Hàn Thiếu Công và tác phẩm “Từ điển Mã Kiều”
Văn hóa - Ngày đăng : 15:40, 30/06/2008
(HNMO)- Hàn Thiếu Công hư cấu nên Mã Kiều để phiếm chỉ một ngôi làng xa xôi thuộc miền Hồ Nam Trung Quốc. Ở đây, từ ngữ được hiểu khác hẳn với ý nghĩa thông thường và được người Mã Kiều mặc nhiên thừa nhận, khiến cho người ngoài hết sức lúng túng.
Trước tiên phải kể đến hiện tượng dùng ngược nghĩa vốn có của từ. Nếu người Mã Kiều nói bạn “tỉnh”, xin chớ vội mừng, trong cách hiểu của họ “tỉnh” không phải là tỉnh táo, thông tuệ hay có lý trí mà chỉ ngu dại, còn “bảo” hay “bảo khí’ cũng không còn mang ý quý báu gì mà lại chỉ sự ngốc nghếch. Nếu bỗng có người Mã Kiều hỏi bạn “các bác bên nhà có hèn không?” thì xin cũng đừng bực tức ngay, bởi “hèn” là nói đến sức khỏe. Thật khó khăn nếu bạn quên mất quy luật này khi hỏi đường đi ở Mã Kiều, họ chỉ Đông thực ra là Tây, nói Bắc là Nam và ngược lại. Nguyên do bắt nguồn từ việc đi săn, người Mã Kiều sợ thú rừng nghe hiểu tiếng người nên mới ngầm quy ước như vậy. Họ tin bất kỳ sự vật nào cũng đều có sức sống, có ý chí. Sự nhân cách hóa, tâm linh hóa phản ánh rất sống động trong ngôn ngữ và làm nên đặc trưng thứ hai trong từ điển Mã Kiều. Con người nơi đây có thói quen nói chuyện với mọi thứ xung quanh, dỗ dành, khuyên nhủ, mắng mỏ hay ban thưởng hoặc cho phép chúng.
Bìa cuốn "Từ điển Mã Kiều"
Người Mã Kiều cự tuyệt nền văn minh hiện đại, “khoa học” đối với họ chỉ là thói lười biếng, chẳng khác nào mấy anh chàng lười ở phủ Thần Tiên, luôn vin cớ “khoa học” để suốt ngày chẳng làm việc gì. Người Mã Kiều còn có một từ rất lạ lùng, ấy là “say phố”, giống như say tàu say xe, dân làng hễ ra thành phố là “say”, đến nỗi chẳng ai ở lâu được, phải vội vã quay về làng. Họ tin rằng, văn minh hiện đại phát triển quá mức, tán phát quá mức sẽ không còn khả năng tụ hợp lại được. Sức lực tụ hợp một khi yếu đi có nghĩa là sự bắt đầu của cái chết. Vì thế khi đứng trước thế giới bên ngoài rộng lớn, người Mã Kiều luôn giữ một thái độ cảnh giác cố chấp, coi tất cả là “ngoại di”, hàm ý khinh miệt, kỳ thị.
Với sự phân tích thâm thúy và tuyệt vời, Hàn Thiếu Công đã đưa ra được rất nhiều kiến giải độc đáo về những cái bẫy ngôn ngữ, qua đó tìm lại những mẩu lịch sử cực nhỏ bị chôn vùi theo quá trình sử dụng ngôn ngữ. Ông nhấn mạnh, quá trình lý giải một từ không chỉ là quá trình hiểu biết, mà còn là quá trình cảm nhận, không tách rời môi trường sử dụng từ ngữ cùng những hình ảnh cụ thể, sự thật cụ thể. Trên một mức độ nào lớn hơn, những điều ấy sẽ quyết định phương hướng lý giải của từ ngữ ấy. Tác phẩm không sử dụng thủ pháp sáng tác truyền thống mà kết hợp nhuần nhuyễn nhiều cách viết của các thể loại khác nhau như văn hóa nhân loại học, ngôn ngữ xã hội học, tùy bút, tiểu thuyết kinh điển; dùng “từ” và “điển” để tạo ra hàng loạt các câu chuyện phong phú mà sinh động tự cổ chí kim khiến mê say lòng người. Lôi cuốn và hài hước, Từ điển Mã Kiều là chuyến phiêu lưu khám phá sức mạnh kỳ lạ ngôn ngữ, hé lộ tài tình một Trung Quốc mà chúng ta chưa từng biết tới.
Vài nét về nhà văn Hàn Thiếu Công: Tác giả Hàn Thiếu Công (sinh năm 1953), là người Trường Sa, tỉnh Hồ Đặc biệt, nhà văn Hàn Thiếu Công là người khởi xướng lên trào lưu "văn học tầm căn" (văn học tìm về cội nguồn) giữa thập niên 80 của thế kỷ trước. Theo những nhà văn của trào lưu này mà Hàn Thiếu Công là đại diện, văn hóa truyền thống Trung Quốc chia thành hai bộ phận "quy phạm" và "bất quy phạm". Họ cho rằng, trong văn hóa truyền thống, nên khẳng định và phát huy hơn nữa phần tinh hoa văn hóa "bất quy phạm" đang tồn tại trong phong tục tập quán ở những nơi xa xôi hoang dã, trong truyền thuyết, dã sử, trong tư tưởng Đạo gia và triết học Thiền tông; còn đối với văn hóa "quy phạm" đã được thể chế hóa lấy học thuyết Nho giáo làm nòng cốt, thì giữ thái độ từ chối, phủ định, phê phán. Bài luận nổi tiếng Cội nguồn của văn học đưa ra khẩu hiệu "tầm căn" và hai truyện Bố bố bố, Nữ nữ nữ với xu hướng tìm về tầng sâu văn hóa lịch sử, chứa đựng ý nghĩa triết học sâu sắcđược coi là tác phẩm tiêu biểu của "tiểu thuyết tầm căn". Sau này, với sự ra đời của Từ điển Mã Kiều cuối thập niên 90 hay tác phẩm mới nhất Sông nam núi bắc năm 2006, Hàn Thiếu Công một lần nữa khẳng định được tính độc đáo trong lối viết và cách nhìn của mình đối với văn hóa truyền thống. |
Tuyết Minh