Bệnh tiêu khát
Xã hội - Ngày đăng : 12:44, 05/02/2008
Vị thuốc Thiên hoa phấn
Tìm đọc trong các bộ sách như: Nội kinh, kim Quỹ, Ngoại đài bí yếu, Y học nhập môn, Y tông kim giám, Tân biên trung y học khái yếu, Thiên gia diệu phương... của Trung Quốc. Sách thuốc của Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông, sách giáo trình Y học cổ truyền cho thầy thuốc, cho người học trên đại học về Đông y ở Việt Nam cũng đều ghi chép khá đầy đủ về triệu chứng, nguyên nhân, phương pháp chữa, bài thuốc chữa.
Y học hiện đại có tên gọi bệnh tiểu đường. Người bệnh có biểu hiện ăn nhiều, uống nhiều, đái nhiều, tăng đường trong máu (xét nghiệm máu lúc đói lượng đường cao hơn 135mg%), nhiễm toan máu (lượng dự trữ kiềm -RA- trong máu cao hơn 25mEq/lít. Nguyên nhân do thiểu năng Insulin, gây rối loạn chuyển hóa gluxit. Bệnh rất nhiều biến chứng, nan giải nhất là nhiễm khuẩn. Là 1/10 bệnh khó chữa trong y học hiện nay.
Cũng có 3 triệu chứng như ở Y học hiện đại nhưng Y học cổ truyền (Đông y), từ hơn 2000 năm trước đã tìm ra nguyên nhân của bệnh tiêu khát là do 2 kinh dương ngưng kết. Hai kinh dương là dương minh đại tràng chủ về tân dịch (chất thủy dịch trong cơ thể, chất dịch dinh dưỡng từ tinh hoa của đồ ăn uống), dương minh vị chủ về huyết tân (máu và tân dịch). Đây là 2 vật chất cực kỳ quan trọng nuôi dưỡng: tạng, phủ, cơ bắp, xương khớp, não tủy, mắt, taiv.v.... Đến đây cũng cần giải thích nghĩa của “tiêu khát”. Chữ tiêu (gồm bộ chấm thủy bên trái, chữ tiếu bên phải) mang nghĩa tiêu đi đã có trong tự điển, nó còn mang nghĩa thiêu đốt, thiêu nướng vật (huyết, tân dịch ở lục phủ, ngũ tạng...). Sách Y học nhập môn ghi: Tiêu là thiêu đốt, như lửa thiêu nướng vật từ bên trong (tiêu giả thiêu dã, như hỏa thiêu phanh vật lý giả dã). Huyết, tân dịch vốn thuộc thể lỏng, luôn lưu thông, khi bị lửa (hỏa tà) thiêu nướng làm gì chả bị “cô” đặc lại. Tạo nên sự ngưng kết là tất yếu. Khát là phản ứng của cơ thể yêu cầu “viện trợ” thủy dịch. Nhưng khát mà uống vào lại đái ra ngay là đã mang bệnh. Việc chữa bệnh cần tìm ra nguyên nhân. Đông y rất chú trọng cái gốc gây nên bệnh (trị bệnh tất cầu kỳ bản) và thường soi chiếu vào 8 cương lĩnh: Âm, dương, biểu, lý, hư, thực, hàn, nhiệt. Tìm những dấu hiệu hư, thực của khí huyết. Quan sát công năng của tạng phủ, người thầy thuốc thấy dấu hiệu của bệnh tiêu khát (hiện nay được quy vào bệnh danh tiểu đường ) còn hỏi khát mà thích uống nước lạnh là bệnh thuộc khí phận, khát mà thích uống nước ấm nóng là thuộc huyết phận. Thuộc khí phận thì dùng thuốc có tính hàn lương, thấm lợi để sửa trị nhiệt tà. Thuộc huyết phận thì dùng thuốc có tính ngọt ấm, vị chua để tư bổ thêm phần âm.
