Từ năm 2009: Thi một lần, kết quả dùng 3 năm ?

Giáo dục - Ngày đăng : 09:34, 01/04/2008

Các thí sinh làm bài thi tốt nghiệp THPT năm học 2007 tại Hội đồng thi trường THPT Nguyễn Trãi. Ảnh: VT(HNM) - Bộ GD-ĐT vừa lấy ý kiến lần cuối cho bản dự thảo Đề án đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào CĐ, ĐH, trung cấp chuyên nghiệp (TCCN). Nếu được Chính phủ thông qua, từ năm 2009, sẽ tổ chức một kỳ thi với tên gọi kỳ thi THPT quốc gia với mục tiêu lấy kết quả để công nhận tốt nghiệp THPT, đồng thời làm một căn cứ quan trọng để xét tuyển vào ĐH, CĐ, TCCN.

Một kỳ thi, haimục đích

Theo dự thảo Đề án, kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức vào tháng 6 hằng năm, dành cho 3 đối tượng dự thi gồm: chỉ có mục đích được công nhận tốt nghiệp THPT; có mục đích vừa được công nhận tốt nghiệp THPT, vừa được xét tuyển vào ĐH, CĐ, TCCN; chỉ có mục đích được xét tuyển vào ĐH, CĐ, TCCN. Theo lộ trình, trong một số năm đầu sẽ tổ chức thi 8 môn, gồm: Ngữ văn, Ngoại ngữ, Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý. Những năm sau có thể thêm các môn Tin học, Giáo dục công dân... thuộc chương trình THPT. Số môn thí sinh (TS) phải thi để được công nhận tốt nghiệp THPT là 6 môn, bao gồm 3 môn bắt buộc là Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ; 3 môn do mỗi TS tự quyết định trong số các môn còn lại. TS được công nhận tốt nghiệp THPT mới được đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ, TCCN.

Việc tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ, TCCN sẽ dựa vào điểm tốt nghiệp THPT để tiến hành theo một trong các phương án: thứ nhất, với hầu hết các ngành, các trường lấy kết quả thi của TS trong kỳ thi quốc gia gồm 3 môn văn hóa đối với hệ ĐH, CĐ, 2 môn với hệ TCCN (môn thi có thể được nhân hệ số hoặc quy định điểm tối thiểu đối với môn cần thiết); thứ hai, với các ngành năng khiếu, các trường lấy kết quả thi của TS trong kỳ thi quốc gia gồm 2 môn văn hóa đối với hệ ĐH, CĐ, 1 môn đối với hệ TCCN và môn năng khiếu do trường ra đề và tổ chức thi; môn thi có thể được nhân hệ số hoặc quy định điểm tối thiểu đối với môn cần thiết nhất; thứ ba, việc tuyển sinh đối với những ngành có yêu cầu đặc biệt như Sư phạm Ngoại ngữ, Báo chí, Đối ngoại, chương trình đào tạo tiên tiến... do trường đề xuất và được Bộ GD-ĐT chấp thuận. Các trường này được tổ chức thêm một môn thi do trường tự ra đề và tổ chức thi.

Quy trình xét tuyển vào ĐH, CĐ, TCCN về cơ bản vẫn giữ như hiện nay, nhưng chuyển việc tuyển sinh theo khối thi (A, B, C, D) sang việc xét tuyển theo ngành học. Dựa vào quy định đối với từng ngành học, nhà trường xét tuyển theo kết quả điểm thi các môn TS đã đăng ký và dự thi. TS được đăng ký 3 nguyện vọng xét tuyển vào ĐH, CĐ, 5 nguyện vọng vào trường TCCN.

Chưa hết băn khoăn

Dự thảo đề án thi và tuyển sinh đã qua 17 lần soạn thảo, chỉnh sửa, thu hút ý kiến góp ý không chỉ của những người làm công tác giáo dục, mà còn của cả xã hội. Ngay trong phiên thảo luận cuối cùng với 37,9% đại biểu tham dự hội nghị nhất trí và 62,31% đại biểu có ý kiến bổ sung, góp ý thêm cũng đã cho thấy cần có sự nghiêm túc và thật cẩn trọng khi triển khai vấn đề vốn rất nhạy cảm này. Tuy nhiên, vẫn còn không ít điều khiến giáo viên, học sinh, phụ huynh... băn khoăn.

