Tạo sự đồng thuận trong triển khai dự án đầu tư công
Xã hội - Ngày đăng : 06:27, 30/06/2022
Dự án trùng tu, tôn tạo trụ sở Tòa án nhân dân Tối cao ở số 48-48A Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm (giai đoạn 2) đã được Tòa án nhân dân Tối cao điều chỉnh tại Quyết định số 44/QĐ-TANDTC-KHTC ngày 16-3-2021. Dự án này liên quan đến 38 chủ sử dụng nhà đất (39 thửa đất). Thực hiện chỉ đạo của thành phố, UBND quận Hoàn Kiếm đã giao các cơ quan chức năng đã điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, ra thông báo thu hồi đất theo đúng quy định. Cùng với đó, tổ chức nhiều cuộc họp để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các hộ dân có đất bị thu hồi. Đến thời điểm hiện tại, 28/38 chủ sử dụng nhà đất đã nhận tiền bồi thường hỗ trợ; bàn giao mặt bằng cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hoàn Kiếm để bàn giao cho Tòa án nhân dân Tối cao thực hiện dự án.
Tùy theo diện tích và vị trí đất thu hồi, các hộ dân tại khu vực 48-48A Lý Thường Kiệt sẽ được nhận số tiền bồi thường tương ứng theo đúng quy định của Nhà nước. Trong đó, hộ dân được nhận số tiền bồi thường nhiều nhất là hơn 21,4 tỷ đồng và hộ có số tiền đền bù ít nhất là hơn 1,5 tỷ đồng. Đối với công trình hợp pháp xây dựng trên đất, các hộ dân được Nhà nước bồi thường với đơn giá xây dựng mới, tương đương hơn 6,8 triệu đồng/m2.
Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hoàn Kiếm Ngô Anh Toàn cho biết, một trong những vướng mắc thường gặp khi triển khai các dự án đầu tư công trên địa bàn quận là đều liên quan đến giá đất bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, việc xác định đơn giá bồi thường trên thực tế do rất nhiều cơ quan chức năng thẩm định, thực hiện và phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật. Những cơ chế, chính sách có lợi nhất cho người dân đều đã được các cơ quan chức năng của quận Hoàn Kiếm áp dụng. Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn 10/38 hộ dân có nhà đất bị thu hồi chưa đồng thuận với phương án bồi thường hỗ trợ.
Để tạo sự đồng thuận, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã tích cực vào cuộc tuyên truyền, vận động và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân. Bà Vũ Thị Chi, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm) cho biết, Tổ công tác thực hiện nhiệm vụ vận động người dân kiên trì gặp gỡ, trao đổi với từng hộ dân bị thu hồi đất. Nhiều hộ từ chỗ đóng cửa, từ chối tiếp Tổ công tác, sau này đã hợp tác với các cơ quan chức năng đo đạc, kiểm đếm diện tích và nhận tiền hỗ trợ, bồi thường của Nhà nước để sớm ổn định cuộc sống. Tổ trưởng tổ dân phố số 1 (phường Trần Hưng Đạo) Lương Thị Thu Hương chia sẻ: “Với 10 hộ dân chưa đồng thuận, chúng tôi sẽ tiếp tục kiên trì vận động để người dân hợp tác, hỗ trợ thành phố sớm triển khai dự án”.
Dự kiến từ nay đến cuối tháng 7, quận Hoàn Kiếm sẽ xem xét thực hiện cưỡng chế đối với trường hợp không hợp tác để bàn giao mặt bằng cho Tòa án nhân dân Tối cao theo quy định. Tuy nhiên, ngày buộc phải thực hiện cưỡng chế vẫn sẽ là ngày vận động cuối cùng để có được sự đồng thuận, nhất trí cao của người dân với kỳ vọng ngày cưỡng chế sẽ trở thành ngày hỗ trợ người dân chuyển nhà tới nơi ở mới như một số dự án mà quận Hoàn Kiếm đã thực hiện.
Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hoàn Kiếm Ngô Anh Toàn mong rằng, người dân đồng tình, ủng hộ quận thực hiện chủ trương lớn của Trung ương và thành phố để góp phần tạo quang cảnh tôn nghiêm tại trụ sở cơ quan bảo vệ pháp luật, bảo tồn một công trình xây dựng có giá trị lịch sử, kiến trúc, từ đó đóng góp tích cực để xây dựng Hà Nội theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.