Có phá được “tảng băng chìm”?
Thế giới - Ngày đăng : 07:53, 28/04/2008
Nhìn từ Ấn Độ, nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á, là thị trường tiêu thụ khí đốt lớn, với dự đoán lên 34 tỷ mét khối (vào năm 2010 và hơn 45 tỷ mét khối và năm 2015 là quốc gia phải nhập khẩu 85% nhu cầu dầu lửa thì I-ran, quốc gia có trữ lượng khí đốt lớn thứ 2 thế giới, thực sự là một đối tác tiềm năng. Niu Đê-li nuôi hy vọng, chuyến thăm của ông M. A-ma-đi-nê-giát sẽ khơi nguồn cho dự án lắp đặt hệ thống khí tự nhiên từ I-ran, qua Pa-ki-xtan tới Ấn Độ. Trong bối cảnh hiện nay, với quan hệ truyền thống từ nhiều thế kỷ qua, đã mang lại cho hai bên những thuận lợi nhất định. I-ran có cái Ấn Độ cần, ngược lại, khi cuộc khủng hoảng hạt nhân chưa có nhiều biến chuyển tích cực, thì việc xích lại gần nhau trong quan hệ song phương là điều mà Tê-hê-ran nhắm tới. Thêm vào đó, chuyến công du tới Nam Á của ông M. A-ma-đi-nê-giát cũng nhằm thực hiện quyết tâm của chính quyền Tê-hê-ran: dịch chuyển khí tự nhiên sang phía Đông, với nhữngnhàtiêu thụ sẵn sàng bảo đảm cho I-ran một lượng cầu khổng lồ về các sản phẩm năng lượng và không bị ảnh hưởng nhiều từ các nước phương Tây.
Cái khó với Niu Đê-li trong bối cảnh hiện nay vẫn là những trở ngại trong mối quan hệ căng thẳng Oa-sinh-tơn - Tê-hê-ran. Thực tế, cách đây khoảng một thập kỷ, ý tưởng về đường ống dẫn dầu I-ran - Pa-ki-xtan - Ấn Độ đã hình thành. Nhưng vào thời điểm đó, khi Pa-ki-xtan - Ấn Độ căng thẳng thì ý tưởng vẫn chỉ nằm trên giấy. Khi hai nước láng giềng ở Nam Á này vượt qua trở ngại thì xuất hiện thêm sức ép mới từ Mỹ. Mặc dù trên các diễn đàn, cụ thể như kết thúc chuyến thăm Mỹ (tháng 7-2005), Thủ tướng Ấn Độ M. Xinh, khi trả lời giới truyền thông về đường ống dẫn dầu với I-ran, đã từng tuyên bố, Oa-sinh-tơn không đóng vai trò quan trọng gì đối với dự án này, song cả Niu Đê-li lẫn I-xla-ma-bát đều ý thức được rằng, trừ khi quan hệ song phương Mỹ - I-ran thay đổi thì dự án mới có thêm nhiều triển vọng.
Trở lại với chuyến thăm tới đây của ông M. A-ma-đi-nê-giát, dư luận từng đặt câu hỏi, liệu nó có phá được “tảng băng chìm” đè nặng giữa quan hệ Tê-hê-ran - Niu Đê-li hay không? Thực tế, khó có câu trả lời chính xác trong bối cảnh hiện nay. Oa-sinh-tơn liên tục phát tín hiệu phản đối việc hợp tác giữa hai bên liên quan đến khí đốt với lý do sẽ tạo điều kiện tài chính cho tham vọng hạt nhân của I-ran. Trước chuyến thăm này, Nhà Trắng đã thúc Ấn Độ nhân chuyến thăm ấy kêu gọi Tổng thống M. A-ma-đi-nê-giát dừng chương trình hạt nhân. Bộ Ngoại giao Ấn Độ đáp lại bằng thông điệp: “Cả hai nước đều hoàn toàn có khả năng kiểm soát mọi khía cạnh trong quan hệ của mình ở mức độ hợp lý”…
Bởi vậy, từ những diễn biến của tình hình, dư luận cho rằng, hy vọng của Niu Đê-li vẫn được nhen nhóm tạo ra bước đột phá mới. Bởi nếu hai bên hoàn tất đàm phán và ký được thỏa thuận về xây dựng đường ống dẫn khí đốt, trị giá hơn 7 tỷ USD, thì sẽ là động lực lớn giúp quốc gia có dân số lớn thứ hai thế giới này bảo đảm nguồn cung ứng năng lượng, giảm sự phụ thuộc vào các nguồn khác.
Trung Hiếu