Ca sĩ Hoàng Như Quỳnh: Mong muốn đưa tiếng hát đến với nhiều khán giả

Giải trí - Ngày đăng : 06:51, 14/03/2023

(HNMCT) - Sinh năm 1998, Hoàng Như Quỳnh hiện là sinh viên năm thứ 3 khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Trong cuộc thi “Tuyệt đỉnh song ca” đang diễn ra trên sóng truyền hình, cô gái xứ Nghệ với chất giọng chắc, khỏe cùng với bạn diễn của mình đã mang đến cho khán giả những ca khúc mang âm hưởng dân ca trữ tình, sâu lắng mà duyên dáng, trẻ trung.

- Có vẻ Hoàng Như Quỳnh có duyên với các cuộc thi âm nhạc. Giành giải Ba cuộc thi Ngôi sao dân ca toàn quốc năm 2019, giải Nhì cuộc thi Sao Mai tỉnh Nghệ An 2022. Gần đây, khán giả lại bắt gặp bạn trong chương trình truyền hình “Tuyệt đỉnh song ca” với ấn tượng trong phần thể hiện bài “Nhớ quê” (nhạc sĩ Minh Vi) và làn điệu chèo cổ “Đào liễu”...

- Mỗi cuộc thi là một lần đáng nhớ với Như Quỳnh. Không chỉ được thể hiện những ca khúc mà mình yêu thích, Như Quỳnh còn được gặp gỡ nhiều bạn có niềm đam mê như mình, được học hỏi và được biết mình đang ở đâu.

- Vì sao bạn chọn dân ca mà không phải là những dòng nhạc hiện đại đang rất thịnh hành?

- Ngay từ bé, tôi đã thích nghe dân ca. Ngày ấy tôi nghe và thuộc hầu như tất cả các bài hát trong những đĩa CD của ca sĩ Anh Thơ, Trọng Tấn. Giờ đây, mỗi khi nghe tiếng đàn bầu, đàn tranh, những giai điệu âm nhạc dân gian, tôi đều thấy đắm đuối. Có một kỷ niệm tuổi thơ mà tôi không bao giờ quên, đó là hồi nhỏ đi chăn trâu, tôi thường ra một góc, tự làm sân khấu và tự hát. Tôi vẫn nghĩ, chỉ cần mình đứng ở sân khấu nhỏ ấy, nếu mình hát hay thì mình sẽ được lên ti vi. Có những đêm trăng sáng, gió lộng, tôi ra sân với hàng cau trước ngõ để hát bài “Quê hương”. Bố mẹ và em tôi là những khán giả đồng thời là ban giám khảo của tôi. Lên lớp 6, tôi tham gia nhiều hoạt động văn nghệ tại trường. Năm lớp 9, bố mẹ đã ủng hộ tôi theo con đường nghệ thuật. Trong gia đình tôi, các dì, các cậu cũng đam mê hát nhưng không được học hành bài bản, không được tự do theo đuổi ước mơ. Vì thế, tôi càng quyết tâm làm được điều đó thay cho những người mà mình yêu quý.

- Hiện có nhiều ca sĩ thành danh với dòng nhạc dân ca như Tố Nga, Phạm Phương Thảo, Bùi Lê Mận, Thành Lê, Đăng Thuật... Bạn có sợ khó cạnh tranh?

- Như Quỳnh nghĩ rằng mình hát đầu tiên vì đam mê, phần nữa là ngưỡng mộ các anh chị đi trước. Tôi cũng mong ước sau này sẽ giống như các anh chị, được đứng trên sân khấu và mang tiếng hát của mình đến mọi người. Điều đó cho tôi thêm động lực để học tập và rèn luyện mỗi ngày. Tôi cũng may mắn được tham gia khá nhiều cuộc thi hát, từ đó có thể xác định được mình đang ở đâu, đang thiếu cái gì. Tôi nghĩ rằng, chúng ta không cần cố gắng bắt chước ai cả, bởi mỗi người là một cá tính, một sắc màu riêng. Mình hãy cứ là mình, sống với niềm đam mê nghệ thuật của mình. Và, đương nhiên, nghệ sĩ nào cũng có khán giả của riêng mình nếu như người nghệ sĩ ấy lao động miệt mài.

- Cô giáo của Như Quỳnh là giảng viên, ca sĩ Tân Nhàn. Cô ấy có ảnh hưởng đến bạn như thế nào trên con đường học tập cũng như biểu diễn? 

- Ngay từ khi theo học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Như Quỳnh đã may mắn được học với cô giáo Tân Nhàn. Tính đến nay đã 7 năm rồi đấy! Cô không chỉ dạy kỹ thuật thanh nhạc mà còn là người truyền cho chúng tôi nhiệt huyết, từ đó giúp tôi có ý thức học tập và vươn lên nhiều hơn. Cô luôn động viên chúng tôi phải cố gắng để có được chỗ đứng trong nghề. Cô giáo tôi là một người giàu năng lượng và chính cô đã truyền lửa yêu nghề cho chúng tôi, nhất là sự kiên trì, chăm chỉ. Tôi học được từ cô cách đầu tư bài bản trong âm nhạc. Ở trên lớp, cô là người nghiêm khắc nhưng ngoài cuộc sống, cô rất tình cảm, gần gũi với học trò.

- Tham gia cuộc thi “Tuyệt đỉnh song ca”, Như Quỳnh và người bạn diễn của mình là ca sĩ Võ Phương Thủy đã có sự đồng điệu về kỹ thuật thể hiện, về trình diễn như thế nào để có thể thẳng tiến vào vòng chung kết tổ chức vào tháng 4 tới?

- Chúng tôi chơi thân với nhau 8 năm nay, vì thế, khi bước vào cuộc thi, tôi và Phương Thủy rất hiểu nhau. Sự đồng điệu về tâm hồn đã bổ trợ rất nhiều cho chúng tôi trên sân khấu, chỉ cần một ánh nhìn đã hiểu đối phương muốn gì, tiếp theo mình nên hát như thế nào. Tôi nghĩ, đó là yếu tố quan trọng khi những cặp song ca biểu diễn. Hai chúng tôi sở hữu hai “màu giọng” khác nhau. Cách hát của tôi hơi đằm và nặng chất miền Trung, còn Phương Thủy lại mềm mại, nền nã. Cách nhả chữ và xử lý tác phẩm cũng khác nhau. Tuy vậy, như một cơ duyên, trên sân khấu chúng tôi đã hòa giọng như một - theo nhận định của khán giả cũng như ban giám khảo.

Chúng tôi đều là những người con của quê hương xứ Nghệ. Nơi đây cũng là cái nôi của biết bao câu hò, điệu ví, khúc hát ru... Chúng tôi đã được nghe những câu hát ân tình đó của các bà, các mẹ từ lúc còn nhỏ. Có thể nói, dân ca đã ngấm vào máu thịt của chúng tôi. Sau này lớn lên, tôi tìm hiểu sâu hơn về dân ca xứ Nghệ nói riêng và dân ca các vùng miền khác. Từ đó, chúng tôi quyết tâm gắn bó với dòng nhạc dân ca để theo đuổi niềm đam mê cũng như mong muốn được đưa tiếng hát, giọng nói quê hương mình đến với nhiều khán giả.

- Xin cảm ơn Như Quỳnh!

Thúy Đinh