Vì sao nông dân bỏ quê lên thành phố ?
Chính trị - Ngày đăng : 09:06, 03/06/2008
Dù phải bươn chải kiếm sống tại thành phố, nông dân vẫn chấp nhận vì cuộc sống ở quê quá khó khăn. Ảnh: Trung Kiên
Tại sao nông dân lại bỏ quê lên thành phố, phải chăng cuộc sống nơi đô thị nhàn nhã và dễ kiếm tiền hơn ở nông thôn? Câu trả lời không hẳn là như vậy. Vì nhiều lý do khác nhau không ít người vẫn lâm vào cảnh thất nghiệp, cuộc sống khốn đốn, không lối thoát.
Phận nông dân tha hương...
Chị Nguyễn Thị Thủy, quê ở Hưng Yên lên Hà Nội làm nghề gánh hàng thuê đã được gần bốn năm. Một ngày làm việc của chị thường bắt đầu từ lúc người ta còn đang say ngủ và ra về khi trời hửng sáng. Mỗi đêm như thế chị kiếm được khoảng 40-50 nghìn đồng, những hôm “ế khách” thì không được. “Chúng tôi lao động cựcnhọc nhưng chủ hàngcoi chúng tôinhư “con tôm con tép”, không bằng lòngthì quát mắng, la lối”, chị Thủy tâm sự.
Anh Nguyễn Văn Mạnh và chị Phạm Thị Lan, quê ở huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây. Cày cấy không đủ ăn, con cái nhếch nhác, vợ chồng đưa nhau lên Hà Nội kiếm kế sinh nhai. Vợ làm nhân viên dọn dẹp vệ sinh cho một công ty tư nhân, chồng chạy xe ôm. Trừ tất cả mọi chi phí, mỗi tháng hai vợ chồng tiết kiệm được gần triệu đồng. Chị Lan bộc bạch: “Thu nhập của hai vợ chồng em chỉ đủ ăn và nuôi được đứa con gửi ông bà ở quê”. Ngôi nhà cấp bốnvợ chồng chị Lan thuê, mùa đông mưa thì dột, gió lùa qua khe cửa lạnh thấu xương. Mùa hè, trong nhà nóng như có lò sưởi. Sống khổ như vậy nhưng vợ chồng chị chẳng dám đi thuê nơi khác vì thuê được ngôi nhà tươm tất thì giá lại quá cao.
Bỏ vùng quê chiêm trũng Hà Nam lên Hà Nội bán hàng rong, chị Nguyễn Thị Hàhy vọng sẽ tích cóp được chút ít tiền để gửi về quê cho chồngnuôi con ăn học. Thế nhưng, thực tế không giống như chị nghĩ, đi rong suốt ngày ngoài đường mà ngàysuôn sẻ thì kiếm được ba, bốn chục nghìn đồng. Ngày ế hàngthì chẳng được nổi mười nghìn đồng. Nhiều lúc bị công an tịch thu gánh hàng mất cả vốn lẫn lãi. Chị buồn rầu: “ Nhiều lúc nghĩ tủi phận lắm anh ạ! Nhưng bây giờ mà về quê thì lấy đâu ra tiền nuôi hai đứa con ăn học”.
Đâu là nguyên nhân
Chị Thủy cho biết, chị dời quê lên thành phố không hẳn vì gia đình quá nghèo, không đủ ăn mà là vì không còn ruộng để cày cấy. Trước đây, gia đình chị cũng có vài sào ruộng, chăm chỉ làm việc cũng có đồng ra đồng vào. Nhưng rồi “làn gió công nghiệp” thổi đến, ruộng nhà chị bị thu hồi để xây dựng nhà máy. Không có ruộng đồng nghĩa với việc hai vợ chồng thất nghiệp, không có việc gì làm bởi bao năm chỉ biết có mỗi nghề “bán mặt cho đất, bán lưng cho giời”. Ngồi nhà mãi cũng chán, trong khi khoản tiền đền bù ngày một cạn, không còn con đường nào khác, chị Thủy đành tạm biệt chồng và các con lên Hà Nội mưu sinh.
Không bị thu hồi ruộng nhưng vợ chồng chị Lan cũng chẳng còn ruộng để cày cấy bởi đã bán lấy tiền làm vốn lên Hà Nội kiếm sống. Chị thở dài: “Trước đây, vợ chồng em có hai sào ruộng, mỗi năm cấy hai vụ, thu hoạch được hơn ba tạ thóc. Trừ tiền phân bón, cày bừa, thuốc trừ sâu, tính ra thì chẳng lãi được đồng nào. Đó là được mùa, còn mất mùa thì... Nếu cứ mãi bám vào đồng ruộng, vợ chồng em có chịu khó đến đâu cũng không thể nào đổi đời họ được. Lại chuyện con cái học hành tốnkém nữa chứ. Anh bảo như thế không bán ruộng đi thì để làm gì”. Chị Lan cũng cho biết, quê chị cũng có rất nhiều người bán ruộng lên thành phố kiếm sống, trong đó có không ít người đã tiết kiệm được khoản tiền kha khá để nuôi được con ăn học đại học.
