Bước phát triển về nghệ thuật đánh địch trong thành phố

Chính trị - Ngày đăng : 07:57, 28/01/2008

(HNM) - Cách đây tròn 40 năm (1-1968), dưới sự lãnh đạo của Đảng, LLVTND đã cùng với quần chúng cách mạng mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt đánh vào hầu hết các đô thị, căn cứ quân sự, cơ quan chính quyền Mỹ-ngụy trên khắp miền Nam.

Nhân dân hân hoan chào đón quân giải phóng giữa thành phố Sài Gòn trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Ảnh: Tư liệu TTXVN

(HNM) - Cách đây tròn 40 năm (1-1968), dưới sự lãnh đạo của Đảng, LLVTND đã cùng với quần chúng cách mạng mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt đánh vào hầu hết các đô thị, căn cứ quân sự, cơ quan chính quyền Mỹ-ngụy trên khắp miền Nam.

Đây là đòn tiến công chiến lược bất ngờ nhất, quy mô lớn, rộng khắp, đánh dấu bước phát triển mới về nghệ thuật đánh địch trong thành phố của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Trước đây, trong kháng chiến chống Pháp, nhất là những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, chúng ta đã tiến hành đánh địch trong thành phố nhưng chủ yếu ở thế phòng thủ, đánh lại các cuộc tiến công của địch. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, quân và dân ta hoàn toàn ở thế chủ động tấn công vào hầu hết các đô thị, mục tiêu chiến lược trọng yếu được phòng thủ kiên cố của địch.

Ban đầu, trong kế hoạch Đông - Xuân 1967-1968, ta có ý định mở các đợt hoạt động quân sự như các Đông - Xuân trước, nhưng có nâng chỉ tiêu diệt địch ở mức cao hơn (diệt 3-5 lữ đoàn Mỹ, 3-5 sư đoàn ngụy, giải phóng 8-10 triệu dân ở nông thôn). Tuy nhiên, nếu cứ tiếp tục hướng cuộc tiến công vào địa bàn nông thôn, rừng núi và đánh theo cách đánh cũ thì không tạo được bước ngoặt lớn. Hơn nữa, trước đối tượng địch có hỏa lực mạnh, sức cơ động cao, khả năng tiếp ứng nhanh, chiếm ưu thế áp đảo trên không, trên sông, trên biển... như quân Mỹ thì phương án bao vây để tiêu diệt chiến lược đội quân này là không hiện thực. Để giáng đòn mạnh, bất ngờ, làm lung lay ý chí xâm lược của Mỹ, tạo ra bước ngoặt cho cách mạng miền Nam, Đảng ta chủ trương hướng sức mạnh chủ yếu của chiến tranh cách mạng vào các thành phố, thị xã, thị trấn, vào trung tâm đầu não địch(1). Đây là quyết định đúng đắn, táo bạo và rất sáng tạo của Đảng ta. Thành phố, thị xã là sào huyệt, đầu não chiến tranh, trung tâm chỉ huy, nơi dự trữ nhiều trang bị kỹ thuật, hạ tầng cơ sở của địch - là chỗ mạnh nhất của chúng, nhưng chỗ mạnh nhất cũng là nơi địch đang có sơ hở. Đánh vàonơihiểmyếu và nhạy cảm nhất, sẽ tạo ra ảnh hưởng lớn đến cục diện chiến tranh.

Thực hiện chủ trương trên, các chiến trường, các địa phương, nhất là tại các chiến trường trọng điểm, đã khẩn trương làm công tác chuẩn bị, điều động lực lượng, tổ chức lại chiến trường... theo yêu cầu, nhiệm vụ mới. Tại Khu trọng điểm Sài Gòn-Gia Định ta tổ chức thành 5 phân khu, đồng thời là 5 mũi tiến công vào nội đô. Đêm 30rạng ngày 31-1-1968, đúng Tết Mậu Thân, quân và dân ta đã đồng loạt tiến công vào 4 thành phố, 37 thị xã và hàng trăm thị trấn... trên toàn miền Nam. Những đòn tiến công vào Tòa Đại sứ Mỹ, Dinh Độc Lập, Bộ Tổng Tham mưu ngụy... tại Sài Gòn và 25 ngày đêm làm chủ thành phố Huế của quân và dân ta là một bất ngờ lớn, khiến cho địch không kịp trở tay, giới lãnh đạo Mỹ ở Oa-sinh-tơn ngày đó (trong lúc lực lượng Mỹ - ngụy và chư hầu còn đông tới 1 triệu 20 vạn tên) đã phải sững sờ, choáng váng. Đây là lần đầu tiên trong suốt nhữngnăm kháng chiến, chúng ta đã biến hậu phương, hậu cứ địchthànhchiếntrường của ta.

