Cố nhân tiếc một cánh diều

Giới trẻ - Ngày đăng : 09:41, 04/05/2008

Ông Chiêm với bộ sáo diều.(HNM) - Ở cái tuổi thất thập,  có lẽ ông Chiêm là người duy nhất trong làng còn biết làm những cánh diều sáo. Theo thời gian, những cánh diều năm xưa giờ đã vắng bóng tiếng sáo diều vi vút cũng lặng tiếng từ lâu...

Ở An Thượng (huyện Hoài Đức, Hà Tây) số người nắm giữ kỹ thuật làm diều sáo như ông Chiêm bây giờ chỉ tính được trên đầu ngón tay. Ông Chiêm đã 75 tuổi, mái tóc và đôi lông mày đã bạc gần hết nhưng trông ông vẫn khỏe mạnh và minh mẫn lắm. Khi được hỏi về chuyện làm diều ông say mê kể, giọng sang sảng đầy hứng khởi làm chúng tôi mường tượng, ông đang sống lại thời thanh niên sôi nổi của mình.

Ông kể: Ngày trước An Thượng có hội chùa Thông được tổ chức vào ngày 8-4 âm lịch hàng năm, đó là cuộc thi thả diều lớn nhất vùng, thu hút hàng trăm người tham gia. Phần thưởng chỉ có một ít lộc chùa nhưng hội thi năm nào cũng đông vui. Người tham gia hội thi cốt để thỏa niềm đam mê và lấy danh tiếng bởi khi cánh diều của mình càng lên cao, sáo càng vang xa thì trong lòng sung sướng lắm chẳng có phần thưởng nào sánh được.

Để làm được một bộ diều sáo chuẩn cũng chẳng đơn giản chút nào, chọn tre đực già, đủ dài rồi phơi nắng cho khô, vót thành khung. Cánh diều phải được làm từ vải Cát Bá, một loại vải bền và chắc để khi diều no gió không bị bục tung ra. Người chơi diều vẫn lấy quả của cây dựa cậy giã ra, đun lên để làm keo dán. Còn những chiếc sáo - linh hồn của bộ diều sáo, chỉ nghe tiếng thôi cũng thấy người làm phải kỳ công thế nào. Chọn ba ống tre cái, tùy vào độ lớn của cánh diều mà người chơi lựa chọn kích cỡ khác nhau. Hai bên đầu sáo được khoét giống với hàm én, riêng đoạn giữa khoét tròn rồi bịt hai đầu, đút gỗ vào tâm cho nhẹ, bên ngoài lấy sơn ta dán chặt lại. Người khoét sáo cũng phải thật khéo léo, nếu không sáo bị rít tiếng, coi như vứt bỏ. Dây thả diều cũng làm bằng tre. Tre dùng làm dây diều là loại tre bánh tẻ, đốt dài. Người chơi diều sẽ pha chế thành từng đoạn rồi chẻ dóc thành những chiếc lạt không quá dày cũng không quá mỏng. Lạt tre làm dây diều được nối lại với nhau đem đun trong nước muối một ngày một đêm cho dây thật dẻo, thật chắc để đủ sức giữ diều.

Thụy An mấy chục năm về trước, người dân mê thích thả diều lắm. Mùa thả diều được bắt đầu từ đầu tháng hai cho đến hết tháng năm dương lịch. Ngày đó “anh nào” cũng mê thả diều từ tấm bé. Đến mùa thả diều,những đêm trăng thanh vắng, tiếng sáo diều vi vu khiến không khí của làng quê vốn đã thanh bình lại thêm phần thi vị. Người già, trẻ nhỏ ngồi trải chiếu hóng mát giữa sân trong tiếng sáo vi vu. Ông Chiêm phấn khởi: “Già trẻ đều ra thả diều, diều to bé đủ loại, sướng lắm. Tiếng sáo đi xa vài ba cây số còn nghe được cơ mà. Sáo càng to, tiếng càng vang xa...”. Ông kể với những cánh diều khổng lồ có trục dài hơn 4 mét ngày ấy, mỗi khi thả phải có một người cầm dây, một người khác đâm diều. Lúc diều xuống lại phải hai người bắt dây, một người cuốn dây về. Hồi bé ông “vác diều” cho bố còn bị diều gặp gió kéo lôi qua cả ao...

Nhưng đó là chuyện của mấy chục năm về trước, còn bây giờ, hội làng đã mất, người dân chẳng mấy người biết xưa kia làng mình đã từng có hội thi thả diều nổi tiếng nhất vùng. Ông Chiêm bây giờ cũng thuộc hàng “người cổ” khi vẫn nhớ đến chuyện làm sáo, làm diều. Thế nên kỷ vật của ông - bộ diều sáo có sải cánh dài hơn 4 mét, to bằng cả gian nhà (xưa kia chỉ xếp vào hàng tý hon) mà nhiều người thấy lạ lẫm. Một đoạn diều đã bị con cháu bẻ nhóm bếp, ông còn giữ được bộ sáo trên trăm tuổi là do một tiên sinh mù sành diều sáo tặng. Gần cả cuộc đời chơi diều, ông đã làm ra hàng chục bộ sáo diều nhưng chưa bộ nào hay hơn bộ sáo diều trăm tuổi này.

Thời buổi kinh tế thị trường đang xâm lấn dần vào cả làng quê. Nhà cao tầng mọc lên san sát, dây điện giăng mắc khắp mọi nơi khiến không gian thả diều ngày càng bị bó hẹp lại. Mỗi dịp hè về, cánh đồng làng ông, bãi thả diều xưa kia vẫn dập dìu diều lớn nhỏ. Nhưng đó là loại diều xanh, đỏ của Trung Quốc, chứ không phải diều sáo như xưa. Với không gian chật hẹp bây giờ, những cánh diều khổng lồ ngày xưa không thể cất cao cùng gió. Ông nhìn bọn trẻ thả diều mà thương ít, buồn nhiều. Chúng không còn đủ ham mê để tìm hiểu cách làm diều sáo và chơi nó như thế nào. Không như thời của các ông, hí hoáy làm một bộ diều chơi đến cả chục năm, giữ diều như giữ vàng, giữ ngọc. “Đã làm được một bộ chơi mãi không biết chán. Còn bây giờ trẻ con chơi diều Trung Quốc được vài bữa là vứt bỏ ngay. Mà chơi diều sáo mới mang đúng nét văn hóa riêng của dân tộc mình”, ông Chiêm ngậm ngùi. Nói đoạn ông ngâm nga mấy câu thơ:

Thiếp nay không nợ gì chàng

Chàng đâm dọc chàng lại đâm ngang

Bỏ ra cho thiếp kêu trời

Mọi người biết mặt cả làng biết tên.

Đó là bốn câu thơ nói về bộ sáo diều mà bậc tiền bối mù đã đố khi tặng bộ sáo cho ông. Những mảnh diều của ông giờ đã gác lại trong góc bếp, nhưng ông vẫn âm ỷ dự định đến cuối đời phải làm một con diều lớn để lại có thể nhấc bộ sáo đó lên trời, để cây sáo tiếp tục ca hát, cất lên những giai điệu du dương của mình. Ở cái tuổi gần đất xa trời, liệu ông có thể làm hồi sinh được một thú chơi sáo diều tao nhã nức tiếng một thời không ?

Trà My - Phan Hậu

ANHTHU