Chợ Viềng mỗi năm chỉ có một phiên

Văn hóa - Ngày đăng : 20:25, 14/02/2008

(HNMO)- Nét độc đáo của Chợ Viềng (Nam Định) chính là mỗi năm chỉ họp đúng một phiên, kéo dài từ nửa đêm mùng 7 đến sáng mùng 8 Tết. Theo quan niệm của dân gian thì đi chợ Viềng để mua 1 món đồ sẽ gặp hên cả năm.

(HNMO)- Nét độc đáo của Chợ Viềng (Nam Định) chính là mỗi năm chỉ họp đúng một phiên, kéo dài từ nửa đêm mùng 7 đến sáng mùng 8 Tết. Theo quan niệm của dân gian thì đi chợ Viềng để mua 1 món đồ sẽ gặp hên cả năm.

Cũng chính vì vậy mà phiên chợ Viềng hàng năm được tổ chức nhưng càng ngày càng thu hút đông đảo người dân Nam Định, và các tỉnh lân cận như Thanh Hóa, Hà Nam, Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng... đổ về chợ Viềng đông nghịt người để mong mua được điều may cho cả năm.

Thật ra chợ Viềng có chợ, một chợ Viềng Phủ ở Kim Thái, huyện Vụ Bản (là chợ đã nổi tiếng trong sử sách, thi ca) và hội Viềng Chùa tại xã Nam Giang, huyện Nam Trực.

Chợ Viềng Phủ cách chợ Viềng Chùa khoảng 3-4 km, nhưng Viềng Phủ mới đúng là chợ Viềng cổ xưa. Nhưng chợ Viềng Phủ ngày nay lại có diện tích nhỏ hơn chợ Viềng Chùa và nó cũng còn tồn tại nhiều nét cổ hơn. Viềng Phủ ngày nay họp chợ cũng sớm hơn và kết thúc cũng muộn hơn ngày xưa. Theo truyền thống, phiên Chợ Viềng thường được bắt đầu vào lúc 23h đến sáng ngày ngày vào mùng 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm, nhưng ngày nay chợ Viềng mở từ tối ngày mùng 7 kéo dài đến hết ngày 8 tháng giêng âm lịch.

Khách đến chợ Viềng ngày càng đông không chỉ mong muốn mang lộc đầu năm về nhà mà còn đi lễ Phủ Giầy và Đền Trần. Khách đến Chợ Viềng Phủ năm nay vẫn sẽ cảm nhận đầy đủ những nét truyền thống của chợ Viềng xưa, nhiều nhất vẫn là những hàng cây cảnh, dao, cuốc, thuổn, nồi niêu, thịt bò….


                                     Những món đồ đồng được nhiều người săn tìm.

Theo quan niệm xưa, đi chợ Viềng, du khách có thể tìm mua các mẹt hàng bán nồi niêu, xoong chảo, bát mẻ, đĩa vỡ, bếp dầu, đèn Hoa Kỳ... để kiếm một món đồ cổ thứ thiệt nào đó mà chủ nhân của nó lơ ngơ bán với giá đồng nát. Ngày nay, chợ Viềng Phủ vẫn bày bán những món đồ cổ, nhưng để mua được những món đồ cổ thứ thiệt không dễ bởi các chủ quán đã bán đồ cổ với giá rất… “cổ”. Một chiếc tủ cổ được khảm trai rất đẹp được chủ hàng quát với giá 8000 USD, còn những chiếc hộp khảm trai đựng đồ trang sức được bán với giá khoảng 1,1 triệu/chiếc thì được nhiều người mua hơn.

Cô Trịnh Hoài Thu, một sinh viên Hà Nội đi chợ Viềng Phủ cho biết, cô đã đi chợ Viềng được 2 lần, nhưng năm ngoái cô đi chợ Viềng Chùa, đông vui và rộng hơn, nhưng hàng hóa bán bên Viềng Chùa thường là hàng mới tinh nên năm nay cô muốn đi Viềng Phủ để tìm lại đúng nét cổ truyền của phiên chợ Viềng. Chợ Viềng Phủ ngày nay đã có ít nhiều đổi mới nhưng vẫn còn nguyên nét văn hóa xưa. Hòai Thu và các bạn đã vô cùng thích thú khi mua được những cây giống như hoa hồng, cây sung…để mong một năm mới sung túc và nhiều niềm vui.

Đặc biệt, Viềng Phủ bày bán cả thịt hươu rừng. Du khách muốn mua từ nhung hươu hay thịt hươu đều được bán ngay tại chỗ. Một món đồ ăn không thể thiếu vẫn là thịt bò, nếu khách hàng muốn mua mang về hay ăn luôn cũng được phục vụ nhiệt tình, chủ quán chế biến tại chỗ cũng rất ngon.

Cũng theo truyền thống xưa, đi chợ Viềng muốn gặp may phải “ăn trộm” được những món đồ như chổi cùn, dế rách, dao cùn…hay mua đồ thì phải sau 24h đêm mới gặp may. Nhưng chợ Viềng nay không có những món đồ đó, mọi người thường mua một món đồ mới cũng mong sẽ gặp may mắn trong cả năm.

Cũng chính bởi chợ Viềng chỉ họp một đêm, và năm nào cũng đông đúc nên nhiều du khách đã chọn cách đi từ tối muộn ngày mùng 7 Tết để không phải kiếm chỗ nghỉ đêm. Vợ chồng anh Sơn, chị Vân từ Hà Nội chọn cách đi từ 10h đêm Hà Nội xuống chợ Viềng, lang thang khắp chợ mua sắm đến 6h sáng ngày mùng 8, rồi tranh thủ đi lễ tại Phủ Giầy rồi quay lại Hà Nội luôn. Dù thời tiết buổi đêm trong những ngày sau Tết rất lạnh, nhưng chị Vân và anh Sơn vẫn vui mừng vì mua được nhiều món đồ với giá rẻ báo hiệu một năm kinh doanh may mắn.

Tuyết Minh

TUYETMINH