Liu Xiang & chuyện chiến lược của người Trung Quốc

Thể thao - Ngày đăng : 06:44, 07/08/2008

21/8 tới đây sẽ là ngày quan trọng đối với hơn 1 tỷ người dân Trung Quốc khi mà niềm hy vọng số 1 của họ trong môn điền kinh, Liu Xiang sẽ bắt đầu cuộc đua bảo vệ chiếc huy chương vàng tại quê nhà.

21/8 tới đây sẽ là ngày quan trọng đối với hơn 1 tỷ người dân Trung Quốc khi mà niềm hy vọng số 1 của họ trong môn điền kinh, Liu Xiang sẽ bắt đầu cuộc đua bảo vệ chiếc huy chương vàng tại quê nhà.

Câu chuyện Liu Xiang giành huy chương vàng nội dung 110m vượt rào nam, chiếc huy chương vàng điền kinh đầu tiên của người châu Á tại TVH Athens 2004 làm người ta nhớ tới Cathy Freeman, nữ VĐV điền kinh thổ dân Australia.

Cái tên Cathy Freeman gần như đã trở thành biểu tượng của thế thao Australiatrong những năm đầu thế kỷ 21 khi cô giành chiếc huy chương vàng nội dung 400m trên sân vận động Olympic Sydney. Điều đáng nói là Freeman xuất thân từ một gia đình thổ dân, nhóm dân tộc thiểu số vốn đi liền với sự kém phát triển tại Australia.

Còn tại Trung Quốc, Liu Xiang cũng nổi tiếng giống như Freeman ở Australia, cả 2 đều là những siêu sao mà gương mặt của họ liên tục xuất hiện từ quảng cáo quần áo cho tới đồ uống có ga.

Chiến thắng của nam VĐV này tại nội dung mà vốn từ xưa tới nay người Trung Quốc chưa bao giờ được đánh giá cao có thể ví như quả sơ ri ngọt ngào đặt trên chiếc bánh gatô ăn mừng chiến thắng của đoàn thể thao nước chủ nhà.


Liu Xiang là một trong những vận động viên được mến mộ nhât tại Trung Quốc - Ảnh: D.M

Khi Bắc Kinh giành quyền đăng cai TVH cách đây 7 năm, thì “dự án 119” cũng chính thức ra đời. Dự án này bao gồm những chương trình quốc gia nhằm đưa Trung Quốc lên vị trí số 1 trên bảng xếp hạng tổng của Olympic. Và nếu thành công, kỳ TVH này sẽ đánh dấu bước ngoặt quan trọng của thể thao Trung Quốc khi lần đầu tiên quốc gia nổi tiếng với bề dày văn hoá lịch sử bước lên bục cao nhất.

Nhìn lại lịch sử Olympic, có thể thấy thời thế bây giờ đã khác xa so với 76 năm trước, khi mà Liu Chang Chun, người Trung Quốc đầu tiên giành quyền tham dự TVH. Vào lúc đó, đoàn thể thao Trung Quốc chỉ có vỏn vẹn đúng 1 VĐV với sự hỗ trợ tài chính từ phía trường đại học của Liu.

Không chỉ có vậy, nam VĐV này không những không thể tạo nên dấu ấn gì ở nội dung 100m, 200m mà còn phải nhờ tới tiền quyên góp của cộng đồng Hoa kiều tại Los Angeles để có thể mua vé về nước.

Còn với tiềm lực tài chính hùng mạnh hiện tại, người Trung Quốc không chỉ góp mặt tại TVH với số lượng VĐV đông đảo, 638 người, mà còn đang lăm le tiếm ngôi đầu.

Các nhà quản lý thể thao Trung Quốc lấy tên “dự án 119” theo mục tiêu huy chương mà quốc gia này đề ra trong kỳ TVH Bắc Kinh. Tổng số tiền đầu tư cho dự án này lên tới 5 tỷ nhân dân tệ (khoảng 381 triệu bảng).

