Hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội hiện đại, văn minh, phát triển

Chính trị - Ngày đăng : 13:28, 15/03/2023

(HNMO) - Để phát triển Thủ đô theo Nghị quyết 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, tại tọa đàm “Luật Thủ đô sửa đổi, xây dựng thể chế vượt trội cho sự phát triển của Thủ đô” do Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tổ chức ngày 15- 3, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng có rất nhiều yếu tố. Trong đó, cần phát triển kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; giải bài toán “kinh tế vỉa hè”. Đồng thời, học hỏi kinh nghiệm các quốc gia đi trước trong quá trình xây dựng các quy định trong Luật Thủ đô (sửa đổi), đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của thành phố.

Thiếu những quy định đột phá

Qua việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, tổng kết thi hành Luật Thủ đô, có thể thấy, Hà Nội đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo sự chuyển biến toàn diện trên các lĩnh vực, góp phần tích cực vào thành tựu chung của đất nước. 

Tuy nhiên, Tiến sĩ Dương Thị Thanh Mai, nguyên chuyên gia cao cấp Bộ Tư pháp cho rằng, cũng còn không ít những tồn tại, hạn chế. Luật Thủ đô hiện hành còn mang tính nguyên tắc, có tính mục tiêu, định hướng, mà chưa có những quy định cụ thể để áp dụng trực tiếp nhằm xử lý các vấn đề phát sinh trong từng lĩnh vực quản lý, phát triển Thủ đô. Luật thiếu những quy định mang tính đặc thù, đột phá đúng với trị trí, vai trò của Thủ đô, nhằm tạo thể chế thuận lợi cho việc xây dựng, phát triển Thủ đô nhanh và bền vững. Một số luật được ban hành sau Luật Thủ đô đã có những tác động, ảnh hưởng lớn, làm hạn chế việc thực hiện các quy định liên quan của Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết thi hành. 

Các khách mời tham gia tọa đàm.

Tiến sĩ Dương Thị Thanh Mai thống nhất việc nghiên cứu sửa đổi toàn diện Luật Thủ đô nhằm tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn về thế chế. Trong đó, tập trung vào 9 nhóm chính sách lớn theo hướng thực sự trao cho Hà Nội những cơ chế có tính vượt trội, khả thi, tạo điều kiện cho Thủ đô phát triển xứng tầm.

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Hưng Quang, Phó Chủ tịch Hội Luật quốc tế Việt Nam, Tiến sĩ Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam - tổ chức hoạt động trong các lĩnh vực tư vấn phát triển, nghiên cứu kinh tế, phân tích chính sách và quản trị dự án - cũng thống nhất cao về sự cần thiết phải sửa đổi Luật Thủ đô nhằm huy động mọi nguồn lực, khai thác các tiềm năng, thế mạnh, thúc đẩy sự phát triển bền vững, mạnh mẽ hơn cho Hà Nội. 

Tiến sĩ Dương Thị Thanh Mai, nguyên chuyên gia cao cấp Bộ Tư pháp và
luật sư Nguyễn Hưng Quang, Phó Chủ tịch Hội Luật quốc tế Việt Nam phát biểu tại tọa đàm.

Đề cập cụ thể một số vấn đề đang đặt ra yêu cầu cần được thành phố giải quyết cấp bách, như tình trạng tắc đường, ô nhiễm không khí, thiếu khu vui chơi cho thiếu nhi, luật sư Nguyễn Hưng Quang cho rằng, để xử lý một cách hệ thống, đồng bộ và có tính bền vững, cần có các giải pháp được quy định ngay trong Luật Thủ đô (sửa đổi). Mấu chốt là hoàn thiện các quy định về quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông của Thủ đô và cơ chế, chính sách phát triển hệ thống y tế hiện đại, hệ thống an sinh xã hội toàn diện, bao trùm, bền vững, tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển các khu đô thị vệ tinh. Song song với đó, chuyển dần một số cơ quan nhà nước, bệnh viện, nhà máy, trường đại học ra khỏi đô thị trung tâm; phát triển hệ thống hạ tầng giao thông kết nối (như đường sắt đô thị, đường bộ) để có thể kéo giãn người dân đang sống và làm việc tại đô thị trung tâm.

Đối với vấn đề phát triển đô thị vệ tinh, Thủ đô đặt ra mục tiêu phát triển 5 đô thị vệ tinh từ năm 2010 theo Quyết định 1259/QĐ-TTg của Thủ tướng Chỉnh phủ phê duyệt quy hoạch chung Hà Nội (còn gọi là Quy hoạch 1259) gồm Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn (định hướng là các đô thị từ loại III đến I), 3 đô thị sinh thái (định hướng là các đô thị từ IV đến III), 11 thị trấn thuộc các huyện (định hướng là các đô thị loại V).

