Làng Ngọc Lâm

Xã hội - Ngày đăng : 15:17, 02/01/2008

(HNMO)-Làng Ngọc Lâm tên Nôm là Cầu Cả - vốn là một bộ phận của sở Hoa Lâm (hay Tràng Lâm hoăc Trường Lâm) - một sở đồn điền của nhà nước phong kiến hình thành từ thời Vua Lê Thánh Tông (1460- 1497).

(HNMO)-Làng Ngọc Lâm tên Nôm là Cầu Cả - vốn là một bộ phận của sở Hoa Lâm (hay Tràng Lâm hoăc Trường Lâm) - một sở đồn điền của nhà nước phong kiến hình thành từ thời Vua Lê Thánh Tông (1460- 1497).

Khi sở này chuyển thành một xã cùng tên (thời Thiệu Trị, 1841 - 1847) thì Ngọc Lâm - Cầu Cả trở thành một thôn của xã này, thuộc tổng Gia Thụy, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc (từ năm Minh Mạng thứ 12 - 1831 đổi thành tỉnh Bắc Ninh). Năm 1902, thôn được nâng lên thành một xã độc lập và cắt về thành phố Hà Nội, nhưng sau đó một thời gian ngắn lại chuyển về tỉnh Bắc Ninh. Đến năm 1940, lại trở thành một thôn của xã ái Mộ Năm 1928, làng có 242 nhân khẩu (chỉ tính dân “chính cư” trong làng).

Ngọc Lâm cùng các làng ái Mộ, Phú Viên (Bồ Đề) nằm ở cửa ngõ phía Bắc Kinh thành Thăng Long xưa, tức khu vực nội thành cũ, đầu mối của các tuyến giao thông quan trọng từ Kinh đô đi các trấn (tỉnh) phía Bắc và phía Đông, nên sớm trở thành nơi buôn bán sầm uất. Thời Pháp thuộc, sau khi cầu Long Biên ở giáp địa phận làng được xây dựng (năm 1902), hoạt động công thương nghiệp của làng càng sầm uất hơn do làng có chợ, bến xe khách đều ở ngã ba Cầu Chui hiện nay; gần như toàn bộ làng đã trở thành phố Ngọc Lâm, là phố hình thành đầu tiên ở bờ Bắc sông Hồng. Trên phần đất của làng Ngọc Lâm và làng ái Mộ, vào đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp lập ra Nhà máy xe lửa Gia Lâm (trụ sở hiện nay là số nhà 551 phố Nguyễn Văn Cừ). Diện tích ban đầu của Nhà máy chừng 50 ha, trong đó diện tích nhà xưởng là 4. 462 mét vuông, có 14 chỗ lắp đầu máy, có khoảng 300 công nhân làm vịêc tại đây, chủ yếu sửa chữa toa xe, đầu máy hơi nước và đầu máy đi - ê - den. Năm 1940, xuất hiện Nhà máy Rượu Gia Lâm của một tư nhân. Năm 1936 có rạp hát.

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Ngọc Lâm thuộc khu Ngọc Thụy. Hoà bình lập lại thuộc quận VIII ngoại thành Hà Nội. Năm 1961, khi tổ chức lại bộ máy hành chính Hà Nội, phần lớn đất đai làng Ngọc Lâm thuộc thị trấn Gia Lâm, một phần thuộc xã Hồng Tiến (tức phường Bồ Đề hiện nay). Tháng 11 - 2003, thị trấn Gia Lâm đổi thành phường Ngọc Lâm thuộc quận Long Biên mới được thành lập.

Năm 1947, sau một thời gian chiếm đóng được Hà Nội, để tăng cường đàn áp phong trào kháng chiến của nhân dân ta, thực dân Pháp lập trên đất làng Ngọc Lâm “Trại giam tù binh số 21”, tức “Nhà tù nhà máy rượu Gia Lâm”, sau đó lần lượt đổi tên là Trại tù binh (Camp) số 44, Trai tù bình số 21. Trại này nằm trong khu vực tập trung lực lượng lớn quân đội viễn chinh Pháp để bảo vệ trục giao thông đường số 5, cầu Long Biên và sân bay Gia Lâm nên được coi là an toàn, vì vậy lúc đông nhất, thực dân Pháp đã giam đến gần 3000 chiến sĩ và đồng bào yêu nước của ta. Bộ máy quản lý trại giam gồm 1 giám thị Pháp, 1 cai xếp, 1 thư ký và 1 tiểu đội lính canh gác.Sau hòa bình lập lại, khu vực nhà tù nhà máy rượu giao cho Bộ Thương mại quản lý, chỉ giữ lại 2 cột cổng trụ gạch nhìn ra phố Long Biên, 1 tháp nước, 4 giếng nước làm chứng tích, đến ngày 15 - 01 - 2004, UBND thành phố Hà Nội ra Quyết định số 330 - QĐ - UB gắn biển Di tích cách mạng kháng chiến cho di tích này.

Ngày nay, Ngọc Lâm đang được đô thị hóa mạnh mẽ. Dấu tích của làng quê xưa chỉ còn là ngôi đình làng, thường gọi là đình Cầu Cả, nhìn hướng Tây, gồm 3 gian xây bít đốc. Đình thờ Linh Lang đại vương, vốn là Hoàng tử Hoàng Chân - con trai của Vua Lý Thánh Tông có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống năm Bính Thìn - Đinh Tỵ (1076 - 1077). Kề cận đình là chùa của làng, tên chữ là Linh Quang tự, hợp thành quần thể kiến trúc, tín ngưỡng “tiền thần, hậu Phật”. Chùa đã từng bị tàn phá nặng nề trong kháng chiến chống Pháp. Đến năm 1969, nhà chùa cùng dân làng dựng lại ngôi chùa nhỏ hẹp. Hiện tại, chùa có kết cấu chữ Đinh (chuôi vồ), gồm Tiền đường và Thượng điện. 

PGS, TS. Bùi Xuân Đính

TUYETMINH