Tiền liên tục được rót vào các môn như điền kinh, canoeing, rowing, bơi lội, những môn không phải thế mạnh của Trung Quốc nhằm thuê HLV ngoại cho các VĐV chủ nhà.

Một lượng tiền khổng lồ khác còn được chi dùng vào việc tổ chức các kỳ đại hội thể thao dành cho học sinh sinh viên nhằm tuyển chọn các VĐV tiềm năng. Có khoảng 24.000 trường tiểu học có thiên hướng về thể thao để đào tạo cho khoảng 6 triệu trẻ em Trung Quốc.

Có khoảng 8% trong tổng số các thiếu niên trên độ tuổi 12 được chọn vào học thêm tại các trường thể thao ngoài thời gian học văn hoá. Đến tuổi 16, những người ưu tú nhất trong số 360.000 thiếu niên này sẽ được chuyển lên học tại 3600 trường thể thao của địa phương, nơi mà họ sẽ được đào tạo chuyên sâu về thể thao.

Nhưng sau đó, cứ 10 người thì chỉ có 1 người có thể ra trường và bắt đầu hoạt động thể thao chuyên nghiệp với mức lương 250$/ tuần của chính phủ.

Đối với Liu Xiang, số tiền mà VĐV này kiếm được lên tới 7.2 triệu bảng, con số đáng mơ ước của bất kỳ ai. Thế nhưng, cũng giống như tay vợt Jie Zheng, người giành được số tiền thưởng 190.000 bảng tại Wimbledon vừa rồi, Liu cũng sẽ quyên góp một nửa số tiền nói trên cho nạn nhân động đất của tỉnh Tứ Xuyên.

Ngoài việc nhận được sự giáo dục đặc biệt, những khoản thù lao hậu hĩnh này chính là lý do khiến các ông bố bà mẹ cho con họ tham gia vào chương trình phát triển thể thao của chính phủ Trung Quốc.

Cách đây 4 năm, khi Liu Xiang lần đầu tiên trong lịch sử thể thao Trung Quốc giành huy chương vàng điền kinh tại 1 kỳ TVH, người ta đã nói rằng Liu Xiang không chỉ chinh phục nội dung chạy vượt rào, mà anh ấy đã chinh phục được sự hổ thẹn của cảcChâu Á trong suốt 108 năm qua.

Thành công ấy một phần đến từ nỗ lực của bản thân Liu, nhưng cũng cần phải nói thêm rằng nếu không có chiến lược phát triển thể thao hợp lý, có chiều sâu và đồng bộ của chính phủ, thì còn lâu nữa thể thao Trung Quốc mới có ngày hái quả.

5 ngôi sao sáng trong làng Thể thao Trung Quốc

1. Liu Xiang (Điền kinh): VĐV điền kinh đầu tiên của Trung Quốc giành HCV Olympic (tại Athens 2004), ở cự ly 110m vượt rào với thành tích ngang bằng kỷ lục Thế giới của Colin Jackson.

2. Yao Ming (Bóng rổ): Sở hữu chiều cao 2m28, Yao Ming đang là tay ném chủ lực của đội Houston Rockets tại giải bóng rổ nhà nghề Mỹ NBA. Hàng năm, anh nhận mức lương 7,5 triệu bảng cùng vô số hợp đồng quảng cáo giá trị khác.

3. Guo Jingjing (Nhảy cầu): 8 lần VĐTG, 2 HCV và 2 HCB Olympic. Chừng đó chiến tích cũng đủ nói lên tài năng của Jingjing.

4. Zhang Yining (Bóng bàn): Nhà ĐKVĐ Olympic ở nội dung đơn và đôi nữ, Yining đang vững vàng trên ngôi vị số 1 Thế giới.

5. Gao Ling (Cầu lông): Tay vợt thành công nhất trong lịch sử Trung Quốc khi đoạt được 14 danh hiệu lớn trong sự nghiệp (trong đó có 2 HCV Olympic).

N.T.V/VNN

HA OANH