn đến hết năm 2022 đạt 14,63%, so với chỉ tiêu Chương trình)...
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đề nghị huyện Chương Mỹ làm rõ về chính sách hỗ trợ chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn; khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách của trung ương và thành phố; phân tích rõ hơn phạm vi đối tượng, địa bàn triển khai phát triển sản xuất lúa chất lượng cao giữa chính sách của trung ương và thành phố để tránh trùng lắp. Đặc biệt, đề nghị huyện làm rõ công tác tuyên truyền của địa phương khi chính sách được ban hành, công tác giám sát việc thực hiện, đánh giá kết quả công tác phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan trong triển khai thực hiện chính sách...
Sau khi UBND huyện Chương Mỹ trao đổi kỹ thêm các vấn đề đại biểu nêu, kết luận buổi giám sát, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hà Nội Hồ Vân Nga đánh giá cao các ý kiến trao đổi, đặc biệt là những ý kiến của doanh nghiệp, hợp tác xã tại huyện Chương Mỹ.
Tiếp thu những kiến nghị của huyện Chương, đồng chí Hồ Vân Ngân cho biết, Ban Kinh tế - Ngân sách sẽ tiếp tục nghiên cứu trong quá trình thẩm tra, báo cáo HĐND để ban hành các quyết sách phù hợp liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố.