Thanh Trì và trận đánh lớn của quân Tây Sơn

Xã hội - Ngày đăng : 10:13, 11/02/2008

Đông đảo nhân dân và du khách thập phương dự lễ kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa được tổ chức hàng năm tại di tích Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì).        (HNM) - Giữa tháng 6-1786, thành Phú Xuân thất thủ, tướng Trịnh là Phạm Ngô Cầu kéo cờ trắng ra hàng quân Tây Sơn. Biết tin này, triều đình Lê -Trịnh hết sức bối rối, gấp rút lo phòng thủ kinh đô. Trịnh Khải và tướng soái của mình không thể bỏ qua vùng đất hiểm yếu là huyện Thanh Trì, nằm liền kề góc đông nam của kinh thành.

Trịnh Khải vời quận Thạc (Hoàng Phùng Cơ) ở Sơn Tây về, sai làm tiền bộ quyết chiến với quân Tây Sơn, lại xuất 5000 lạng bạc để Hoàng Phùng Cơ mộ thêm một nghìn lính cũ.

Quận Thạc cùng với 8 người con đem quân bản bộ đóng ở hồ Vạn Xuân; Tứ thị thủy quân dàn thuyền ở bến Thúy ái. Nhà Chúa đem hết quân lính trong thành cùng đội tượng binh gồm 100 voi chiến ra bầy trận dưới lầu Ngũ Long, tự thân Chúa làm tướng để điều khiển.

Sau khi chiếm xong phố Hiến, nhân có gió nồm thổi mạnh, thủy quân Tây Sơn đã tiến đến bến Nam Dư (nay thuộc phường Trần Phú, quận Hoàng Mai), Nguyễn Huệ cho một cánh quân đổ bộ lên bến này, đi men theo đê sông Nhị, vòng lên đánh úp quân Trịnh ở bến Thúy Ái (nay thuộc phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai). Bấy giờ quân Trịnh cột thuyền lại rồi lên bờ đi tản mác ở bãi sông, chỉ có hai viên tướng là Ngô Cảnh Hoàn và Nguyễn Trọng Yêm đang ở dưới thuyền. Thấy quân Tây Sơn thình lình kéo đến, Ngô Cảnh Hoàn và Nguyễn Trọng Yêm vội cầm thanh long đao ra đứng ở mũi thuyền chống cự, nhưng đều bị pháo của quân Tây Sơn bắn chết, rơi cả xuống sông.

Diệt xong thủy quân Trịnh ở bến Thúy Ái, cánh quân Tây Sơn này tiến ngay sang hồ Vạn Xuân (nay thuộc phường Thanh Trì) tập kích quân Hoàng Phùng Cơ. Quân Hoàng Phùng Cơ đang ăn cơm, bị đánh bất ngờ, không kịp chống cự, chết ngổn ngang. Số còn lại nhảy xuống hồ Vạn Xuân, chết đuối rất nhiều. Thuộc tướng của Hoàng Phùng Cơ là Mai Thế Pháp cố sức đánh trả, bị quân Tây Sơn đánh dồn ra tận bờ sông Nhị. Thế cùng, Mai Thế Pháp phải nhảy xuống sông mà chết. Hơn 1500 quân chỉ còn sống sót vài chục, lại cùng Hoàng Phùng Cơ và 8 người con ra sức chống đỡ. Nhưng 6 người con của Hoàng Phùng Cơ và mấy chục lính này cũng bị chết. Hoàng Phùng Cơ phải nhảy khỏi mình voi, cùng 2 con sống sót, cố sức chạy thoát thân.

Sau hai trận đánh, cửa phía đông vào thành Thăng Longđã mở, quân Tây Sơn ào ạt tiến vào bến Tây Luông (gần Nhà hát Lớn). Sau một hồi chiến đấu, thấy bên mình chỉ còn trăm voi chiến, Trịnh Khải sợ hãi chui vào bao da sau bành voi, chạy trốn.

Tháng Một năm Mậu Thân (1788), viện cớ có lời xin cầu viện của Lê Chiêu Thống, nhà Thanh đem 20 vạn quân sang xâm lược nước ta. Chúng vội vã xây dựng một phòng tuyến phòng thủ vững chắc ở phía nam Thăng Long, trong đó có đồn Ngọc Hồi. Xung quanh đồn là lũy đất, có đặt địa lôi và chông sắt. Quân Thanh đồn trú khá đông, do Hứa Thế Hanh, một tướng giỏi chỉ huy.

