Y tế dự phòng bị xem nhẹ

Chính trị - Ngày đăng : 08:29, 25/05/2008

(HNM) - Thời bao cấp, kinh tế đất nước vô cùng khó khăn và thiếu thốn song công tác chăm lo sức khỏe cho người dân lại được các cấp các ngành quan tâm. Cứ chuẩn bị bước vào hè, ngành y tế Thủ đô lại tổ chức phun thuốc diệt muỗi khắp xã phường nội ngoại thành.

(HNM) - Thời bao cấp, kinh tế đất nước vô cùng khó khăn và thiếu thốn song công tác chăm lo sức khỏe cho người dân lại được các cấp các ngành quan tâm. Cứ chuẩn bị bước vào hè, ngành y tế Thủ đô lại tổ chức phun thuốc diệt muỗi khắp xã phường nội ngoại thành.

Không chỉ phun thuốc diệt muỗi mà y tế phường xã còn cấp cả thuốc diệt chuột, dán áp phích khuyến cáo người dân nên ăn chín uống sôi và phòng chống các dịch bệnh thường xuất hiện vào mùa hè. Trong sách tập đọc cho học sinh lớp 1, những người biên soạn còn đưa cả vào các bài thơ dễ thuộc, dễ nhớ về phòng chống bệnh, ví dụ như “Đêm khuya hóng mát ngoài hiên. Có anh Cu Tí ngủ quên mắc màn. Họ hàng muỗi rủ nhau sang. Giương vòi ra đốt anh mang bệnh liền. Thế rồi sốt rét liên miên”.

Trong 2 ngày 20 và 21-5, các đại biểu Quốc hội thảo luận Báo cáo tình hình thực hiện chính sách pháp luật về công tác xã hội hóa chăm sóc sức khỏe nhân dân. Hầu hết các đại biểu đều cho rằng ngân sách cấp cho ngành y tế hiện nay là quá thấp. Ngân sách cho y tế dự phòng lại thấp hơn chỉ chiếm 10-12% tổng kinh phí cho ngành y tế trong khi Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo các quốc gia nên dành 30% của tổng chi cho y tế dự phòng. Theo đại biểu Phạm Phương Thảo, TPHCM hiện có tới 3.300 bác sỹ song theo tính toán thì còn thiếu khoảng 2.000 bác sỹ. Tỉnh Hải Dương cũng thiếu tới 600 bác sỹ dù dân số tỉnh này không đông. Tình trạng ngành y thiếu bác sĩ dẫn đến bác sỹ cho y tế dự phòng cũng thiếu trầm trọng. Đại biểu Nguyễn Văn Sỹ của đoàn Quảng Nam khẳng định, không chỉ thiếu nhân lực mà y tế dự phòng còn thiếu cả trang thiết bị, cơ sở vật chất. Đại biểu Phạm Trần Ý Nhi của đoàn Hà Nội kêu ca, cán bộ đi vào ổ dịch để dập dịch chỉ được bồi dưỡng có 6.000 đồng/ngày/người, theo bà Nhi thì số tiền ấy không đủ để mua xăng xe máy. Đại biểu Lý Kim Khánh (đoàn Cà Mau) phàn nàn y tế dự phòng mới chỉ tập trung vào chống dịch là chính, chưa tập trung cho phòng trong khi phòng là chính. Hiện có khoảng 75% trong tổng số trường học trên cả nước có nhà vệ sinh không đúng quy định, hàng vài chục tàu hỏa để phân, nước tiểu của khách xả xuống đường là trách nhiệm của y tế dự phòng nhưng cơ chế phối hợp thế nào, kinh phí ra sao...?

Sống ở mảnh đất có khí hậu ẩm ướt gió mùa lại thường xuyên bị thiên tai bão lũ, cuộc sống còn nghèo nàn nên từ xa xưa các cụ lấy phòng bệnh làm chính. Quan niệm ấy truyền từ đời này sang đời khác như biện pháp tốt nhất cho việc bảo vệ sức khỏe và giống nòi Việt Nam. Xem ra quan điểm ấy vẫn còn giá trị.

Nguyễn Ngọc Tiến

ANHTHU