Chuyện lạ về những cặp song sinh
Xã hội - Ngày đăng : 20:37, 24/03/2008
Năm 1810, ở Mỹ, một bác sĩ băn khoăn về người nữ nô lệ da đen đẻ sinh đôi mà một đứa con da trắng, một da đen. Lúc này kiến thức về di truyền còn ít, người ta ngờ là có sự đột biến màu da. Nhưng khi điều tra về người mẹ, chị ta xác nhận ngoài chồng, có quan hệ với ông chủ da trắng.
Tuy vậy, cũng có một số trường hợp đa thai: khoảng 1% các trường hợp thai nghén đẻ sinh đôi, khoảng hơn một phần vạn đẻ sinh ba và hãn hữu có thể sinh tư (rất hiếm). Bài này xin chỉ nói song sinh.
Sự thụ thai
Thụ thai là sự kết hợp giữa một tế bào đực là tinh trùng và một tế bào cái là trứng, để trở thành một tế bào có khả năng phát triển rất nhanh. Ở người, trong tế bào chứa 46 nhiễm sắc thể (NST) chia làm 23 cặp (so với NST ở bò là 60, chó: 78, cóc: 22...), có 22 cặp NST thường và 1 cặp đặc trưng cho giới tính. Ở phụ nữ, cặp đó giống nhau được gọi là cặp NST XX (vì na ná như hình chữ X). Còn ở nam giới là cặp NST giới tính XY. Nhưng những giao tử (trứng của nữ và tinh trùng của nam) chỉ có một nửa số NST đó - nghĩa là chỉ có 22 NST thường và 1 NST giới tính. NST giới tính này bao giờ cũng là X đối với trứng. Nhưng đối với tinh trùng, nó có thể là X hoặc Y - như vậy là có 2 loại tinh trùng. Nhờ kỹ thuật nhuộm màu và qua kính hiển vi tương phản, người ta đã phân biệt được rõ có loại tinh trùng đầu nhỏ mang NST giới tính Y và một loại tinh trùng đầu to hơn mang NST X.
Khi trứng thụ tinh với tinh trùng "đồ sính lễ" của tinh trùng là 22 NST thường + X, gộp chung với "của hồi môn" của trứng cũng 22 NST thường + X sẽ thành 22 cặp NST + XX - đó là trường hợp sinh con gái. Hoặc NST Y ở tinh trùng chiếm ưu thế hơn thì "tài sản chung" của trứng và tinh trùng sẽ là 22 cặp NST + XY - đó là trường hợp sinh con trai.
Sau khi thụ tinh, trứng phân chia rất nhanh để cấu tạo thành thai nhi và phần phụ của thai. Thai nhi đủ tháng trung bình cân nặng 3.000g, dài 50cm, có cấu tạo giải phẫu gần giống người lớn. Riêng về sinh lý, khi thai còn nằm trong buồng tử cung, bộ máy tuần hoàn và hô hấp có những điểm khác với thai nhi đã ra ngoài (nghĩa là sống nhờ người mẹ qua hệ tuần hoàn tử cung - rau thai).
Song sinh bình thường
Dựa vào nguồn gốc phát sinh, có 2 loại song sinh:
Song sinh khác trứng: Đó là trường hợp người phụ nữ có 2 trứng rụng khỏi buồng trứng và 2 trứng này đều được thụ tinh bởi tinh trùng. Hai tinh trùng có thể từ một hoặc từ hai lần giao hợp. Vì mỗi trứng thụ tinh với một tinh trùng, nên trong số các lần giao hợp. Vì mỗi trứng thụ tinh với một tinh trùng, nên trong số các thai này có thể cùng giới tính, hoặc khác giới tính. Tỷ như 2 tinh trùng gây thụ tinh mang NST giới tính khác nhau thì 2 đứa trẻ sinh ra sẽ một là trai và một là gái. Nhưng nếu 2 tinh trùng đều mang cùng 1 loại NST giới tính (Y hoặc X) thì 2 thai sẽ đều là trai, hoặc gái cả. Tuy song sinh nhưng hai chị em (hoặc anh em) vẫn có những điểm khác nhau về hình thể, nét mặt và có thể khác cả về nhóm máu bởi 2 thai mang 2 bộ gen di truyền riêng biệt của trứng và tinh trùng bố mẹ chuyển sang.
Song sinh cùng trứng: Sự thụ tinh xảy ra bình thường từ 1 trứng và 1 tinh trùng, nhưng quá trình phân chia tế bào của trứng đột biến phôi tự tách ra thành 2 thai. Sự đột biến này có thể xảy ra sớm hoặc muộn, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thai và phần phụ của thai. Nguyên nhân của sự đột biến này chưa rõ. Đây là loại song sinh cùng trứng cùng tinh trùng, 2 thai sẽ có chung một bánh rau. Nếu sự phân chia thành 2 phôi xảy ra sớm thì mỗi thai nằm trong một buồng ối riêng. Nếu phân chia muộn hơn, 2 thai sẽ nằm chung với nhau trong một buồng tối. Trường hợp phân chia muộn hơn nữa, 2 thai có thể bị dính với nhau.