Ngày mồng 4 tháng Giêng Kỷ Dậu, sau khi lấy gọn đồn Hạ Hồi, các đội quân chủ lực của Tây Sơn đã ém sát đồn Ngọc Hồi. Khi Nguyễn Huệ tới nơi, dân sở tại đem cỗ bàn, bánh trái ra khao quân và viết bốn chữ “Hậu lai kỳ tô”, có nghĩa “Vua đến thì dân sống lại”. Dân làng vui vẻ góp gỗ ván ghép thành 20 cái mộc lớn; lại lấy rơm bó thành những bó lớn để làm vật che đạn khi công đồn. Tại làng Nội Am, xã Liên Ninh có nghề chăn tằm, nhân dân đem những cái né có gài sẵn tua dấp nước phủ bùn để cho quân Tây Sơn làm giá chắn đạn. Mọi việc chuẩn bị cho trận đánh được giữ kín. Một số tháp canh của quân Thanh ở các làng quanh đồn Ngọc Hồi, trong đó có tháp canh trên cánh đồng Ma Vang, làng Đông Phù bị quân Tây Sơn đánh úp mà bọn chúng ở Ngọc Hồi vẫn không hề hay biết.

Ngày mồng 5, từ lúc trời còn chưa sáng, Nguyễn Huệ, cổ quấn khăn vàng, thân chinh cưỡi voi đốc chiến, cho hơn trăm voi đực tiến lên phía trước, quân cứng mạnh tiến theo sau, đánh kịch liệt hồi lâu. Quân Thanh cưỡi ngựa ra nghênh chiến, trông thấy voi ngựa đều hý lên, quay đầu chạy. Bộ binh quân Thanh bị voi chà đạp, phải rút vào đồn trại, giữ hào lũy.

Bốn mặt đồn, quân Thanh đều cắm chông sắt. Từ trong đồn, đạn và tên bắn ra như mưa. Quân Tây Sơn dùng những bó rơm lớn để che đỡ mà lăn xả vào, rồi quân tinh nhuệ tiến theo sau. Kẻ trước ngã người sau nối, thảy đều trổ sức liều chết mà chiến đấu. Các lũy quân Thanh đồng thời tan vỡ.

Đồn Ngọc Hồi bị san bằng, doanh trại quân Thanh bị hỏa hổ của quân Tây Sơn đốt cháy. Các tướng Hứa Thế Thanh, Trương Triều Long, Thượng Duy Thăng đều chết tại trận. Tàn quân Thanh hoảng hốt định chạy về phía đông nhưng trước đó vua Quang Trung đã sai một toán quân theo bờ đê Yên Kiện kéo lên mở cờ gióng trống nghi binh. Đến lúc quân Thanh chạy về phía ấy, thấy khí thế ấy càng thêm hoảng sợ, bèn tìm lối tắt theo đường Vịnh Kiều mà trốn. Chợt lại thấy tượng binh do đô đốc Bảo chỉ huy từ làng Đại Áng xông tới, quân Thanh hết hồn hết vía chạy bạt vào đầm Mực làng Quỳnh Đô (xã Vĩnh Quỳnh), quân Tây Sơn lùa voi giày đạp, địch chết hàng vạn.

Nghe tin thất bại ở Ngọc Hồi, Tôn Sĩ Nghị vội rút quân qua sông sang bờ Bắc. Khi qua cầu phao trên sông Nhị, quân bại trận xô lấn làm cầu gãy, chết đến vài trăm. Còn Sầm Nghi Đống đường cùng sức kiệt, quân cứu viện không có, bèn thắt cổ bằng chiếc thừng to ở dưới Loa Sơn.

Trưa mồng 5 tháng Giêng năm Kỷ Dậu (1789), Nguyễn Huệ và đô đốc Bảo tiến quân vào Thăng Long. Đô đốc Long đem quân từ thành ra đón. Chiếc áo bào màu đỏ của vua Quang Trung đã sạm đen màu thuốc súng.

Thế là, sau ba năm (1786 -1789) hai lần Nguyễn Huệ đem quân ra bắc. Lần thứ nhất “phò Lê diệt Trịnh”; lần thứ hai đánh tan hơn 20 vạn quân Thanh, lần nào Nguyễn Huệ cũng trực tiếp chỉ huy những trận đánh lớn diễn ra trên đất Thanh Trì.

219 năm đã qua, bãi chiến trường năm xưa nay đã thành khu dân cư trù phú. Tại cánh đồng phía nam làng Ngọc Hồi vẫn còn dấu tích đồn lũy và các địa danh Đồng Đồn, Nền Đồn, Cây Đa Đồn. Năm 1989, nhân kỷ niệm 200 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, tại đầu làng Ngọc Hồi, thành phố đã xây tượng đài chiến thắng với ba mũi tên hướng thẳng về phía Thăng Long, thể hiện ba mũi tiến công thần tốc của quân Tây Sơn. Gần đây, một đoạn quốc lộ 1, từ Ngọc Hồi qua thị trấn Văn Điển đã được HĐNDTP đặt tên là đường Ngọc Hồi.

Trần Văn Mỹ

ANHTHU