Hơn 10 năm sống chung với khối u tuyến giáp “khổng lồ”
Sức khỏe - Ngày đăng : 11:27, 14/03/2023
Ngày 14-3, theo tin từ Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, các y bác sĩ tại đây vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật cho bà L.T.R (60 tuổi, người dân tộc Nùng, ở xã Bản Ngò, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang) mang khối u tuyến giáp “khổng lồ” suốt hơn 10 năm.
Cách đây hơn chục năm, bà L.T.R bắt đầu thấy cổ sưng to, khó thở tăng dần theo thời gian, nhưng không hề nghĩ đến chuyện đi khám.
Sống chung với khối u hơn chục năm, cho tới khi khó thở đến mức không ăn, không ngủ và đi lại được, bà R mới đi khám tại cơ sở y tế ở địa phương. Tại đây, bệnh nhân được phát hiện có khối u ở cổ kích thước rất lớn. Sau đó, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Ung bướu Hà Nội để điều trị.
Kết quả chụp CT cho thấy, u giáp 2 bên có đường kính lần lượt bên phải là 17x10x8 cm và bên trái 12x8x9 cm, lọt xuống trung thất 3 cm làm hẹp khí quản suốt chiều dài 6,5 cm (chỗ hẹp nhất 2 mm), ống thở bị ép diện tích chỉ còn 1/5 so với bình thường. Đây cũng là nguyên nhân khiến bệnh nhân khó thở.
Trước tình trạng nguy cấp và hoàn cảnh khó khăn của bệnh nhân, đội ngũ bác sĩ Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội đã hội chẩn và quyết định mổ cấp cứu.
Tiễn sĩ, bác sĩ Bùi Vinh Quang, Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội đã trực tiếp chỉ đạo phải quyết tâm điều trị bằng được cho bệnh nhân, đồng thời huy động các nguồn lực để hỗ trợ kinh phí điều trị.
Ca phẫu thuật diễn ra căng thẳng trong suốt 3 giờ đồng hồ. Ê kíp gồm các phẫu thuật viên của khoa Phẫu thuật Gây mê - Hồi sức và Ngoại Đầu cổ đã gặp không ít khó khăn khi tiến hành đặt ống thở gây mê, cắt bỏ 2 khối u lớn đẩy bẹp khí quản, mạch máu tăng sinh kích thước lên tới 1 cm.
Kết quả sau 10 ngày, bà R được rút ống thở, đã có thể tự thở và nói được. Vượt qua ca đại phẫu sinh tử như một kỳ tích, trước khi xuất viện, bà R đã nói hai từ “cảm ơn” bằng tiếng Kinh để tỏ lòng biết ơn các y, bác sĩ Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội đã tận tình cứu chữa, hết lòng hỗ trợ bà về mọi mặt.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, ung thư tuyến giáp vốn được xem là một trong các bệnh ung thư “nhẹ nhàng” nhất trong các loại ung thư vì khả năng khỏi bệnh cao nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm. Nhưng nếu phát hiện ở giai đoạn muộn, việc điều trị sẽ cực kỳ phức tạp và nguy hiểm, giống như trường hợp của bệnh nhân người dân tộc Nùng nêu trên.