Cảnh giác tình trạng phụ huynh nhận được cuộc gọi "con đang cấp cứu, chuyển tiền gấp"
Đời sống - Ngày đăng : 13:56, 14/03/2023
Trước đó, với thủ đoạn trên, tại thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều phụ huynh chuyển cho kẻ lừa đảo với số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng. Dù các bệnh viện, nhà trường cùng Sở Giáo dục và Đào tạo đã nhanh chóng phát đi cảnh báo, song do một số phụ huynh khi nhận thông tin không liên hệ được với giáo viên, lo lắng thái quá nên vẫn sập bẫy.
Để nhận diện và cảnh báo đối tượng lừa đảo, cơ quan công an, ngành Giáo dục đã khuyến cáo, chiêu lừa này hình thành tâm lý hoảng loạn, sợ hãi trong thời gian ngắn, khiến phụ huynh bất an, lo lắng, đặc biệt là khi chưa thu nhận đủ thông tin. Thêm vào đó, các đối tượng thường trình bày không rõ ràng, sử dụng ngôn ngữ tiêu cực, kích động cảm xúc (bị thương rất nặng, đang nguy kịch, không cấp cứu gấp sẽ tử vong…) để thao túng tâm lý nạn nhân.
Để tránh rủi ro, khi nhận được bất cứ thông tin gì liên quan đến con em mình, phụ huynh hãy bình tĩnh và tìm cách liên lạc với người trực tiếp dạy học, chăm sóc hay ở gần khoảng cách với con em mình nhằm kiểm tra thông tin.
Bên cạnh đó, cần để ý các dấu hiệu đáng ngờ của thông tin như cách xưng hô khác biệt thường ngày, thời gian báo tin vào giờ nghỉ trưa, giữa đêm hay giờ tan tầm. Cảnh giác với việc đối tượng thuộc lòng về trường học của con, lớp học của con, giáo viên chủ nhiệm, thầy cô, hiệu trưởng nhưng lại không thể cung cấp thông tin cá nhân mình một cách rõ ràng, nơi làm việc cụ thể để tránh bị lừa và làm theo yêu cầu của các đối tượng.
Hiện nay, một số trường học với sự giúp sức của lực lượng công an và các ban, ngành, đoàn thể đã đưa ra cảnh báo về hiện tượng trên để phụ huynh phòng, tránh trong các nhóm Facebook, nhóm Zalo liên hệ giữa gia đình và nhà trường nên phụ huynh cần cập nhật thông tin cảnh giác.
Ngoài ra, các trường học đã được cảnh báo cần có quy chế chặt chẽ trong việc thông tin tới cha mẹ học sinh, thường xuyên nắm bắt, cập nhật tình hình hoạt động, sức khỏe của học sinh trong thời gian ở trường cho phụ huynh biết, đồng thời, thực hiện tốt chế độ bảo mật thông tin của phụ huynh, học sinh, tránh việc để kẻ xấu biết, lợi dụng...
* Cùng ngày, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có văn bản gửi các phòng giáo dục và đào tạo, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, các trường học thuộc Sở đề nghị tăng cường cảnh giác với thủ đoạn sử dụng mạng viễn thông để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Sở đề nghị các đơn vị, trường học tuyên truyền đến cán bộ, giáo viên, học sinh và khuyến cáo cha, mẹ học sinh ở tất cả các cấp học nâng cao tinh thần cảnh giác, phòng ngừa với các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo.
Các đơn vị, nhà trường cần quán triệt đến cha, mẹ học sinh, nếu nhận được cuộc gọi hoặc tin nhắn từ số máy lạ thông báo về việc học sinh là con em của gia đình bị tai nạn đang cấp cứu tại bệnh viện thì cần bình tĩnh xác minh, tuyệt đối không chuyển tiền cho đối tượng với bất kỳ hình thức nào; đồng thời, liên hệ ngay với nhà trường để xác minh thông tin và trình báo cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các đơn vị, nhà trường rà soát, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thông tin của cán bộ, giáo viên và học sinh; tăng cường phối hợp giữa nhà trường và gia đình; thông báo số điện thoại đường dây nóng của trường đến cha, mẹ học sinh và công khai trên Cổng thông tin điện tử của trường. Các nhà trường cũng cần có phương án tiếp nhận, xử lý kịp thời thông tin phản ánh về những sự việc và thủ đoạn lừa đảo để thông tin rộng rãi đến cha, mẹ học sinh.