Những nốt nhạc buồn !

Giáo dục - Ngày đăng : 09:10, 17/03/2008

(HNM) - Học viên học với “tinh thần bằng cấp” nên đối phó, giáo viên dạy qua loa đại khái, phân cấp tuyển sinh chồng chéo... là bức tranh dễ nhận thấy nhất khi đánh giá về hệ đào tạo không chính quy (KCQ). Trong khi đó, có gần 50% trên tổng số 1,676 triệu sinh viên (SV) trên cả nước thuộc hệ KCQ. Vậy điều gì đang diễn ra?

Các thí sinh làm bài dự thi đầu vào trường ĐH Kinh tế quốc dân hệ tại chức năm học 2007 - 2008.(HNM) - Học viên học với “tinh thần bằng cấp” nên đối phó, giáo viên dạy qua loa đại khái, phân cấp tuyển sinh chồng chéo... là bức tranh dễ nhận thấy nhất khi đánh giá về hệ đào tạo không chính quy (KCQ). Trong khi đó, có gần 50% trên tổng số 1,676 triệu sinh viên (SV) trên cả nước thuộc hệ KCQ. Vậy điều gì đang diễn ra?

Bất ổn từ... “đầu vào”

Đào tạo KCQ thường được tổ chức dưới 3 hình thức: hệ tại chức, đào tạo từ xa và chuyên tu, trong đó hệ tại chức chiếm 3/4 số SV KCQ. Bình quân hàng năm các trường tuyển sinh KCQ vượt từ 10-15% chỉ tiêu được giao. Đáng ngạc nhiên là quá trình học của hệ này được “nới tay” rất nhiều so với SV chính quy nhưng số tốt nghiệp hàng năm so với thựctuyểnchỉ là khoảng 55-60%.

Ông Phan Mạnh Tiến, Phó Vụ trưởng Vụ ĐH và sau ĐH cho biết: Đào tạo KCQ đang bộc lộ nhiều tồn tại. Đó là mất cân đối về cơ cấu ngành nghề, ý thức người học chưa cao, chất lượng đào tạo không bảo đảm, chưa nhận được sự tin tưởng của người sử dụng... Thực tế này bắt nguồn từ chất lượng “đầu vào” của SV khá thấp, việc ra đề thi, coi thi hầu hết chưa nghiêm túc. Điển hình như ĐH Ngân hàng TP HCM đã “sáng tạo” ra đề thi tuyển sinh khối A từ 3 môn Toán, Văn và Vật lý (?!).

Đáng buồn nhất là tình trạng liên kết giữa các trường ĐH, CĐ với một số địa phương để đào tạo KCQ theo mô hình: trường giảng dạy, địa phương lo cơ sở vật chất để tổ chức lớp tồn tại không ít bất ổn. Một số cơ sở đặt lớp đã tự động ra thông báo chiêu sinh không đúng với chức năng nhiệm vụ. Không ít nơi, việc mở lớp học không đúng quy định, không đặt lớp tại trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh mà tổ chức lớp ở nơi không bảo đảm môi trường sư phạm như Liên hiệp hợp tác xã hoặc cơ sở khác ngoài ngành giáo dục.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, tuy không nói ra, nhưng bản thân các trường đều hiểu chất lượng học viên KCQ thua xa SV chính quy... Cứ “chiểu” theo cách tuyển “mở” như hiện nay thì việc đưa ra mục tiêu rút ngắn khoảng cách về trình độ giữa hai loại hình đào tạo này chắc chắn sẽ là thử thách lớn với ngành giáo dục, các trường và bản thân học viên.

Chiến dịch “bàn tay sắt”

Một thực tế là đào tạo KCQ hiện đang đáp ứng nhu cầu chính đáng muốn nâng cao trình độ của người dân và rất phù hợp với mục tiêu học tập suốt đời của giáo dục. Trước thực trạng chất lượng đào tạo thấp như hiện nay, nhiều ý kiến đồng tình rằng phải siết chặt hoạt động của loại hình đào tạo này. Tuy nhiên, vì đây là nguồn thu chủ yếu của nhiều trường nên bài toán nâng cao chất lượng đi kèm với bảo đảm “nồi cơm” cho cán bộ, giáo viên là không dễ giải.

TS Nguyễn Hoàng, Trưởng ban đào tạo ĐH Huế cho rằng, để bảo đảm nguồn thu, các trường nên mở thêm các khóa học đào tạo cấp chứng chỉ, đáp ứng nhu cầu nâng cao kiến thức thực sự của người học. Như vậy, học viên sẽ yêu cầu giảng viên phải giảng dạy nghiêm túc không có tiêu cực. Để tăng chất lượng, điều tất yếu là phải siết chặt đầu vào, chấp nhận giảm lượng người học. Tuy nhiên, việc đào tạo có thực chất hay không còn phụ thuộc vàongườisử dụng lao động khi sàng lọc phải phân biệt và coi trọng những người có kiến thức thật với người chỉ coi bằng cấp là công cụ tiến thân.

Tại hội nghị về công tác đào tạo KCQ tổ chức gần đây, Bộ GD-ĐT thể hiện rõ quyết tâm chấn chỉnh hoạt động này ngay trong năm 2008. Đó là một loạt công việc: xây dựng phần mềm quản lý giáo dục KCQ, ban hành quy chế tuyển sinh vừa học vừa làm (VHVL), tiến hành thi tuyển sinh KCQ hai đợt vào tháng 4 và tháng 10 hàng năm thay vì để các trường tự quyết định việc này...

Ông Phan Mạnh Tiến cho biết thêm: Bộ GD-ĐT chủ trương đề thi tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ phải lấy từ ngân hàng đề của Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục. Riêng đề thi kết thúc học phần, môn học các trường thống nhất dùng ngân hàng đề thi hệ chính quy của trường. Bộ cũng sẽ tổ chức triển khai hệ thống kiểm định công nhận chất lượng đào tạo đối với hệ KCQ. Riêng với các trường, hai tháng trước kì tuyển sinh KCQ phải gửi báo cáo kế hoạch tuyển sinh về Bộ GD-ĐT, công khai trên các phương tiện truyền thông mọi thông tin cần thiết liên quan đến công tác này, cũng như danh sách SV trúng tuyển để nhiều lực lượng cùng tham gia giám sát...

Chấn chỉnh việc đào tạo hệ KCQ, lấy lại niềm tin của xã hội là việc làm cần thiết và cần được ủng hộ. Khuyến khích một xã hội học tập không có nghĩa là cơ hội để “chủ nghĩa bằng cấp” bị lạm dụng theo kiểu “người người học tại chức” như hiện nay. Hơn bao giờ hết, “bản nhạc buồn” đang chờ đợi những thanh âm trong trẻo!

Trà My

ANHTHU