Đây là loại song sinh đồng hợp tử, nên 2 thai mang cùng tính chất di truyền, giống nhau cả về giới tính (cùng là trai, hoặc cùng là gái), hình thể và tính sinh vật học mà trong nhân dân thường nói: "giống nhau như hai giọt nước".
Một số trường hợp hy hữu
Từ trước tới nay, y văn thế giới cũng đã ghi nhận được một số trẻ song sinh là 2 "tác phẩm" của 2 người cha khác nhau.
Năm 1973, một bác sĩ người Đức báo cáo có 6 trường hợp sinh đôi cùng mẹ, khác cha. Và 5 năm sau cũng ở Đức lại có một phụ nữ đẻ sinh đôi một con da trắng, một da đen. Nhưng hy hữu có lẽ là vụ xử kiện năm 1983 tại bang California (Mỹ). Đó là xác định trách nhiệm người cha (phải góp phần nuôi dưỡng) 2 đứa trẻ song sinh do một thiếu phụ Mỹ kiện một người đàn ông Mỹ, vì ông ta không chịu nhận con. Tòa án đã cho giám định y khoa. Khi đó, các nhà y học đã dựa vào những hiểu biết mới về hệ kháng nguyên bạch cầu (các bạch cầu đều có chứa 40 kháng nguyên protein trong tất cả các nhóm liên kết của chúng. Đứa trẻ được di truyền một nửa kháng nguyên bạch cầu là của bố, và nửa kia của mẹ) để giám định. Kết quả xét nghiệm đã khẳng định được người đàn ông trên là cha của một trong 2 đứa trẻ; còn đứa thứ hai không phải là con ông ta. Khi biết kết quả, lập tức người đàn bà liền báo cho tòa biết thêm một người đàn ông khác đã từng ăn nằm với chị ta. Và qua xét nghiệm, các nhà giám định cho hay chính người đàn ông thứ hai này là cha của đứa trẻ sinh đôi thứ hai! Cuối cùng thì thiếu phụ và 2 người đàn ông đã thừa nhận kết quả giám định.
Vào khoảng đầu năm 1992, cũng ở Mỹ, có người phụ nữ Hồi giáo 25 tuổi, đến nhờ một bác sĩ xác nhận 2 đứa trẻ song sinh (một gái, một trai) của chị ta là con của người chồng đa nghi và hay ghen, để đòi trợ cấp nuôi con. Bác sĩ cho biết cần phải làm xét nghiệm mới kết luận được, vì người chồng nhất định không công nhận 2 đứa trẻ là "sản phẩm" của mình. Lúc đầu người đàn bà khai là không có bạn tình. Nhưng khi phân tích nhiều nghi vấn, chị ta đã thừa nhận chỉ có một người bạn trai thôi. Bác sĩ yêu cầu phải đem 2 đứa trẻ, và 2 người đàn ông đến để làm các xét nghiệm cần thiết. Người bạn trai đồng ý đến, còn người chồng từ chối không đến. Khi so sánh dấu ấn di truyền AND của đứa con trai với người bạn trai, thấy có nhiều dòng giống nhau. Nhưng khi so sánh dấu ấn AND của bé gái với người bạn trai thì không thấy có dòng nào giống nhau. Như vậy cặp song sinh này có 2 người cha. Trước bằng chứng khoa học rõ ràng, chị ta và người bạn trai đã thú nhận có sinh hoạt tình dục với nhau.
Những trường hợp trẻ sinh đôi khác cha là do người phụ nữ có 2 trứng rụng (song sinh khác trứng). Hai trứng có thể được phóng ra từ một hoặc từ hai nang De-Graaf trong một vòng kinh, ít gặp ở hai vòng kinh. Hai tinh trùng gây thụ tinh là từ hai người đàn ông trong các lần giao hợp rất gần nhau. Song sinh loại này không khác gì chửa đẻ 2 lần khác nhau, chỉ khác là cùng thụ tinh và cùng phát triển trong tử cung người mẹ trong cùng một thời gian, nhưng có 2 bánh rau riêng và mỗi thai của từng ông sẽ nằm trong một buồng ối riêng. Song sinh cùng mẹ khác cha là hiếm và khó nhận biết. Nhưng ngày nay, với khoa học kỹ thuật phát triển cao, nếu qua xét nghiệm AND thì biết chính xác.
Theo BS. Vũ Hướng Văn/Sức Khỏe&Đời Sống