Sử dụng vật liệu phát thải thấp - Còn nhiều thách thức
Công nghệ - Ngày đăng : 13:26, 16/03/2023
Tiêu thụ năng lượng lớn
Những năm qua, tốc độ tăng trưởng trung bình của ngành Xây dựng đạt khoảng 9%/năm, tỷ lệ đô thị hóa đến cuối năm 2022 đạt khoảng 41,7%, làm gia tăng nhu cầu năng lượng sử dụng trong lĩnh vực xây dựng. Thống kê của Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho thấy, các công trình xây dựng sử dụng khoảng 17% nguồn nước, 40% nguồn năng lượng, 25% gỗ khai thác, chiếm 50% lượng phát thải, tạo ra 33% lượng khí thải các bon và 40% chất thải rắn xây dựng.
Chia sẻ tại hội thảo “Vật liệu xây dựng phát thải thấp và công trình nhà ở các bon thấp” do Hội Vật liệu xây dựng tổ chức sáng 16-3 tại Hà Nội, TS. Nguyễn Quang Cung, Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho biết, theo dự báo của Cơ quan năng lượng quốc tế, số lượng các tòa nhà và nhu cầu năng lượng trên thế giới sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050. Do đó, yêu cầu giảm phát thải, sử dụng tiết kiệm năng lượng là đòi hỏi cấp thiết, nếu muốn đạt được mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
TS. Nguyễn Quang Cung khẳng định, việc sử dụng vật liệu xây dựng xanh đem lại những lợi ích rất rõ rệt. Theo Hội đồng Công trình xanh thế giới, các tòa nhà xanh đạt chứng nhận Green Star ở Australia giảm 62% khí thải nhà kính và giảm 51% lượng nước tiêu thụ.
Các công trình xanh được chứng nhận bởi Hội đồng Công trình xanh Ấn Độ (IGBC) tiết kiệm năng lượng từ 40 - 50% và tiết kiệm nước từ 20 - 30% so với các công trình thông thường.
Các công trình xanh đạt chứng nhận Green Star ở Nam Phi tiết kiệm trung bình 30 - 40% năng lượng, giảm 30 - 40% lượng khí thải các bon mỗi năm và tiết kiệm 20 - 30% nước hằng năm...
Vẫn còn thách thức
Thông tin về một số chính sách liên quan đến sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng phát thải thấp và hiệu quả năng lượng, TS.Thái Duy Sâm, Tổng Thư ký Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam chia sẻ, Việt Nam đã cam kết đến năm 2030 sẽ cắt giảm tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường 9% với nỗ lực trong nước và có thể đạt 27% với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Để thực hiện các cam kết đó, Nhà nước đã và đang đề ra nhiều chính sách khuyến khích phát triển vật liệu xây dựng xanh, phát thải thấp, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường.
Bộ Xây dựng đặt mục tiêu thúc đẩy sản xuất và sử dụng các vật liệu xây dựng xanh nhằm giảm ít nhất 25% lượng phát thải khí nhà kính tại nhà chung cư năm 2030 so với năm 2020...
Đến nay, nhiều doanh nghiệp trong nước đã đầu tư sản xuất, cung ứng các loại vật liệu xây dựng phát thải thấp và hiệu quả năng lượng, như: Bê tông khí chưng áp (ACC) có tác dụng cách nhiệt; tường rỗng bê tông đúc sẵn sản xuất theo công nghệ đùn ép, sử dụng chất thải của một số ngành công nghiệp khác để làm nguyên liệu, năng lượng tiêu thụ trong quá trình sản xuất không lớn, có khả năng cách âm, cách nhiệt cao; kính tiết kiệm năng lượng với công dụng ngăn bức xạ mặt trời, ổn định nhiệt độ bên trong tòa nhà, giảm tiêu tốn điện năng từ hệ thống điều hòa...
Tuy vậy, ông Thái Duy Sâm cũng thừa nhận, việc phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng phát thải thấp và hiệu quả năng lượng trong xây dựng nhà ở còn hạn chế.
Để thúc đẩy phát triển sản xuất, sử dụng vật liệu xây dựng phát thải thấp và hiệu quả năng lượng, các chuyên gia kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục ban hành, rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách ưu đãi cho các công trình sử dụng vật liệu xây dựng xanh; có chế tài xử lý các trường hợp vi phạm việc thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách đã ban hành; đẩy mạnh truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng để thay đổi thói quen trong việc sử dụng vật liệu xây dựng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng tiếp tục đổi mới công nghệ, thiết bị..., nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm vật liệu xây dựng xanh.