“Đừng gieo vừng ra ngô”

Văn hóa - Ngày đăng : 09:29, 13/07/2008

(HNM) - Mới đây, có người cho rằng vở rối của nhà hát nọ được dựng theo kiểu pha trộn giữa rối nước và nghệ thuật sắp đặt (của hội họa) là hình thức làm mới rối nước.

(HNM) - Mới đây, có người cho rằng vở rối của nhà hát nọ được dựng theo kiểu pha trộn giữa rối nước và nghệ thuật sắp đặt (của hội họa) là hình thức làm mới rối nước.

Biện minh cho vở diễn gọi là làm mới đó, người này nhận xét khá chủ quan: trò diễn của rối nước đã quá quen thuộc với khán giả nên không còn sức thu hút nữa. Cái mà người ta gọi là mới còn phải bàn và phải chờ thời gian. Song làm mới nghệ thuật không phải là mới mẻ và không ít sự làm mới đã thất bại.

Những năm 80 thế kỷ trước, khi sân khấu kịch nói phát triển mạnh mẽ nhờ mang đến cho khán giả các vở diễn mang đậm hơi thở cuộc sống thì sân khấu truyền thống như: chèo, tuồng, cải lương lại thưa dần khán giả. Để tìm lối thoát cho chèo, Lưu Quang Vũ đã viết vở Nàng Sita. Gọi là chèo nhưng các làn điệu trong vở na ná như cải lương, lại có lúc hát cả tân nhạc. Do diễn viên Lâm Bằng, dù có đủ “thanh, sắc, thục, tinh, thần, khí” song có những đoạn vẫn phải thu băng ở cách điệu và ước lệ. Dù vay mượn các bộ môn khác nhưng do có chút hơi hướng chèo nên có nhà nghiên cứu gọi là chèo mới. Vở diễn thu hút rất đông khán giả và sau Đoàn chèo Hà Nội, rất nhiều đoàn kịch hát trong cả nước dựng vở này. Thấy Nàng Sita thành công, một số người toan tính đưa hát ví dặm Nghệ Tĩnh thành kịch hát. Họ cũng xây dựng một cốt truyện kịch với các tình tiết éo le. Khi dựng, đạo diễn pha trộn kịch nói và những làn điệu dân ca xứ Nghệ. Tuy nhiên do không có nói lối, không diễn tả được tính cách nhân vật nên kết quả không thành công và bây giờ thì biến tướng thành loại kịch hát nhưng không phải là kịch hát ví dặm.

Làm mới luôn là trăn trở của những người làm nghệ thuật vì thực chất sự phát triển của nghệ thuật chính là làm mới thể loại. Tuy nhiên không phải cái gì cũng có thể làm mới được, đặc biệt với nghệ thuật dân gian. Mặt khác khi làm mới bằng cách vay mượn thì ngôn ngữ của thể loại vay mượn phải ăn nhập với ngôn ngữ của thể loại làm nền. Sắp đặt trong vở rối của nhà hát nọ thực chất là bày đồ vật và người ra sân khấu vì nó không chứa đựng tư tưởng ngoài gây tò mò cho khán giả trẻ thành phố. Nếu chèo mới hay kịch hát ví dặm tạo ra được ngôn ngữ riêng thì chắc chắn nó sẽ sống đến ngày hôm nay. Bác Hồ đã từng căn dặn nghệ sĩ “Đừng gieo vừng ra ngô”. Bài học về hát quan họ theo kiểu mới khiến khán giả ngày càng xa quan họ chắc là đủ để tất cả những ai muốn làm mới nghệ thuật phải suy nghĩ.

Người Lái Đò

ANHTHU