Xây nhà từ... rơm, rác
Xe++ - Ngày đăng : 08:50, 19/01/2008
Ước mơ 10 năm
Sau hai, ba lần hẹn tôi mới gặp được chủ nhân của ý tưởng lạ lùng kia. Ông Lê Ngọc Hải, giám đốc doanh nghiệp tư nhân Lâm Mai (phường 6, quận 8, TP Hồ Chí Minh) tiếp khách ngay trong phòng làm việc ngổn ngang giấy tờ, vật liệu và những bản thiết kế công trình dân dụng.
Vốn là học sinh miền Nam tập kết, năm 1976, ông Hải tốt nghiệp khoa kết cấu trường Đại học xây dựng Hà Nội và được điều động về Viện thiết kế phía nam của Bộ Xây dựng tại TP Hồ Chí Minh. Dù đã tham gia thiết kế nhiều trụ sở cơ quan nhà nước hay chung cư cao tầng, nhưng những chuyến công tác vùng sông nước Cửu Long vẫn trăn trở trong người kỹ sư trẻ về một mái nhà cho bà con nơi đây thay cho những túp nhà tạm bợ bằng tre, lá. Năm 1992, Lâm Ngọc Hải rời bỏ cơ quan đi làm thầu xây dựng để có cơ hội thực hiện ý tưởng của mình. Ngoài giờ theo đuổi các công trình, ông tìm báo chí, tài liệu nước ngoài về những viên gạch không nung, nhẹ, chắc, bền nhưng chưa thấy loại vật liệu nào phù hợp. Năm 1997, một anh bạn từ Canada về nước có mang theo tài liệu về công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng không làm bằng nguyên liệu truyền thống. Nhìn viên gạch mẫu có thể nổi trên mặt nước, ông Hải vồ vập ngay và đặt vấn đề được chuyển giao công nghệ. Thế nhưng đến khi nhận được giá chào thầu của phía nước ngoài, mọi dự định của ông vụt tắt: phải có 3 triệu đôla Mỹ mới mong sở hữu công nghệ này! Không nản. Là “dân kết cấu”, ông Hải mang viên gạch mẫu ra “mổ xẻ”. Ông phát hiện, vật liệu này nhẹ vì bên trong làm bằng hạt nhựa xốp (loại dùng chèn TV, tủ lạnh), phía ngoài được bọc một lớp kim loại. Như vậy, ở ta khí hậu ẩm, dùng một thời gian tấm bọc ngoài sẽ han rỉ, hơi ẩm sẽ ngấm vào trong làm tấm xốp tích nước và “phá từ trong ra”. Vậy là công nghệ này không phù hợp với điều kiện Việt Nam, phải tìm hướng đi khác.
Một chuyến về miệt vườn, ông Hải nhìn những đống trấu đổ sát triền kênh nhiều năm mà vẫn không nát. Một tia sáng vụt lóe trong đầu: vỏ trấu nhẹ, xốp, có thể thay thế hạt xốp. Vỏ trấu chẳng con bọ nào ăn được thì nó phải bền rồi; vấn đề là ép nó lại thế nào. Về thành phố, ông Hải bắt tay ngay vào việc chế thử vật liệu xây dựng từ phế phẩm vô biên của nông nghiệp. Nhà có xưởng cơ khí nên việc làm khuôn, tạo máy với ông hết sức thuận lợi. Ngay từ những thử nghiệm đầu tiên, vật liệu từ trấu có khả năng chịu lực hơn hẳn. Qua nhiều giai đoạn tìm ra công thức “pha chế” để có thể sản xuất hàng loạt, cuối cùng ông Lâm Ngọc Hải đã thành công. Tháng 4-2006, “vật liệu xây dựng nhẹ không nung LaMai” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký độc quyền. Ước mơ của một kỹ sư đã thành sự thật.
Tiềm năng bao la
Bước đầu, ông Hải xây dựng xưởng sản xuất có công suất hơn 300 m2/ngày tại quận 11. Không chỉ có gạch, vật liệu xây dựng LaMai còn làm tấm cách âm, cách nhiệt, tấm pa-nen để dựng mái, lát sàn... Nghĩa là đủ vật liệu xây dựng nên một ngôi nhà cao tầng. Cái làm hài lòng bà con miền Tây nhất là loại nhà xây bằng thứ vật liệu này không sợ bị mối mọt, chịu được nước, thi công nhanh chóng. Và nếu nhà lỡ bị quy hoạch thì chủ nhân có thể tháo dỡ từng mảng để di dời mà không phải đập phá như nhà gạch thông thường.
Mới đi vào sản xuất đại trà chưa lâu nhưng ông chủ của LaMai đã phải tính đến những bước dài hơi khi mở rộng thị trường - đó là nguồn nhiên liệu. Ông Hải khoe: “Vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long không phải là vô hạn khi sắp tới nhà máy của tôi ở Long An vận hành với công suất tới 6.000 m2/ngày/ca. Là kỹ sư kết cấu, tôi đã thử trên nhiều loại cây cỏ khác nhau rất sẵn ở nông thôn. Bã mía sau khi ép đường, lá cây, cỏ khô trong vườn, cây lục bình (bèo tây) trên kênh rạch... phơi khô là được. Rõ ràng, mọi thứ quanh ta đều là nguồn nguyên liệu dồi dào bảo đảm cho sự nghiệp của chúng tôi”. Tuy nhiên, có một thứ phế phẩm mà ông “mê” hơn vỏ trấu - đó là mụn dừa, thứ mà người khai thác dừa đổ đi không hết nhưng lại có độ bám dính cao hơn vỏ trấu. Loại vật liệu trộn lẫn trấu và mụn dừa vừa bền chắc hơn, vừa rẻ tiền hơn.
Ông Hải tâm sự: “Ngoài xi măng và ít chất phụ gia, nguyên liệu chính của loại vật liệu nhẹ LaMai đều lấy từ thiên nhiên, từ trong nhà, đồng ruộng quê mình. Chúng tôi quan niệm, tất thảy mọi phụ phẩm của nông nghiệp, nông thôn đều có thể biến thành vật liệu xây dựng. Bảo vệ môi trường là động lực của cuộc “Cách mạng xanh” mà Nhà nước (và thế giới) đang hướng đến. Tôi mong Nhà nước quan tâm hơn đến các dự án không làm tổn thương môi trường như thế này. Đó cũng là cách giảm thiểu sự dịch chuyển cư dân từ nông thôn ra thành thị, để người nông dân gắn bó với quê mình, với sản phẩm của mình làm ra”.
Hồ Mạnh Hùng