Nắm chắc bài học ‘’tin dân, trọng dân, gần dân, hiểu dân’’

Chính trị - Ngày đăng : 06:38, 14/03/2023

(HNM) - Với phương châm: “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”, “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, công tác dân vận của Đảng bộ thành phố Hà Nội đã bám sát những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Đã có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Thủ đô.

Nhờ tuyên truyền tốt, công tác giải phóng mặt bằng phục vụ Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội tại huyện Thường Tín đạt sự đồng thuận của người dân. Trong ảnh: Người dân xã Nhị Khê (huyện Thường Tín) hoàn thiện các thủ tục để nhận tiền hỗ trợ, bồi thường. Ảnh: Công Tâm

“Dân vận khéo” giải quyết việc mới, việc khó

Ngay sau khi Đảng bộ thành phố Hà Nội được thành lập vào ngày 17-3-1930, bám sát Nghị quyết Trung ương lần thứ nhất: “Trong các đảng bộ thượng cấp (từ thành ủy và tỉnh ủy trở lên) phải tổ chức ra các ban chuyên môn về các giới vận động”, hệ thống ban chuyên môn về các giới vận động của Đảng bao gồm: Công vận, Nông vận, Thanh vận, Phụ vận, Quân đội vận, Mặt trận phản đế của Trung ương và các tỉnh, thành ủy, trong đó có Đảng bộ thành phố Hà Nội, đã được hình thành. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, công tác vận động quần chúng của Đảng cần được tăng cường nhằm động viên tối đa sức người, sức của cho kháng chiến, kiến quốc...

Sau hơn 35 năm đất nước tiến hành sự nghiệp đổi mới, Thủ đô Hà Nội đã có những bước phát triển mạnh mẽ, nhất là sau khi mở rộng địa giới hành chính. Cùng với tiến trình đó, công tác Dân vận của Đảng bộ thành phố từng bước được đổi mới để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ...

Trong năm 2022, cùng với việc tham mưu Thành ủy Hà Nội ban hành Quyết định số 2387-QĐ/TU, ngày 24-1-2022 về Quy chế công tác Dân vận của hệ thống chính trị thành phố; Chỉ thị số 07-CT/TU, ngày 1-10-2021 về “Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Dân vận của cơ quan nhà nước”, hệ thống dân vận đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội giám sát, kiểm tra việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị.

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” tiếp tục được thực hiện có hiệu quả. Toàn thành phố đã đăng ký 9.608 mô hình “Dân vận khéo” các cấp. Thông qua thực hiện phong trào, nhiều việc mới, việc khó, phát sinh ở cơ sở đã được giải quyết. Bám sát thực tiễn, 4.753 tổ dân vận ở thôn, tổ dân phố cũng thường xuyên nắm tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; tăng cường tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước... 

Hệ thống dân vận toàn thành phố còn phối hợp tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện tốt Nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp; quán triệt triển khai Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Đáng chú ý, trong bối cảnh thành phố Hà Nội tập trung triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô với tổng diện tích đất phải thu hồi lên tới 798,01ha, 16.633 hộ dân có đất thu hồi và di dời 11.687 ngôi mộ trong năm 2023, hệ thống dân vận đã nhanh chóng vào cuộc vận động, tuyên truyền nhân dân đồng thuận, ủng hộ. Đến nay, công tác thu hồi đất được các địa phương triển khai bài bản, khoa học và nhận được sự nhất trí cao trong nhân dân. 

Đổi mới mạnh mẽ công tác vận động quần chúng

Yêu cầu phát triển Thủ đô đang đặt ra nhiều vấn đề mới, đòi hỏi công tác Dân vận của thành phố cần không ngừng đổi mới về nội dung, phương thức thực hiện. Để làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và củng cố mối quan hệ bền chặt giữa Đảng với nhân dân, hệ thống dân vận Thủ đô tiếp tục triển khai công tác vận động quần chúng theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân” và nắm chắc bài học: “Tin dân, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân”.

Thành ủy Hà Nội luôn xác định làm tốt công tác Dân vận, lấy người dân là chủ thể, phát huy sức mạnh đại đoàn kết của nhân dân là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhằm phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống. Cùng với việc tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Dân vận, mang tiếng nói của nhân dân đóng góp vào các nội dung trình Thường trực, Ban Thường vụ cấp ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ các cấp, hệ thống dân vận sẽ quan tâm củng cố, kiện toàn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ dân vận các cấp. 

Song hành với việc thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TU, ngày 1-10-2021 của Thành ủy, hệ thống dân vận thành phố sẽ đẩy mạnh động viên các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động… Các mô hình “Dân vận khéo” sẽ được triển khai gắn với đời sống, trong thực hiện những việc khó cần vai trò của công tác dân vận, qua đó góp phần xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Hương Ly