Nam Sơn huyền thoại
Du lịch - Ngày đăng : 10:17, 02/02/2008
Tại đây, du khách được chiêm ngưỡng núi Rồng, còn gọi là Thần Long hay núi Dạm. Núi Rồng nhìn từ trên cao xuống tựa như một con rồng đang bay há miệng đớp viên ngọc. Núi Rồng là biểu tượng của các vị đế vương quyền lực vô song. Núi dài hơn 5km, vắt qua các thôn Thái Bảo, Tự Thôn, Sơn Trung và Triều Thôn. Thế kỷ XI thời nhà Lý, bà Nguyên phi ỷ Lan đã chọn trái tim rồng làm nơi xây dựng chùa Thần Quang mà người dân Nam Sơn vẫn gọi là chùa Đại Lãm hoặc chùa Cao. Chùa có quy mô hơn 100 gian, kiến trúc từ cao xuống thấp trùng trùng điệp điệp nối tiếp như 12 tòa sen tráng lệ, nguy nga, lộng lẫy, đồ sộ- là viên ngọc sáng chói xứ Kinh Bắc. Đây cũng là nơi tu hành, tĩnh tâm của các ông hoàng, bà chúa một thời vàng son. Cạnh chùa là đền Bà Tấm - nơi thờ Nguyên phi ỷ Lan và Vua Lý Thánh Tông. Đến thăm Nam Sơn đầy huyền thoại này, du khách còn được người địa phương chỉ cho biết chỗ cây thị, quán nước ngày xưa - nơi cô Tấm từ quả thị đi ra .
Vượt qua đoạn núi đồi, du khách sẽ đến ngay chùa cổ Hàm Long. Trước mặt chùa là núi Ngọc Rồng huyền ảo. Núi Ngọc Rồng như một chiếc án thư che chắn phía trước cho ngôi chùa. Chùa Hàm Long có 3tháp cổ, trong đó nổi tiếng nhất là tháp Hàm Long bằng đá, cao hơn 10m. Dưới chân núi, cạnh chùa là thôn Thái Bảo, nơi có đình Thái Bảothờ một ông quan người Nam Sơn đã làm đến chức Thái bảo Quận công.
Để tận hưởng phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, du khách đi dọc núi Rồng, phóng tầm mắt bao quát cảnh quan bốn phía, hoặc thả mình trên thảm cỏ xanh, gối đầu lên những phiến đá đủ hình thù với các gò đống nhỏ bé, nhấp nhô... để thư giãnhoặc ung dung bách bộ tới đuôi Rồng về Triều Thôn thăm đình, đền làng - nơi thờ 3 anh em Nguyễn Hồng, Nguyễn Tĩnh và Nguyễn Tuấn. Theo thần tích thì ba ông sinh ngày 7-7 năm Bính Thìn và đều tay dài quá gối, cốt cách hùng vĩ, văn võ song toàn. Năm 19 tuổi, ba ông được nhà vua cử đi đánh giặc. Kỵ binh, tượng binh, thủy binh, bộ binh cùng tiến, chỉ trong một trận tiêu diệt sạch quân thù, giải vây cho 10 vạn dân binh. Cả ba ông đều được nhà vua phong làm “Bình khẩu Thượng tướng quân” và cho trở lại cố hương để vinh quy bái tổ. Ba ông mở yến tiệc linh đình mời hết thiên hạ, không phân biệt già, trẻ, sang, hèn. Yến tiệc xong, ba ông ra núi Rồng ngắm cảnh. Tự nhiên trời tối sầm lại, giông bão nổi lên. Khi dân làng trở lại không thấy ba ông đâu, chỉ thấy có ba gò đống nổi lên như ba mộ phần để lại, đến nay vẫn còn đó là Đồng Ngấn, Đồng Tháp, Đồng Quốc. Đau đớn trước cảnh người anh hùng ra đi quá sớm, nhà vua xa giá từ kinh đô trở về Nam Sơn sắc phong ba ông làm “Đông hải Đại vương Thượng đẳng thần” và lệnh cho các thôn Sơn Trung, Tự Thôn, Triều Thôn lập đình, đền thờ.
Từ núi Rồng đi khoảng 3km dọc theo con đường trải nhựa, du khách sẽ tới được núi Phượng, nơi có chùa Bảo Quang (Bụt Mọc). ở thế đất linh kiệt này, Bụt đã hiện lên báo trước, người xưa cứ theo đó mà xây lên 100 gian chùa đồ sộ cùng nhà Tổ và thiền viên với 105 cây tháp cổ kính rêu phong trên đầu con phượng.
Chỉ trên một dải Thần Long, du khách đã được vãng cảnh 5 di tích lịch sử đã được xếp hạng, để rồi cảm nhận rõ hơn về một vùng đất đầy huyền thoại.
Vũ Linh
(Bắc Ninh)