Thêm “chiếc neo” trách nhiệm...
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:43, 15/03/2023
Theo đánh giá của UBND thành phố, xảy ra thực trạng đáng buồn trên là do thời gian qua, việc đầu tư phát triển và khai thác, sử dụng các công trình công cộng như: Trường học, bệnh viện, vui chơi, giải trí... vẫn chưa được chủ đầu tư các khu đô thị mới quan tâm đúng mức, dẫn đến hạ tầng xã hội tại nhiều dự án bị quá tải, không đáp ứng được nhu cầu. Qua rà soát của Sở Xây dựng tại 78 dự án khu đô thị mới, dự án khu nhà ở đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng có quy hoạch đất xây dựng công trình công cộng (nhà trẻ, trường học phổ thông), vẫn còn 15 dự án đầu tư xây dựng chưa bảo đảm đồng bộ hạ tầng xã hội so với tiến độ xây dựng nhà ở trong dự án.
Để khắc phục tình trạng này, UBND thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 3383/QĐ-UBND ngày 19-9-2022 ban hành Chuyên đề “Giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng các công trình công cộng tại các khu đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025”. Việc ban hành chuyên đề nhằm bảo đảm việc đầu tư xây dựng các công trình công cộng, công trình hạ tầng xã hội trong các khu đô thị phù hợp với quy hoạch, bảo đảm đồng bộ với tiến độ, chất lượng đầu tư xây dựng các công trình nhà ở, đáp ứng nhu cầu thiết yếu về đời sống của người dân trong các khu đô thị. Ngoài ra, thành phố cũng đã chỉ đạo rà soát, thu hồi một số dự án chậm tiến độ để lấy quỹ đất xây dựng trường học công lập tại các điểm bức xúc về trường học công lập...
Có thể nói, pháp luật hiện hành đã có quy định đầy đủ và bắt buộc về đất để phát triển các cơ sở giáo dục, để “neo” trách nhiệm các địa phương, doanh nghiệp khi quy hoạch các khu đô thị.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 126/CĐ-TTg ngày 10-3-2023 về việc tập trung kiểm tra, rà soát, đầu tư xây dựng trường học, cơ sở y tế tại các khu đô thị, khu nhà ở, khu dân cư, khu công nghiệp và nhà vệ sinh công cộng tại trường học, đô thị. Thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ cũng như chỉ đạo của thành phố, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội cần khẩn trương kiểm tra thực trạng tình hình, đánh giá mức độ đáp ứng yêu cầu theo quy hoạch và quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan; ưu tiên bố trí nguồn lực để đầu tư xây dựng mới các công trình hạ tầng giáo dục thuộc trách nhiệm đầu tư của Nhà nước. Đặc biệt, các cấp, ngành, địa phương cần yêu cầu chủ đầu tư dự án và các cơ quan, tổ chức có liên quan khẩn trương hoàn thiện đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng trong dự án.
Cùng với việc xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các dự án không triển khai, chậm tiến độ công trình trường học, cơ sở y tế, thiết chế văn hóa... theo quy hoạch, thành phố cần tăng cường công tác giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, cơ quan dân cử, người dân trong việc lập và thực hiện quy hoạch. Có như vậy, mới góp phần để Hà Nội không bị thiếu trường, lớp ở các khu đô thị và sẽ không còn cảnh các phụ huynh phải thức thâu đêm, bốc thăm để mong có một suất học cho con mỗi mùa tuyển sinh đến.