Sắc xanh ở vùng chè Bắc Sơn
Xã hội - Ngày đăng : 06:31, 27/01/2023
Cây chè - nguồn thu nhập chính
Xuân về, nông dân xã Bắc Sơn vẫn miệt mài với công việc chăm sóc vườn chè.
Ông Nguyễn Quang Huy - một trong những hộ đầu tiên trồng chè theo hướng VietGAP tại xã Bắc Sơn - cho biết, trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP mất nhiều công sức, nhưng cho giá trị kinh tế cao gấp 3-4 lần so với trồng chè truyền thống. Trước đây, 1kg chè có giá 70.000-80.000 đồng thì nay đã lên đến 150.000-400.000 đồng. Với 2ha chè, mỗi năm gia đình ông bán ra thị trường hơn 2 tấn chè sạch, sau khi trừ chi phí, còn lãi hơn 400 triệu đồng. Điều đó càng khiến ông yên tâm theo đuổi việc trồng chè.
Còn theo bà Dương Thị Liên ở thôn Phúc Xuân (xã Bắc Sơn), trước đây, với 2 sào trồng khoai, sắn, thu nhập rất thấp. Bốn năm trở lại đây, gia đình bà chuyển sang trồng chè theo hướng an toàn. Hiện mỗi tháng cây chè cho thu hoạch khoảng 30kg lá chè tươi, mang lại nguồn thu ổn định cho gia đình.
Thời điểm hiện tại, xã Bắc Sơn có khoảng 250ha chè với hơn 1.500 hộ dân trồng chè. Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Bắc Sơn Đào Thị Quý, cây chè phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng cao và là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân trong xã. Người dân Bắc Sơn đã được hướng dẫn cách thức trồng, chăm sóc cây chè theo hướng VietGAP và được Sở NN&PTNT Hà Nội hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể "Chè an toàn Bắc Sơn". Những năm trở lại đây, giá trị sản phẩm chè Bắc Sơn từng bước được nâng cao và được người tiêu dùng đón nhận.
“Bên cạnh đó, sản phẩm chè của Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Bắc Sơn được đánh giá, công nhận, xếp hạng trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP nên càng có vị thế trên thị trường, giá bán cao hơn. Giá trị kinh tế từ cây chè trên địa bàn đạt 390-550 triệu đồng/ ha/năm. Qua đó, nâng cao đời sống người dân, góp phần quan trọng vào thành công của Chương trình xây dựng nông thôn mới của xã Bắc Sơn”, bà Đào Thị Quý cho biết thêm.
Tập trung sản xuất theo hướng an toàn
Chè đã trở thành loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân vùng đất đồi gò. Tuy nhiên, để phát triển theo hướng hàng hóa, năng suất, chất lượng cao, vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa góp phần bảo vệ môi trường, các ngành chức năng của thành phố Hà Nội cần hỗ trợ nông dân liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, trước hết là tham gia vào các kênh phân phối hiện đại; rồi khâu quản lý, giám sát chặt chẽ quy trình sản xuất, chế biến sản phẩm.
Theo bà Nguyễn Thị Huyền ở thôn Phúc Xuân (xã Bắc Sơn), từ năm 2015, nhãn hiệu tập thể “Chè an toàn Bắc Sơn” đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận. Tuy vậy, từ đó đến nay, nông dân trồng chè ở Bắc Sơn vẫn chủ yếu bán sản phẩm thô cho các thương lái đến từ tỉnh Thái Nguyên. Do đó, trong năm mới này, các hộ dân nơi đây đều có chung mong muốn là ngành Nông nghiệp Thủ đô tiếp tục hỗ trợ nông dân về khoa học kỹ thuật trồng chè an toàn; đồng thời kết nối với các doanh nghiệp, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm chè Bắc Sơn.
Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn Đặng Xuân Thụy cho biết, để phát triển bền vững nghề trồng chè trên địa bàn, thời gian tới xã tiếp tục hỗ trợ nông dân đẩy mạnh xúc tiến thương mại chè sạch Bắc Sơn và sản xuất theo hướng an toàn, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh…
Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Thị Hà thông tin, xã Bắc Sơn là vùng canh tác chè lớn nhất của huyện Sóc Sơn. Do đó, huyện tiếp tục hỗ trợ Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Bắc Sơn về sản xuất, bảo vệ thương hiệu; tham gia các hội chợ quảng bá, xúc tiến thương mại, qua đó ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, siêu thị...
Thời gian tới, cùng với việc tiếp tục vận động, hỗ trợ nông dân mở rộng diện tích giống chè mới thay thế giống cũ; nhân rộng diện tích thâm canh chè theo hướng an toàn, VietGAP để tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn, huyện Sóc Sơn sẽ tập trung hỗ trợ nông dân đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, thâm canh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng.
Mặt khác, huyện Sóc Sơn sẽ nhân rộng các mô hình liên kết, hạn chế tối đa việc tiêu thụ sản phẩm chè thô, tăng cường sơ chế, chế biến sản phẩm tinh nhằm gia tăng giá trị kinh tế cho người dân từ trồng chè.
Những vườn chè xanh trải dài không chỉ góp phần tạo nên diện mạo và sức sống mới cho vùng đất Bắc Sơn mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao và mở ra hướng phát triển mới cho người dân nơi đây. Trồng chè theo hướng an toàn, VietGAP vừa cải thiện thu nhập, vừa góp phần bảo vệ môi trường sống cho con người. Mô hình trồng chè ở Bắc Sơn cần được nhân rộng để Hà Nội có thêm nhiều vùng sản xuất hàng hóa phát triển theo hướng kinh tế xanh, bền vững.