‘Dòng sông dân ca trong lòng đất mẹ
Văn hóa - Ngày đăng : 10:24, 01/03/2008
Điều đó cũng chứng tỏ một cuộc sống vật chất, tinh thần phong phú của các thế hệ cư dân đã từng sinh sống trên mảnh đất này. Cuộc sống ấy đã sản sinh ra những làn điệu dân ca say đắm lòng người.
Ngã ba sông Móng - điểm tiếp giáp của ba huyện Bình Lục, Lý Nhân, Duy Tiên cho đến bây giờ vẫn giữ được nét thi vị hiếm có của vùng đồng bãi thanh bình. Bãi lúa, nương dâu xanh mướt, dòng nước phẳng lặng hiền hòa, con thuyền neo mình suy tư nơi bến đợi... Phong cảnh hữu tình ấy một thời là điểm hẹn hò lý tưởng của những trai làng, thôn nữ mỗi lần ra bãi hái dâu. Dưới ngàn dâu xanh bờ bên này, bờ bên ấy, trên bến, dưới thuyền, tiếng hát ngân vút lên những lời đối đáp, chòng ghẹo.
Những lời tình tứ thanh xuân dần dần đã hình thành nên những làn điệu giao duyên vùng ngã ba sông Móng. Nét đặc trưng của những làn điệu này là được sản sinh trong lao động, được hát trong lao động, ý tứ câu hát ca ngợi cuộc sống, tình yêu, phong cảnh non xanh nước biếc... Hát giao duyên Hà Nam có cả một hệ thống gần bốn mươi làn điệu không giống nơi nào, không ảnh hưởng giao thoa của các vùng dân ca khác. Dân ca giao duyên vùng ngã ba sông Móng cũng được đánh giá là một dòng dân ca có vẻ đẹp lung linh, toàn diện từ ca từ, giai điệu cho đến ý tứ, ngữ nghĩa.
Ngược dòng sông Đáy về phía Bắc là đến với vùng bán sơn địa Quyển Sơn với làn điệu hát dậm nổi tiếng. Khác với hát giao duyên là điệu hát thế tục, được sản sinh và thể hiện trong lao động, hát dậm là kiểu hát nghi lễ nơi cửa đền. Hát dậm có nguồn gốc từ một truyền thuyết lịch sử, khi Thái úy Lý Thường Kiệt thắng trận trở về cho quân dừng dưới chân núi Cấm ăn mừng chiến thắng. Những lời ca, điệu múa trong ngày hội khao quân đó đã được người dân nơi đây gìn giữ, lưu truyền đến tận bây giờ.
Cũng có xuất xứ từ một sự kiện lịch sử, hát lải lèn, còn gọi là hát lả lê ở vùng Bắc Lý - Lý Nhân là dòng dân ca để hát trước cửa đền. Cách đây 40 năm, tác giả Bùi Văn Cường đã nghiên cứu và ghi chép được khoảng 30 khúc điệu. Hát lải lèn có hai hình thức: làm trò và hát trước cửa đình, nội dung mô tả cuộc kháng chiến của Triệu Quang Phục, tâm tư, tình cảm của những người lính chiến trận cũng như những chinh phụ nơi quê nhà. Tuy nhiên, đây là một điệu hát rất cổ, khó hát, hiện chỉ phổ biến được một số làn điệu.
Ngoài ba dòng dân ca gắn với những sự tích, địa danh được xác định là dân ca Hà Nam, vùng đất này còn là nơi phát triển nhiều làn điệu trống quân như mọi vùng miền khác ở đồng bằng Bắc bộ. Trống quân Hà Nam, bên cạnh cái chung còn có những nét riêng. Với sự sáng tạo phong phú, hát trống quân Hà Nam đã biến thể ở mức hoàn chỉnh, phong phú. Đó là trống quân trong và ngoài gióng vật võ, trống quân trên thuyền, nét độc đáo của vùng đồng chiêm trũng. Đêm hội trống quân có sự góp mặt của dàn nhạc bát âm, tiếng nhị, tiếng phách réo rắt, góp thêm chất men say tình tứ. Tình bạn, tình yêu, tình làng nghĩa xóm, điều ăn nết ở, cái hay cái đẹp của con người... được ghi thành những câu lục bát hát đối đáp trong đêm hội thâu canh.
Có thể nói nhiều thế hệ người dân Hà Nam đã may mắn khi được thừa hưởng một kho tàng văn hóa dân gian quý giá với những làn điệu dân ca. Hiện tại, dân ca Hà Nam đã được phổ biến, trở thành những tiết mục biểu diễn thường xuyên của rất nhiều đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp và nghệ thuật quần chúng. Nhiều tỉnh, kể cả những tỉnh có dân ca riêng như Bắc Ninh, Thanh Hóa đều thường xuyên mời nghệ sĩ của Hà Nam đến nói chuyện, giới thiệu, dạy hát dân ca.
Thấy rõ được giá trị của di sản phi vật thể này, nhiều nhà nghiên cứu tâm huyết đã bỏ bao công sức sưu tầm, biên soạn, giới thiệu, tôn vinh. Ngoài một số công trình nghiên cứu, sưu tầm của các tác giả Bùi Văn Cường, Bùi Đình Thảo, phải kể đến những tuyển tập dân ca của nhạc sĩ Phạm Trọng Lực. Từ chất liệu thô nguyên bản của các làn điệu cổ, nhạc sỹ Phạm Trọng Lực đã “chuốt lời” và “thổi” âm nhạc vào đó cho thuận, mượt hơn. Nhờ vậy, những làn điệu cổ đã dễ dàng đến được với đông đảo công chúng yêu nhạc. Đây cũng là một lối bảo tồn đơn giản và hiệu quả.
Thuở xa xưa, cuộc sống còn sơ khai, ông cha ta đã biết sáng tác những làn điệu mượt mà sâu lắng, làm vơi đi nỗi vất vả trong cuộc sống, làm phong phú đời sống tinh thần. Ngày nay, trong cuộc sống bộn bề lo toan, những làn điệu ấy vẫn như một dòng sông ngầm lặng lẽ chảy trong tâm hồn những thế hệ cư dân đang sống trên mảnh đất Hà Nam. Dòng sông ấy tưới mát, đắp bồi thêm lớp lớp phù sa màu mỡ lên “cánh đồng cuộc sống”, làm cho tâm hồn con người thêm phong phú..
Đỗ Hồng
(Hà Nam)