Căn cứ vào triệu chứng, áp dụng lý thuyết “tạng phủ thuộc tam tiêu” để ra đơn điều trị là 1 trong những phương pháp chữa bệnh tiêu khát của thầy thuốc Đông y. Các dấu hiệu, phiền táo, lưỡi đỏ, môi hồng, ăn ít, uống nhiều, đái nhiều, bệnh thuộc thượng tiêu tâm phế. Ăn ít còn được chia ra ăn ngon và không ngon miệng, người nghiện rượu khi có triệu chứng bệnh tiêu khát đều quy vào thượng tiêu. Thuốc dùng, bài Tứ vật hợp Sinh mạch tán (Bạch thược 10 gam, đương quy 8 gam, thục địa 10 gam, xuyên khung 8 gam, nhân sâm (hoặc đẳng sâm) 12 gam, ngũ vị tử 12 gam, mạch môn 8 gam ) gia thiên hoa phấn 12 gam, địa hoàng chấp 20 ml, ngẫu chấp 20ml, nhũ chấp 30ml. Người bệnh có tiền sử nghiện rượu gia cát chấp 30ml. Bệnh ở trung tiêu tỳ vị thì mau đói, không quá khát, đi tiểu luôn, màu nước tiểu đỏ, đại tiện phân rắn dùng bài Tứ vật thang, gia tri mẫu, hoàng bá, thạch cao , hoàng cầm, hoạt thạch. Nếu phát sốt dùng bài Điều vị thừa khí thang (Cam thảo 4 gam, đại hoàng 12 gam, mang tiêu 8 gam), sắc uống. Vừa biểu hiện chứng của thượng tiêu, vừa biểu hiện chứng của trung tiêu dùng bài Lan hương ẩm tử. Bệnh ở hạ tiêu thì khát dữ dội, nhưng uống vào lại đi đái ngay, nước tiểu đục, sánh như nước vo gạo đặc, bắp chân, vế đùi teo nhỏ, trơ xương đầu gối. Mặt sắc đen, tai đen úa, người gầy. Thuốc chữa chứng này, dùng bài Tứ vật thang, gia tri mẫu 6 gam, hoàng bá 8 gam, ngũ vị tử 6 gam, huyền sâm 6 gam, nhân nhũ chấp 20 ml. Người dùng thuốc ngũ thạch lâu gây dương vật cương cứng, tự xuất tinh, nước tiểu như mỡ nước, khát, đi lỏng hoặc không khát nhưng đi lỏng. Ăn uống, bồi bổ lại ra theo đường tiểu tiện như váng mỡ, người gầy mòn là hết cách chữa.
Bệnh tiêu khát do hư nhiệt (chứ không phải thực nhiệt ) nung nấu các tạng phủ: phế, tỳ, thận, vị (dạ dầy) nhưng khi chữa cần chú ý, mới bị thì bồi bổ phế, giáng tâm hỏa, bị đã lâu thì tư bổ tỳ, thận. Đông y quan niệm thận là gốc, phế là ngọn, phế , thận được “chăm sóc” thì hư hỏa không còn chỗ “nương thân”. Bài thuốc hay dùng là bài Thận khí hoàn (Hoài sơn, sơn thù, đều 16 gam; bạch linh, trạch tả, đơn bì, đều 12 gam; sinh địa 32 gam . Sinh địa nấu cao, các vị khác sấy khô tán thành bột mịn, trộn với cao sinh địa làm viên 0,03 gam, ngày uống 15 viên lúc đói với nước sôi để nguội ). Nhưng thận cần sự hài hòa với tỳ, tỳ được “quan tâm” thì tân dịch tự sinh. Dùng bài Sâm linh bạch truật tán (Nhân sâm, hoặc đẳng sâm, bạch linh, bạch truật, hoài sơn đều 12 gam, ý dĩ nhân, liên nhục, cát cánh, bạch biển đậu, sa nhân đều 6 gam, cam thảo 2 gam. Các vị sấy khô tán thành bột mịn, ngày uống 8 gam với nước sắc 3 quả táo Tầu ), để bồi bổ tỳ. Thuốc thường dùng chữa tiêu khát là vị văn cáp hoặc vị qua lâu căn tán thành bột mịn hòa nước uống 12 gam 1 ngàycó tác dụng phục hồi tân dịch làm ngừng khát. Chữa tiêu khát cần chú ý không dùng vị bán hạ vì thuốc gây khô táo (tân dịch). Không châm cứu vì châm cứu xuất hiện chứng rò, thoát gây nguy hiểm tính mạng.
ĐẶNG VĂN LỘC