Vì sao người dân nhà G - khu đô thị Đền Lừ bức xúc ?
Xã hội - Ngày đăng : 06:54, 19/06/2008
Từ năm 2007, cả hai thang máy ở ĐN 1 bị hỏng. Nhân dân khu nhà đã kiến nghị nhiều lần nhưng cơ quan chủ quản không sửa chữa thay thế mà chuyển một thang máy còn vận hành được từ ĐN 2 sang ĐN 1. Như vậy việc đi lại của người dân không được bảo đảm nếu một trong hai thang máy gặp sự cố hoặc đến giai đoạn bảo dưỡng. Một bức xúc khác là đến nay nhà G chưa được lắp đặt máy phát điện dự phòng. Mỗi khi mất điện thì việc xuống đất hay lên được các tầng cao là cực hình. Mất điện kéo theo việc không có nước sinh hoạt, người dân phải sử dụng cầu thang bộ xách từng xô nước rất vất vả. Nước sinh hoạt cũng không được cung cấp đầy đủ do 2 trong số 3 máy bơm đã bị hỏng, máy còn lại hoạt động rất yếu, nhất là vào mùa hè không thể đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của người dân. Ngoài ra bà con khu vực còn bức xúc về việc vệ sinh hành lang, các công trình công cộng xung quanh tòa nhà chưa tốt, gây ô nhiễm môi trường và mất mĩ quan...
Trên đây là nội dung đơn thư của đại diện tổ dân phố 83 nhà G khu đô thị Đền Lừ gửi đến báo Hànộimới. Tìm hiểu cụ thể, chúng tôi được biết, hiện nhà G thuộc quản lý của Xí nghiệp Quản lý dịch vụ và khai thác khu đô thị (XN QLDV & KTKĐT)Công ty Quản lý & Phát triển nhà Hà Nội. Ngay sau đêm 17-9-2007 xảy ra mưa lớn, tổ quản lý nhà Đền Lừ thuộc XN QLDV & KTKĐT đã có văn bản báo cáo nhanh: “Nước mưa hắt vào phòng đặt thiết bị điều khiển thang máy tại tầng tum nhà G làm cháy bo nguồn khiến hai thang máy tại ĐN 1 không hoạt động được”. XNQLDV & KTKĐT đã tiến hành kiểm tra, tháo dỡ các bộ phận hỏng hóc và lắp đặt một thang máy từ ĐN 2 cho ĐN 1 để giải quyết trước mắt nhu cầu đi lại cấp bách của bà con khu vực. Cũng thời điểm này, trong quá trình vận hành quỹ nhà chung cư tái định cư trên địa bàn TP, XN đã có báo cáo về việc 4 thang máy bị hỏng tại khu Đền Lừ (trong đó nhà G 2 thang) và 4 thang máy tại khu đô thị Định Công. Lãnh đạo công ty QL & PTN Hà Nội chỉ đạo các phòng ban kiểm tra, lên phương án xử lý. Tuy nhiên kinh phí sửa chữa, thay thế thiết bị khoảng 600 triệu nên công ty chưa có nguồn chi. Trước vướng mắc trên, công ty đã báo cáo Sở Tài nguyên Môi trường & Nhà đất. Giải pháp được đưa ra là công ty tạm chi từ nguồn thu quản lý vận hành nhà chung cư để thực hiện và thanh toán theo quy định. Hiện Phòng Quản lý nhà Tái định cư công ty đang kiểm tra xem xét hồ sơ năng lực của Trung tâm kiểm định an toàn kỹ thuật - Sở Lao động Thương binh & Xã hội, đơn vị có chức năng kiểm định thang máy để lập phương án sửa chữa.
Không có máy phát điện dự phòng gây bao cảnh dở khóc dở cười, không chỉ là nỗi bức xúc của cư dân nhà G mà còn là nỗi khổ chung của hàng trăm hộ dân ở 25 tòa nhà chung cư tại các khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính, Cầu Diễn, Xuân Đỉnh và 6 tòa nhà khác ở khu Đền Lừ. Nguyên nhân là khi tiếp nhận bàn giao các tòa nhà này từ chủ đầu tư, không hiểu sao hạng mục “máy phát điện dự phòng” bị bỏ trống. Ngày 15-5-2008, Sở Tài nguyên - Môi trường & Nhà đất đã có tờ trình UBND TP xin phê duyệt chủ trương, nội dung quy mô đầu tư Dự án lắp bổ sung máy phát điện dự phòng cho các tòa nhà chung cư tái định cư với tổng kinh phí khoảng 29 tỷ đồng. Các nội dung chính của dự án là lắp đường dây điện, máy phát điện và xây tường rào bảo vệ.
Ngoài ra, nỗi khổ riêng của cư dân nhà G Đền Lừ liên quan đến việc cấp nước sinh hoạt đang trong giai đoạn bàn giao hệ thống cấp nước giữa XNQLDV & KTKĐT và Xí nghiệp KDNS Hai Bà Trưng. Còn về công tác vệ sinh chung tại nhà G, phải nói một cách khách quan và công bằng rằng, chính một số người dân khu vực đang tự bôi bẩn khu nhà của mình trong khi cơ quan chủ quản luôn duy trì bộ phận lao công làm công tác dọn vệ sinh. Việc đun nấu bằng bếp than tổ ong ngay hành lang chung, nuôi chó và dẫn chó đi lại trong thang máy, phóng uế bừa bãi đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường khu vực và sức khỏe của những người khác. Bên cạnh đó, rất nhiều hành lang, chiếu nghỉ cầu thang bộ, lối đi xung quanh tòa nhà biến thành kho chứa đồ cũ của các gia đình, rất mất mĩ quan (ảnh). Để cảnh quan các nhà chung cư được văn minh, sạch đẹp, bên cạnh những nỗ lực trong công tác quản lý của cơ quan chủ quản, ý thức của mỗi người dân là yếu tố quan trọng rất cần được các ban, ngành, đoàn thể khu dân cư thường xuyên vận động, nhắc nhở.
Bài, ảnh:Trần Văn