Từ Hoa Lư đến Thăng Long: Sự chuyển dời tất yếu lịch sử (tiếp)
Xã hội - Ngày đăng : 08:29, 09/06/2008
(HNM) - Sự kiện vua Lý Thái Tổ chuyển dời kinh đô từ Hoa Lư ra Thăng Long là một yêu cầu tất yếu lịch sử, phù hợp với sự phát triển quốc gia dân tộc. Việc dời đô đó không phải là tùy tiện mà theo “Chiếu dời đô” của Lý Thái Tổ thì: “Chỉ vì muốn đóng đô ở nơi trung tâm, mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu, trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu thấy thuận tiện thì thay đổi. Cho nên vận nước lâu dài, phong tục phồn thịnh...”. Điều này chứng tỏ Lý Thái Tổ biết nhìn xa trông rộng, nhận thấy xu hướng vận động đi lên của đất nước.
Sự lựa chọn Thăng Long làm kinh đô mới của đất nước còn do các yếu tố sau:
Thăng Long là trung tâm của đồng bằng Bắc bộ, cái nôi văn hóa, văn minh của người Việt cổ. Đây là vùng đất nổi của ngã ba sông Nhị (sông Hồng), sông Đuống gắn liền với sự kiến tạo châu thổ sông Hồng, có ruộng đồng vườn tược tươi tốt, núi sông linh tú.
Ngược dòng lịch sử ngàn năm về trước, Thăng Long đã từng nhiều lần được lựa chọn làm kinh phủ của các bậc tiền nhân và hội sở của chính quyền đô hộ phương Bắc suốt thời kỳ Bắc thuộc.
Năm 225 TCN, An Dương Vương cho xây dựng kinh đô ở Cổ Loa. Đây cũng là sự chuyển dời kinh đô từ miền trung du (Phong Châu-Bạch Hạc-Phú Thọ) xuống vùng đồng bằng, khẳng định sự lớn mạnh của dân tộc. Năm 544 Lý Bí dựng nước Vạn Xuân, đóng đô ở Long Biên, sau do kháng chiến chống nhà Lương đã dựng thành lũy ở cửa sông Tô kiên trì chiến đấu. Năm 607, nhà Tùy đã dời châu trị quận Giao Chỉ từ Long Biên sang Tống Bình (thuộc Hà Nội ngày nay). Từ đó đến hết Bắc thuộc thành Tống Bình luôn giữ vị trí trung tâm chính trị của chính quyền đô hộ. Năm 939, sau khi chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền xưng vương cũng chọn Cổ Loa-cố đô của nước Âu Lạc làm kinh đô.
Đến đời Lý, với vị trí là kinh đô mới của đất nước, Thăng Long càng được quan tâm xây dựng, mở mang. Sự hoành tráng của Thăng Long đã thể hiện công việc xây dựng đất nước bắt đầu bước vào quy mô lớn, đặt nền tảng vững chắc, toàn diện cho sự phát triển của dân tộc và quốc gia phong kiến độc lập. Đến các triều đại Trần, Lê… Thăng Long luôn giữ vị trí kinh đô, luôn được mở mang và sầm uất thêm, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa lớn nhất của Đại Việt. Thế kỷ XVII, Thăng Long-Kẻ Chợ còn là nơi giao lưu buôn bán bậc nhất của đất nước, có quan hệ ngoại thương rộng mở với nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới, có sự hiện diện của nhiều thương điếm, văn phòng các công ty Đông Ấn nước ngoài. Dưới thời vua Minh Mạng triều Nguyễn, năm 1831 Thăng Long được đổi tên là Hà Nội (đất phía trong sông). Đến thời Pháp thuộc, Hà Nội cũng được coi là một trong những trung tâm đầu não chỉ huy của chính quyền thực dân, nơi đưa ra những quyết định liên quan đến vận mệnh của Việt Nam và Đông Dương, cũng là nơi nhân dân Việt Nam chiến đấu ngoan cường để bảo vệ từng tấc đất của thủ đô mến yêu.
Trong thời đại Hồ Chí Minh, kể từ Quốc hội khóa I, kỳ họp thứ hai, tháng 10-1946 quyết định Hà Nội là thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tháng 7-1976, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VI đã quyết định Hà Nội là thủ đô của nước Việt Nam thống nhất (nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Hiến pháp 1992 một lần nữa khẳng định Hà Nội là thủ đô của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Và như vậy, Thăng Long-Hà Nội trở thành vùng đất duy nhất hầu như liên tục trong nghìn năm qua giữ vững vị trí trung tâm đầu não về mọi mặt của đất nước.
Đó là sự thật lịch sử minh chứng cho vị trí đắc địa của vùng đất này. Vùng đất gắn liền với hầu hết các sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước, từ những sự kiện bi thương nhất đến những sự kiện hùng tráng nhất. Chính vì vậy, Thăng Long-Hà Nội càng để lại những dấu ấn sâu đậm trong lịch sử dân tộc, là niềm tự hào cho mỗi người dân Hà Nội, người dân Việt Nam về thủ đô ngàn năm của mình. Thăng Long-Hà Nội ngày nay, bằng ưu thế của vùng “địa linh”, với sức mạnh của biểu tượng con rồng đang vút bay lên sẽ không ngừng vươn tới những tầm cao mới, nắm bắt những vận hội mới, để nhanh chóng tiến kịp thủ đô các nước trong khu vực và trên thế giới; để luôn xứng đáng là thủ đô ngàn năm văn hiến, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước.
Thạc sĩ Đinh Ngọc Quý