Đổi mới quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ

Công nghệ - Ngày đăng : 06:13, 14/03/2023

(HNM) - Bộ Khoa học và Công nghệ vừa sửa đổi cùng một lúc 5 thông tư quy định về quản lý chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia. Đây là lần đổi mới lớn nhất từ trước đến nay, bao gồm từ khâu xác định nhiệm vụ, tổ chức đặt hàng, tuyển chọn và xét chọn, kiểm tra trong quá trình thực hiện đến khâu đánh giá nghiệm thu cuối cùng. Điều này thể hiện quyết tâm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc tái cơ cấu, hoàn thiện hành lang pháp lý về các nhiệm vụ khoa học và công nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn, giảm gánh nặng cho các nhà khoa học và tăng hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước.

Từ đề tài nghiên cứu năm 2006 đến dự án sản xuất thử nghiệm năm 2019, Việt Nam đã sản xuất thành công vắc xin cúm A/H5N1. Trong ảnh: Quy trình sản xuất vắc xin cúm A/H5N1 tại Công ty cổ phần Thuốc thú y trung ương Navetco.

Những thay đổi cơ bản

Thực tế cho thấy, cách thiết kế các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia trước đây còn nhiều bất cập, chưa chấp nhận rủi ro, chưa cho phép đầu tư dài hạn...

Giải thích rõ thêm, Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Sĩ Quý, nguyên Viện trưởng Viện Thông tin khoa học xã hội (Viện Hàn lâm khoa học Xã hội Việt Nam) cho biết, trong nghiên cứu khoa học ở Việt Nam, hiện vẫn chưa có phương án giải quyết những trường hợp đề tài, dự án nghiên cứu không thành công (về mặt khoa học). Mọi đề tài, chương trình, dự án khoa học... đều đòi hỏi phải đạt được kết quả, mục tiêu đã định. Nghĩa là, không chấp nhận những trường hợp kết quả nghiên cứu trái ngược với mục tiêu ban đầu... “Tất nhiên điều này có cơ sở của nó. Nhưng nếu tất cả các đề tài, dự án đều không dự kiến cho những kết quả bất ngờ với mục tiêu ban đầu, thì rõ ràng là có điều gì đó không ổn thuộc về trình độ nghiên cứu hay logic sáng tạo” - Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Sĩ Quý bày tỏ.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn cũng chia sẻ khó khăn chung trong việc thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ hiện nay là chưa có cơ chế chấp nhận rủi ro. Theo ông, không phải mọi nghiên cứu đều có được sản phẩm, trong khi yêu cầu nghiên cứu xong phải đưa vào ứng dụng, nếu không có thể bị quy là gây thất thoát. Điều này dẫn đến tâm lý e dè, cái gì chắc ăn thì mới làm. Nghiên cứu để đổi mới, đột phá, đặc biệt trong nghiên cứu công nghệ cải tiến kỹ thuật, thì sẽ ít người làm vì có thể sẽ không ứng dụng được.

Trước thực tế nêu trên, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tìm hướng tái cơ cấu các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia cho giai đoạn tới năm 2025 và 2030. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, khi tiến hành tái cơ cấu các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia lần này, Bộ đã thiết kế các đề tài, nhiệm vụ hướng đến việc làm ra các công nghệ mới, các giải pháp mới, có thể thực hiện trong khoảng thời gian 10 năm thay vì 5 năm như trước; thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trên tinh thần chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế...

Cũng ở lần tái cơ cấu này, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cùng các bộ, ngành liên quan bàn bạc, tháo gỡ các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ xét duyệt đề tài, thủ tục thanh quyết toán cũng như vấn đề về xử lý tài sản hình thành từ đề tài do ngân sách nhà nước tài trợ để chuyển giao hoặc hoàn trả lại cho Nhà nước.

Hội thảo “Đổi mới quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia” do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức, tháng 2-2023.

Mong chính sách sớm được áp dụng

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Nam Hải thông tin, Bộ đã phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện dự thảo 5 thông tư cơ bản, tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai các nhiệm vụ, chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia. Theo đó, những quy định sửa đổi dựa trên tinh thần vừa tháo gỡ để các nhiệm vụ, chương trình khoa học và công nghệ hình thành nên những giá trị thực tế đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội, nhưng cũng bảo đảm lấp được “kẽ hở”; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư cho nhiệm vụ khoa học và công nghệ; đồng thời, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học. Bởi không thể nào 100% nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu đều thành công. Nhiều kết quả nghiên cứu thành công vẫn cần tiếp tục được đầu tư nguồn lực để phát huy trong thực tế, trong khi đó, một hướng nghiên cứu không thành công cũng là đóng góp có giá trị...

Để bảo đảm hiệu quả đầu tư cho các dự án sản xuất thử nghiệm đúng địa chỉ, tránh gây thất thoát ngân sách nhà nước, các dự thảo sẽ bổ sung nội dung: Bắt buộc kiểm tra thực tế cơ sở vật chất, kỹ thuật của tổ chức chủ trì và đơn vị phối hợp trong dự án sản xuất thử nghiệm, dự án khoa học và công nghệ; bắt buộc phải có hồ sơ chứng nhận chứng minh năng lực của đơn vị phối hợp trong dự án sản xuất thử nghiệm, dự án khoa học và công nghệ…

Tuy nhiên, còn một số nội dung chưa được đề cập tới trong đợt sửa đổi lần này, như: Thực hiện khoán chi sản phẩm và hậu kiểm, giám sát rõ ràng, công khai minh bạch bằng hệ thống công nghệ thông tin; quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước… Những nội dung này sẽ phải chờ sửa đổi Nghị định số 70/2018/NĐ-CP và các hướng dẫn liên quan.

Theo ông Nguyễn Nam Hải, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ sớm hoàn thiện sửa đổi các quy định trong quý I năm nay để tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2021-2030, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thu Hằng