Trước hết, thời gian 1 năm cho sự chuẩn bị, cả từ phía ngành giáo dục, xã hội và chính các TS liệu đã chín muồi? Chỉ tính riêng trong năm 2007, số TSkhông đỗ ĐH, CĐ là khoảng 400.000 em, và chắc chắn, trong lộ trình thực hiện “Hai không”, số TS thuộc diện này sẽ càng nhiều hơn. Làm thế nào để bảo đảm sự công bằng cho các TS này khi dự thi cùng với HS tốt nghiệp THPT vào năm 2009? Nếu không có sự chỉ đạo khoa học, bài bản và chu đáo về công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia thì chắc chắn, sẽ có sự phản ứng từ phía dư luận bởi thực tế, HS tốt nghiệp THPT năm 2009 phải học rất nhiều môn, để vừa được xét tốt nghiệp, vừa để được tuyển vào ĐH, CĐ, trong khi TS trượt các năm trước có ít nhất hẳn 1 năm “tu luyện” 6 môn để được xét vào ĐH, CĐ.

Quy định về việc xét tuyển vào các trường có yêu cầu đặc biệtnhư Sư phạm Ngoại ngữ, Báo chí... với quy trình chọn số TS sơ tuyển bằng 1,5 lần số chỉ tiêu tuyển sinh của từng ngành, sau đó TS dự thi thêm 1 môn thi do trường ĐH, CĐ, TCCN tổ chức cũng khiến nhiều người lo lắng. Liệu rằng, việc để các trường tự tổ chức thi thêm 1 môn thi có bảo đảm sự khách quan, công bằng và làm giảm áp lực cho TS không, hay TS sẽ lại phải gánh vác thêm một kỳ thi khác căng thẳng hơn.

Quy định kết quả điểm thi của TS trong kỳ thi THPT quốc gia đã được cấp bằng tốt nghiệp được bảo lưu để đăng ký xét tuyển sinh trong vòng 3 năm với ĐH, CĐ và 5 năm với TCCN; trong thời gian này, TS được quyền đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ, TCCN mà không phải dự thi (trừ môn năng khiếu, môn thi tại trường) hoặc có quyền dự thi ở kỳ thi THPT quốc gia tiếp theo để nâng cao kết quả... cũng làm nhiều người nghi ngại. Bởi bên cạnh một thực tế là chất lượng giáo dục phổ thông nước ta hiện chưa có mặt bằng chung, các yếu tố để tổ chức một kỳ thi nghiêm túc (cơ sở vật chất, nhân lực, năng lực quản lý...) ở các địa phương còn nhiều bất cập, thì việc bảo đảm sự tương đương về chất lượng đề thi, công tác coi thi, chấm thi... giữa các năm để tạo sự công bằng cho TS là yếu tố không thể bỏ qua.

Dũng - Hạnh

Kỳ thi THPT quốc gia

- Đề thi: + Trừ đề thi môn Ngữ văn kết hợp tự luận với trắc nghiệm, các môn còn lại đều theo hình thức trắc nghiệm.

+ Trong đề thi có khoảng 60% số điểm ứng với nội dung ra theo chuẩn kiến thức, kỹ năng THPT để công nhận tốt nghiệp và khoảng 40% số điểm ứng với các câu hỏi trong chương trình THPT nhưng khó hơn để phân loại trình độ, xét tuyển sinh.

- Số phiên bản đề thi trắc nghiệm mỗi môn ít nhất bằng nửa số TS trong phòng thi, hoặc mỗi TS có một phiên bản đề thi.

- Điểm tối thiểu tốt nghiệp THPT do Bộ GD-ĐT quy định chung trên toàn quốc, có tính đến yếu tố vùng, miền.

ANHTHU