“Rôbốt biết yêu”–tuyệt phẩm thứ 9 của các nhà làm phim hoạt hình Mỹ

Văn hóa - Ngày đăng : 16:15, 13/08/2008

(HNMO)- Các nhà làm phim hoạt hình Mỹ một lần nữa đã chứng minh hoạt hình không chỉ dành riêng cho các em nhỏ, bằng cách đưa ra một tuyệt phẩm mang tên “Rôbốt biết yêu” (WALL-E ).

(HNMO)- Các nhà làm phim hoạt hình Mỹ một lần nữa đã chứng minh hoạt hình không chỉ dành riêng cho các em nhỏ, bằng cách đưa ra một tuyệt phẩm mang tên “Rôbốt biết yêu” (WALL-E ). Với trí tưởng tưởng phong phú, các nhà làm phim đã đưa ra hình tượng một nhân vật rô-bốt không chỉ vô tri vô giác mà còn có tình cảm, có lý tưởng sống…

Bộ phim hoạt hình, hài hước lãng mạn, khoa học viễn tưởng - “Rôbốt biết yêu” (WALL-E ) được coi là tuyệt phẩm thứ 9 sau “Ratatouille” của bộ đôi Disney – Pixar. Tuyệt phẩm này sẽ ra mắt khán giả Việt Nam từ ngày 22/8 tới.

Bối cảnh phim được dựng trong tương lai, trái đất bị bao phủ bởi rác thải. Để dọn dẹp, loài người buộc phải rời khỏi trái đất và thay thế vào đó là hàng triệu con robot nhỏ bé với nhiệm vụ thu dọn rác thải cho đến khi trái đất có thể ở được. Nhưng chương trình đó thất bại chỉ trừ một chú robot nhỏ bé vẫn chăm chỉ làm công việc của mình.

700 năm dọn dẹp rác rưởi trên hành tinh bằng cách nén rác thành từng khối lập phương, WALL-E – con robot duy nhất bị bỏ lại trên trái đất bắt đầu có một lỗi nhỏ trong hệ thống: phát triển tính cách của con người. Rất ham hiểu biết, cực kỳ tò mò và một chút xíu cô đơn. Hàng ngày, chú người máy tận tụy làm việc một mình, bên cạnh chỉ có một con gián. WALL-E lãng mạn mơ ước rằng một ngày cậu sẽ kết giao được với ai đó, và cuộc đời này hẳn còn nhiều điều thú vị hơn công việc buồn tẻ mà cậu làm hàng ngày.

Thế rồi EVE xuất hiện. EVE là cô người máy thăm dò có kiểu dáng đẹp, nhanh nhẹn, có thể bay và được trang bị súng laser. EVE thuộc hạm đội người máy được Phi trưởng của tàu Axiom (con tàu mẹ khổng lồ và sang trọng, là chỗ ở cho hàng ngàn con người) cử xuống trái đất để làm nhiệm vụ kiểm tra bí mật.

Theo đuổi EVE, WALL-E không thể ngờ rằng cậu sẽ vượt qua dải ngân hà và bước vào một chuyến phiêu lưu kỳ thú vượt xa sự tưởng tượng của chính mình.

Ý tưởng về bộ phim “WALL-E” được xuất phát từ việc năm 1992, khi Toy Story đang trong giai đoạn sản xuất, những gạo cội của Pixar là Stanton, John Lasseter, Pete Docter và nhà viết truyện thiên tài Joe Ranft quyết định sẽ cùng nhau làm vài bộ phim khác, nhưng chưa có ý tưởng. Họ ra ngoài ăn trưa và ý tưởng về A Bug’s Life, Monsters, Inc., và Finding Nemo đã xuất hiện. Cùng vào thời điểm đó, hình ảnh một chú người máy nhỏ bị bỏ lại một mình trên trái đất xuất hiện. Stanton nói: “Khi đó chúng tôi chưa có cốt truyện. Chỉ là ý nghĩ điều gì sẽ xảy ra nếu loài người phải rời bỏ trái đất và ai đó quên tắt nguồn cho con robot cuối cùng, và nó không hề biết rằng công việc của nó đã kết thúc”.

Một vài năm sau đó, ý tưởng thực sự được hình thành. Stanton nói rằng ông bị ảnh hưởng rất lớn từ phim khoa học viễn tưởng của những năm 70 như 2001: A Space Odyssey, Star Wars, Alien… “Những bộ phim ấy có thể đem tôi đến một không gian khác, làm tôi thực sự tin rằng những thế giới đó tồn tại ngoài kia”, ông nói, “Từ đó đến nay chưa có bộ phim nào làm được như thế, và tôi muốn tái hiện lại cảm xúc ấy”.

Đạo diễn Stanton nói rằng ông cảm thấy rất bị thu hút bởi sự cô đơn trong hoàn cảnh của WALL-E. “Tôi cứ nghĩ mãi rằng nhân vật này rồi sẽ đưa chúng ta đến đâu? Và không phải mất nhiều thời gian để nghiệm ra rằng trái ngược với nỗi cô đơn chính là tình yêu. Tôi lập tức bị cuốn hút và hoàn toàn bị thuyết phục bởi ý nghĩ về tình yêu giữa hai cỗ máy. Nhất là đặt trong bối cảnh toàn nhân loại đã mất đi mục đích sống. Điều đó thật nên thơ. Tôi thích ý nghĩ loài người sẽ có cơ hội thứ hai nhờ vào tình yêu của một chú robot bé nhỏ.”

Từ đó hình tượng chú rôbốt giàu cảm xúc ra đời. Và các nhà sản xuất, đạo diễn phim đã thành công trong việc tạo hình nhân vật chú rôbốt biết nói, biết đi, biết cười…Theo Ed Catmull, chủ tịch xưởng phim hoạt hình Walt Disney và Pixar, thì: “Trong WALL-E, những nghệ sĩ làm phim phải hoạt động với cường độ cao nhất để có thể chuyển tải hết cảm xúc và những suy nghĩ phức tạp với cực ít lời thoại. Vấn đề đặt ra là làm thế nào có thể tiếp cận con người thông qua hoạt hình”. Vì vậy, không quá lời khi gọi đây là tuyệt phẩm của các nhà làm phim hoạt hình Mỹ.

Tuyết Minh

TUYETMINH