“Chẳng ai muốn dời bỏ quê, sống kiếp sống tha hương nhưng không bỏ thì sẽ chẳng sống nổi. Tất cả chỉ vì cơm áo gạo tiền mà thôi “, chị Hà bộc bạch. Theo chị Hà, mỗi năm thực thu còn lại từ việc canh tác trên mảnh ruộng của gia đình là khoảng 600.000 đồng. Tính ra, gia đình chị gồm bốn người chỉ có khoảng 50.000 đồng cho toàn bộ chi tiêu trong một tháng. “Sống ở thành phố bon chen, vất vả hơn nhiều so với ở nông thôn nhưng ít ra còn để ra được ít tiền nuôi con ăn học”, chị Hà thở dài.
Dời quê lên thành phố kiếm sống, những người nông dân chỉ mong muốn kiếm được việc làm để thay đổi cuộc sống. Nhưng giữa chốn phồn hoa đô thị, kiếm được một nghề đâu phải là dễ dàng, nhất là khi họ chẳng có trình độ, tay nghề... Nhiều người biết cuộc sống chốn thị thành chẳng hề êm đềm, nhưng họcứ liều ”nhắm mắt đưa chân” phó mặc số phận cho sự may rủi.
Hạn chế dòng di cư ra thành phố, Đảng và Nhà nước ta đã tăng cường đầu tư phát triển nông thôn, tạo cơ hội việc làm, hỗ trợ, tổ chức việc tiêu thụ nông sản cho nông dân; đưa công nghệ sản xuất tiên tiến vào nông nghiệp; khuyến khích nông dân chuyển sang các nghề phi nông nghiệp; thúc đẩy khôi phục làng nghề, phát triển ngành nghề mới ở nông thôn... Với những việc làm này, chúng ta có thể hy vọng trong tương lai không xa, bức tranh nông thôn sẽ dần được cải thiện và lúc đó những người nông dân như chị Thủy, chị Lan, chị Hà không còn phải ngậm ngùi dời bỏ quê hương, dời bỏ người thân lên thành phố kiếm sống.
Quỳnh Anh
Ý kiến người trong cuộc Thử vận may và tìm kiếm cơ hội tốt hơn Em bỏ học đã lâu ở nhà làm ruộng cùng với bố mẹ. Thế nhưng rồi đất ruộng của gia đình em bị thu hẹp do một phần nằm trong vùng quy hoạch. Nhà đông người, ruộng lại ít, đâm ra em cũng chẳng có việc gì làm. Em nghe qua báo, đài được biết nhiều người đã lập nghiệp thành công ở HàNội. Vậy nên em cũng muốn theo họ thử vận may. Vừa là để không phải ăn bám bố mẹ vừa tìm cơ hội đổi đời cho mình. Nguyễn Thị Dung(huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây) Hà Nội lànơi phồn hoa đô thị và tập trung mọi điều kiện tốt nhất của một thành phố hiện đại. Chính vì vậy, cơ hội làm việc, học hành, kiếm sống sẽ nhiều hơn. Trong khi đó, ở quê tôi mọi thứ vừa thiếu thốn lại vừa khó khăn. Tôi đã cố gắng đi kiếm việc mà vẫn thất nghiệp. Không có việc làm, cũng chẳng thấy tương lai ở đâu, đó là lý do tôi dời quê lên Hà Nội kiếm sống. Tôi muốn vừa là để mở rộng tầm mắt vừa tìm kiếm cơ hội làm việc kiếm tiền để có một cuộc sống tốt hơn. Mai Bích Hạnh(huyện Chiêm Hóa,tỉnh Tuyên Quang) Để lo tương lai cho mình và gia đình Ở quê kiếm được đồng tiền rất khó. Tôi đã học xong trung học phổ thông nhưng gia đình nghèo không có điều kiện để tiếp tục học cao hơn. Mấy năm trước, tôi đi làm thợ cùng với những thanh niên trong làng nhưng không đủ ăn chứ đừng nói đến dành dụm để sau này ôn thi đại học. Vậy nên tôi đã quyết định lên Hà Nội để làm thuê kiếm tiền để nuôi bản thân và có tiền để học đại học sau này. Phạm Tiến Thành (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) Vợ chồng tôi chỉ có hơn hai sào ruộng khoán trong khi gia đình có tới bốn miệng ăn. Cơm ăn còn chưa đủ nói gì đảm bảo cho con cái học hành. Rồi ốm đau, đối nội, đối ngoại… làm gì cũng cần có tiền. Chúng tôi tính phải làm thêm nên để lại con ở nhà cho ông bà rồi lên Hà Nội làm thuê, tích cóp ít tiền phòng khi ốm đau, bệnh tật. Biết là vất vả nhưng vất vả mà ra tiền còn hơn cứ ở mãi quê nhìn nhau… đói dài. Nguyễn Văn Dũng (huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) Vân Nhi ghi