Cắm cờ mặt trận trên đồn bốt địch ở vùng ven thị xã Bến Tre.Ảnh: Tư liệu TTXVN

Trong Tết Mậu Thân, mục tiêu tiến công chiến lược chủ yếu không phải là các tập đoàn quân chủ lực lớn của địch, mà là các trụ sở hành chính, cơ quan đầu não chiến tranh của chúng từ trung ương đến địa phương. Đây là những mục tiêu hiểm yếu, nằm sâu trong hậu phương và đô thị của địch, được phòng thủ chặt chẽ bằng nhiều tầng, nhiều lực lượng, nhiều biện pháp và thủ đoạn hết sức tinh vi. Các đô thị có nhiều công trình kiến trúc kiên cố, có nhiều vật che khuất, che đỡ, khiến việc tác chiến lớn, đánh hiệp đồng quân, binhchủng khó khăn. Do đó, khi tiến công vào hệ thống dinh lũy của Mỹ - ngụy, ta không thể vận dụng cách đánh lần lượt từ ngoài vào trên từng hướng chiến lược, mà là kết hợp đánh từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong; đánh đồng loạt bằng nhiều hình thức, nhiều lực lượng cả quân sự, chính trị và binh vận, cả tiến công quân sự và nổi dậy của quần chúng, cả chiến tranh bằng các binh đoàn chủ lực và chiến tranh nhân dân địa phương. Đây là cách đánh độc đáo, sáng tạo phù hợp với điều kiện địa bàn, quy mô sử dụng lực lượng, phù hợp trình độ, sở trường của bộ đội và nhờ đó đạt hiệu suất chiến đấu rất cao, làm cho địch bất ngờ tuy lực lượng còn đông nhưng không có dự bị để chi viện ứng cứu cho nhau được.

Thực hiện cách đánh trên, đúng Giao thừa Tết Mậu Thân, pháo cối và rốc két của ta ở các địa điểm bí mật đã bất ngờ, đồng loạt dội bão lửa xuống các mục tiêu quy định, làm tê liệt các sân bay, sở chỉ huy, trung tâm truyền tin... của địch. Tận dụng thời cơ, các lực lượng đặc biệt tinh nhuệ bất ngờ đánh chiếm một số cơ quan đầu não tại trung ương và địa phương của địch ở đô thị làm bộ máy điều hành chiến tranh của chúng bị rối loạn. Từ các bàn đạp vùng ven, các tiểu đoàn mũi nhọn nhanh chóng đánh chiếm những mục tiêu được phân công, hỗ trợ đắc lực cho các lực lượng đặc công, biệt động chiến đấu. Một số tiểu đoàn đã tiến vào các mục tiêu nằm sâu trong nội thành, trụ lại đánh địch phản kích nhiều ngày. Đồng thời, các đội vũ trang, bán vũ trang của các ban, ngành, đoàn thể như thanh niên, phụ nữ... vừa cơ động đánh địch trên đường phố, vừa phát động quần chúng nổi dậy diệt ác, trừ gian đập tan chính quyền cơ sở của địch.

Ở vòng ngoài, các đơn vị bộ đội chủ lực ta chủ động đón đánh, tiêu diệt, kìm chân không cho các đơn vị chủ lực địch tăng viện vào vùng ven và nội thành, giữ phía sau cho các tiểu đoàn mũi nhọn. Đặc biệt, trước Tết Mậu Thân, ta đã chủ động mở một số chiến dịch ở vùng rừng núi miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên, Tây Trị -Thiên. trong đó chiến dịch Đường 9- Khe Sanh đã thu hút một bộ phận quan trọng quân chủ lực Mỹ lên chiến trường rừng núi, tạo thuận lợi cho đòn tiến công và nổi dậy ở các đô thị bị Mỹ - ngụy chiếm đóng. Tuy nhiên, do lần đầu tiên ta tổ chức tiến công trên địa bàn đô thị với quy mô rộng lớn nên sự phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng, các hướng, mũi chưa thật nhịp nhàng. Khi tình hình đã thay đổi, địch đã tăng cường lực lượng và phản kích mạnh, ta đã không nhạy bén xoay chuyển tình thế, điều chỉnh lực lượng, rút ra vùng nông thôn, tổ chức tiến công địch vòng ngoài để bảo toàn lực lượng và củng cố các cơ sở, mà nhiều nơi vẫn tổ chức tiến công dẫn tới gặp một số tổn thất.

Những thành công và chưa thành công trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân cùng nghệ thuật đánh địch trong thành phố đã trở thành bài học thực tiễn quý giá, làm phong phú kho tàng nghệ thuật quân sự Việt Nam, có ý nghĩa vận dụng sâu sắc trongchiếntranh bảo vệ Tổ quốc trong bất kỳ giai đoạn nào.

Tạ Quang

(1) Đại tướng Văn Tiến Dũng, bước ngoặt lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ. NXB Sự thật, H.1989, tr194.

ANHTHU