Theo Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của thành phố Hà Nội", chúng ta có thêm các chuỗi đô thị sông Hồng và sông Đuống. Để thực hiện được mục tiêu của các định hướng phát triển đô thị này, đòi hỏi Hà Nội phải có các chính sách, biện pháp để thu hút nguồn vốn xã hội đầu tư vào cơ sở hạ tầng đô thị, đặc biệt là giao thông đô thị, thu hút nguồn lực từ các nhà đầu tư lớn vào phát triển giao thông kết hợp phát triển đô thị… Có như vậy mới khuyến khích các nhà đầu tư phát triển đô thị vệ tinh (gồm hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội) kết hợp với giao thông thuận tiện để thu hút người dân đến sống ở các đô thị ngoài trung tâm (ví dụ như khu đô thị EcoPark là một điển hình của việc hút người dân sống ở đô thị ngoài trung tâm).

Tiến sĩ Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp trao đổi về học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong quá trình xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

Hỏi kinh nghiệm quốc tế, đẩy mạnh phân quyền

Đi sâu nghiên cứu luật về những thẩm quyền đặc biệt của chính quyền thủ đô các nước, Tiến sĩ Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp nhấn mạnh, không ít quốc gia trên thế giới đã xây dựng những thể chế đặc thù, vượt trội cho chính quyền thủ đô mà Hà Nội có thể học hỏi. Đơn cử, từ năm 1991, Hàn Quốc đã ban hành Luật về những thẩm quyền đặc biệt của chính quyền thủ đô Seoul. Theo quy định của luật này, người đứng đầu chính quyền Thủ đô Seoul được thực hiện một số thẩm quyền vốn được trao cho các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, liên quan tới bổ nhiệm nhân sự theo quy định của Luật Công chức. Luật cũng có các quy định đặc thù liên quan tới việc phát hành trái phiếu của chính quyền Thủ đô Seoul; trao cho người đứng đầu chính quyền Thủ đô Seoul những thẩm quyền riêng trong việc trao danh hiệu khen thưởng... 

"Kinh nghiệm của Hàn Quốc cho thấy, họ đã có hệ thống các quy định đặc thù cùng các quy định trao thẩm quyền vượt trội cho chính quyền Thủ đô Seoul... Những quy định đặc thù và vượt trội này có giá trị ưu tiên áp dụng so với các quy định trong các đạo luật áp dụng chung cho cả nước. Đây là dữ liệu rất đáng tham khảo trong quá trình xây dựng các quy định trong Luật Thủ đô (sửa đổi)", Tiến sĩ Nguyễn Văn Cương nhấn mạnh.

Với vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận là làm thế nào để giải quyết bài toán kinh tế vỉa hè, liệu Luật Thủ đô (sửa đổi) có thể giải quyết? Luật sư Nguyễn Hưng Quang phân tích: Chúng ta cần phải xác định chức năng chính của vỉa hè là dành cho người đi bộ, nhưng vỉa hè ở Việt Nam còn có đặc trưng của phát triển kinh tế. Tuy nhiên, văn bản quy phạm pháp luật hiện nay chưa cho phép làm như vậy. Do đó, cần tạo điều kiện ngay trong Luật Thủ đô (sửa đổi) để chính quyền Thủ đô có thể quản lý hài hòa 2 chức năng của hè đường nhằm tạo điều kiện thuận lợi và hài hòa lợi ích của người dân (gồm người đi bộ, người có đời sống kinh tế gắn với hè đường). Đồng thời, Hà Nội có thêm nguồn thu để đầu tư cho các công trình, tiện ích khác cho người dân, như đầu tư vào giao thông công cộng. 

Tiến sĩ Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam phát biểu tại tọa đàm.

Các khách mời cũng phân tích kỹ sự cần thiết của việc đẩy mạnh phân quyền, phân cấp cho Hà Nội trong tổ chức bộ máy, biên chế và một số lĩnh vực ưu tiên để tăng tính chủ động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho thành phố. Phát triển kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; lấy khoa học, công nghệ cao và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để Hà Nội phát triển.

Đồng thời, các đại biểu cho rằng, Hà Nội có bề dày hơn 1.000 năm văn hiến; có số lượng di sản, công trình di sản vật thể lớn là nguồn lực cho phát triển kinh tế. Hà Nội có đặc trưng đô thị hình thành từ những thế kỷ trước mà các tỉnh, thành phố khác không có. Điểm thuận lợi nữa là Hà Nội có hệ thống cảnh quan đẹp, lớn, có quỹ đất lớn (là 1 trong 17 thủ đô lớn nhất thế giới). Đây là thuận lợi nền tảng cơ bản để phát triển đô thị trong tương lai, đặt cơ chế, nền móng bước đầu ngay trong Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm nhanh chóng hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội hiện đại, văn minh, phát triển. 

Hà Phong