Kỳ vọng mở rộng lưới an sinh cho người cao tuổi
Đời sống - Ngày đăng : 06:22, 15/03/2023
Cần điểm tựa an sinh
Càng cao tuổi, người dân càng cần có điểm tựa an sinh vững chắc hơn. Trong khi đó, ở nước ta hiện nay, số lượng người cao tuổi có khoản tiền ổn định để chăm lo cho cuộc sống chưa nhiều.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện cả nước có hơn 3,3 triệu người cao tuổi hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng. Về trợ cấp xã hội, cả nước có gần 2 triệu người cao tuổi hưởng các chế độ thông qua ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. So với quy mô dân số, nước ta còn khoảng 9 triệu người, tương đương với hơn 60% tổng số người đã hết tuổi lao động hiện chưa có lương hưu, trợ cấp hằng tháng. Con số này dự báo tăng lên 13 triệu người vào năm 2030, sẽ tiếp tục tăng cao vào những năm sau đó.
Khảo sát của Chương trình Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam cho thấy, nguồn thu nhập của một bộ phận không nhỏ người cao tuổi ở nước ta đến từ sự hỗ trợ của con cái, chiếm tới 38%; đến từ công việc do người cao tuổi đảm nhận chiếm 29%. Những nguồn thu nhập này không bảo đảm yếu tố bền vững. Ông Nguyễn Văn Tuân (74 tuổi), tổ dân phố 10, phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) chia sẻ: “2 năm gần đây, công việc của các con gặp khó khăn, thu nhập giảm nên mỗi tháng nhận 4 triệu đồng từ các con để dưỡng già, tôi rất áy náy. Những lúc này, tôi luôn ước bản thân có lương hưu”.
Với những người tham gia lao động, khi bị ốm đau, bệnh tật, đồng nghĩa họ bị mất nguồn thu nhập, lại thêm gánh nặng tài chính cho việc chăm sóc sức khỏe. Bà Lê Thị Quý (66 tuổi), hiện làm giúp việc tại chung cư Vinhomes Smart City, phường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm) bày tỏ: “Tôi chỉ có một người con và con tôi không may mất sớm. Vì thế, tôi phải chủ động chăm lo cho bản thân những năm tháng tuổi già”.
Nghiên cứu về an sinh xã hội, PGS.TS Giang Thanh Long, giảng viên cao cấp khoa Kinh tế học (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) chỉ rõ 2 nguyên nhân chính khiến số đông người cao tuổi ở nước ta hiện chưa có lương hưu, trợ cấp hằng tháng: Hệ thống hưu trí hiện thiết kế đơn tầng, nên độ bao phủ còn hạn chế; tốc độ già hóa dân số tăng nhanh. Để khắc phục, cách tốt nhất là thiết kế hệ thống hưu trí phù hợp với thực tiễn xã hội.
Bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội
Hướng tới mục tiêu mở rộng lưới an sinh xã hội đối với người cao tuổi, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thiết kế chính sách hưu trí đa tầng, trong đó bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội.
Đối tượng hưởng trợ cấp hưu trí xã hội là những người từ đủ 80 tuổi trở lên, không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khác. Kinh phí trợ cấp xã hội do ngân sách nhà nước bảo đảm. Mức trợ cấp bằng 500.000 đồng/người/tháng. Cùng với đó, người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Khi người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội qua đời, người lo mai táng được nhận một lần trợ cấp mai táng với số tiền 10 triệu đồng.
Ngoài ra, người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu có thời gian đóng bảo hiểm xã hội, nhưng chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu, chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội có thể chọn hưởng trợ cấp hằng tháng (thấp nhất bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội) cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Mức trợ cấp hằng tháng tùy thuộc vào tổng thời gian đóng, mức đã đóng bảo hiểm xã hội của người lao động khi còn làm việc…
Cũng theo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), mức trợ cấp hưu trí xã hội sẽ được Chính phủ quy định điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách, nên sẽ tăng theo từng giai đoạn. Có thể hiểu, chế độ trợ cấp hưu trí xã hội có phần giống với trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi hiện nay, nhưng mức trợ cấp tăng lên (hiện nay là 360.000 đồng/người/tháng), mở rộng hơn. Tầng trợ cấp hưu trí xã hội cũng có sự liên kết chặt chẽ với các tầng hưu trí khác để chính sách linh hoạt, hiện đại, hấp dẫn hơn.
Đánh giá tác động của chính sách hưu trí mới được đề xuất bổ sung, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, kinh phí tăng thêm do tăng mức trợ cấp đối với người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên ước tính khoảng hơn 2.200 tỷ đồng/năm, chưa bao gồm kinh phí phát sinh khi mua thẻ bảo hiểm y tế. “Điều này được kỳ vọng giúp hàng triệu người cao tuổi có cuộc sống tốt hơn. Nhờ đó, lưới an sinh đối với người cao tuổi thêm rộng mở và ngày càng được củng cố vững chắc”, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho hay.