Bốn đời dao kéo
Xã hội - Ngày đăng : 09:01, 15/03/2008
(HNM) - Người Hà Nội xưa hễ nói đến các sản phẩm dao kéo sắc, bền và đẹp là thường nhắc câu :“Sắc như dao kéo Sinh Tài”.
Bởi song song với sản phẩm dao kéo sắc nổi tiếng và tín nhiệm được sản xuất bằng lò rèn thủ công của Đa Sĩ, thì Hà Nội cũng có một địa phương duy nhất ở xã Xuân Phương huyện Từ Liêm, khởi dựng và duy trì nghề truyền thống rèn dao kéo không thua kém. Và trong các lò rèn truyền thống đó phải kể đến thương hiệu dao kéo “Sinh Tài”.
Các cụ cao niên ở xã Xuân Phương (xưa gọi là làng Canh thuộc phủ Hoài Đức) kể lại: Vào khoảng cuối thế kỷ 19 làng có cụ Nguyễn Đắc Nghị mang nghề làm dao kéo lên Hà Nội, dựng nghiệp tại phố Sinh Từ (năm 1964 đổi thành phố Nguyễn Khuyến) với tên hiệu “Sinh Tài” ( ý là: nhờ lậpnghiệp ở phố Sinh Từmà sinh tài). Cũng chính cụ Nghị tìm tòi ra cách luyện thép theo phương pháp thủ công, với gang và sắt tây để chế tạo ra các loại dao kéo rất sắc và bền. Sản phẩm dao kéo Sinh Tài đi xa, lan rộng, lò rèn các tỉnh lân cận đã “ăn theo” hoặc kéo về học hỏi kinh nghiệm làm, nhưng thật khó để bắt chước. Hàng Sinh Tàiđược làm bằng thép bổ, tức là nhồi thép ở giữa, sắt ốp ở hai bên, chủ yếu là các loại dao gia đình, kéo cắt may, dao cạo đầu (tóc) cạo râu, dao đóng giày dép, bóc lốp ô tô, tỉa xén cây, cắt giấy hàng mã, cắt sắt… Từ cuối thế kỷ 19 cho đến nay ở phố Sinh Từ(Nguyễn Khuyến), bao nhiêu cửa hàng dao kéo đã mọc lên, nhưng hàng Sinh Tài ở số nhà 15A vẫn là độc nhất vô nhị.
Qua thăng trầm của Hà Nội, ngay trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, con cháu của cụ Nghị vẫn giữ được nghề truyền thống, cho đến hôm nay là bốn đời. Ông Nguyễn Khắc Bình,cháu nội cụ Nghị, hiện nay là chủ cửa hàng ở 15A Nguyễn Khuyến cho biết: Khi cụ Nghị qua đời, người con cả là ông Nguyễn Đắc Cẩn (sinh năm 1898), học nghề của cha từ khi lên 15 tuổi, đã tiếp thu bí quyết luyện thép và phát triển thêm sản phẩm phục vụ cho một số ngành khác như: mộc, nề, mỹ nghệ, mỹ thuật, cắt xén giấy… Khinhững chiếc ô tô, tàu hỏa đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam vào đầu những năm 1920, ông Cẩn nghĩ ra việc tái chế những thanh nhíp, lò xo hỏng để sản xuất dao kéo. Vào khoảng năm 1940, Sinh Tài đã xuất khẩu được sản phẩm sang Lào, Cam-pu-chia, Thái Lan qua lái buôn Trung Quốc. Đến năm 1954 sau khi lô hàng đầu tiên được xuất khẩu sang Pháp thì dao kéo Sinh Tài càng trở nên nổi tiếng, chiếm lĩnh thị trường Hà Nội cũng như các vùng lân cận ở Bắc bộ.Ông Cẩn già yếu, ông Bình là con nối nghiệp, giữ vững thương hiệu cho đến hôm nay. Ông cho rằng Sinh Tài tồn tại được đến bốn đời, ngay trong cơ chế thị trường khắc nghiệt, phải nói đếngiữ được chữ tín qua chất lượng, giá hợp với túi tiền người lao động và đặc biệt phù hợp với nghề truyền thống của các làng nghề trên cả đất nước. Ngoài việc quảng cáo và bảo vệ thương hiệu, hai chữ “Sinh Tài” trên sản phẩm còn có nghĩa bảo hành. Dù thị trường dao kéo nội và Sinh Tài có giảm, song vẫn còn nhiều người cần và sử dụng các loại sản phẩm “cũ”. Bởi sản phẩm nhập ngoại tuy nhiều và phong phú thật đấy, nhưng lấy đâu ra những dao cắt giấy, cắt da, lột lốp ô tô, hay chiếc đục, tràng… phục vụ cho nghề mộc đang được người Việt khôi phục. Để bảo vệ thương hiệu, Sinh Tài luôn thay đổi mẫu mã cho phù hợp nhu cầu người sử dụng song vẫn bảo đảm chất lượng cao và bền. Một sản phẩm ra đời qua nhiều công đoạn, công phu: chặt sắt ra, vuốt thành phôi, rèn thành hình sản phẩm, kéo khô, quay kỹ thành hình chuẩn. Tiếp đến là tôi, công đoạn cần có bí quyết nhà nghề thì mới giữ được độc quyền. Tôi xong thì quay lại lần thứ hai, đánh bóng, lắp ráp, cân chỉnh, phủ mặt lớp chống rỉ, chỉnh tiếp cho hoàn thiện. Giá sản phẩm của Sinh Tài vì thếbao giờ cũng cao hơn.
Theo chân ông Bình chúng tôi về Xuân Phương nơi phát Tổ nghề rèn của Sinh Tài. Nghề rèn được khôi phục từ khi Nhà nước mở cửa, người dân đêm ngày đập gõ tôi luyện, không chỉ cải thiện đời sống mà còn làm giàu. Nhiều cựu chiến binhtrở về chan chát bên lò rèn, nêu gương làm kinh tế giỏi. Làng có 95% nhà cao tầng, nhà nhà có xe máy, tủ lạnh, tivi và nhiều đồ dùng gia dụng đắt tiền, đường ngõ trải bê tông phẳng lỳ, sạch đẹp, phong quang. Nằmbên bờ sông Nhuệ, Xuân Phương đã trở thành làng văn hóa của Thủ đô.
Nhà thờ Tổ của dòng họ Nguyễnvà cụ Nguyễn Khắc Nghị,người đã mang nghề dao kéo với nhãn hiệu “Sinh Tài” ra phố Sinh Từ xây năm gian theo kiểu cổ, dễ trên 100 năm. Bên trái nhà treo tấm bảng bằng gỗ sơn mài với dòng chữ Nôm Cha truyền con nối nghề dao kéo- Sinh Tài mong để tiếng về sau, bên phải treo ba chữ Hán Nhẫn- Đức- Tâm (ngược lại với người đời thườngdùng Tâm - Đức - Nhẫn), trật tự theo ý nguyện của dòng họ và cụ Tổ nghề.
Nay ông Nguyễn Khắc Bình đã ngoài sáu mươi, có con trai, con dâu nối nghiệp, giữ gìn thương hiệu. Câu chuyện Sinh Tài làm nảy ra ý nghĩ, con dao, cái kéo gia truyền tuy nó nhỏ nhoi mà tồn tại và nổi tiếng đến ngày nay là được “rèn” từ những lời răn dạy trên của các bậc tiền bối.
Minh Nguyễn