Nỗi niềm cái tên thời hiện đại

Xã hội - Ngày đăng : 09:50, 01/01/2008

(HNM) - Hànộimới đã từng đề cập tới việc đặt tên với những câu chuyện cảm động về gia đình gắn liền với chuyện đất nước. Nhưng ngày nay, đặt tên trở thành một dịch vụ, thậm chí liên quan đến cả vận mệnh con người.

(HNM) - Hànộimới đã từng đề cập tới việc đặt tên với những câu chuyện cảm động về gia đình gắn liền với chuyện đất nước. Nhưng ngày nay, đặt tên trở thành một dịch vụ, thậm chí liên quan đến cả vận mệnh con người.

Và có nhiều người (đa phần là phụ nữ) vì “sự bình yên đối với gia đình” đã làm cả lễ đổi tên mà cha mẹ đã đặt cho. Nhà văn hóa Hữu Ngọc nghe chuyện, bảo “tôi ở giữa Hà Nội bao lâu nay mà cũng chưa nghe thấy chuyện này. Các anh, chị viết đi, đợi gì nữa”…

Theo một “chuyên gia” đã từng làm dịch vụ này để đến nhà một thầy, thì thấy quả đông. Trên giường, dưới chiếu quãng hơn chục người chờ đợi trong căn phòng chừng hơn chục mét vuông nhấp nháy đèn, hoa. Quãng một nửa là đến xem mệnh qua tên và xin lễ đặt tên. Đáng nói: 100% khách là phụ nữ. Phụ nữ muôn đời lo cho cái gia đình nhỏ bé của mình bằng nhiều cách, sẵn sàng xả ví, xả thân vì sự bình yên cho chồng con. Và thầy “túm” chắc được tâm lý ấy thả sức “phán”. 100% khách hàng xem tên hôm ấy đều có chung một lời kết: “cuộc sống bản thân, chồng, con sẽ không ổn, phải làm lễ đổi tên”, đương nhiên mức độ nặng nhẹ khác nhau, song đều làm chị em “run rẩy” như nhau.

Chị thì có nguy cơ điên loạn vì mang tên một loài hoa, mà lại là hoa cắm trên bàn thờ, chưa kể còn phạm húy tên cung phi có tiếng ngày xưa. Chị chưa sinh nở được cũng vì cái tên ấy, đổi tên đi là đẻ được ngay, đúng ra tuổi chị là phải “đẻ như gà”. Chị khác, tên mình, tên chồng đều phiêu lãng như mây gió, lại đứng chữ đệm mang nghĩaly tán thế này rồi thì lại “hai lần đò”. Chị nữa tuổi con này, lẽ ra phải đi trên mặt đất, tên lại sông nước thế kia thì cũng lại khổ thôi, con cái lại mất cha, mất mẹ...

ù tai, hoa mắt, đã đến đây thì không thể không tin thầy, phải làm lễ đổi tên như thầy nói thì mới mong tránh được tai họa sau này. Hỏi đến tiền, thầy “đong đưa”: “càng nhiều càng nhanh đẻ được”. Hỏi lại lần nữa, thầy rành rọt: 50 nghìn một người, đổi tên cho hai vợ chồng cộng với hai con là 200 nghìn. Cứ thế, các chị khác cũng đều 200 nghìn cả.

200 nghìn đồng mà rước được cả vận tốt về nhà - thật “không đáng là bao”. Nhưng cứ quan sát mọi thứ, cứ nghe thầy nói, nhất là lúc thầy đang “thăng”, vợ thầy bán hàng ngoài ngõ, vào, quát thầy một chập, là lại thấy có cái gì đó “lăn tăn”... Người Việt, hay người á Đông nói chung có văn hóa tâm linh không thể phủ nhận được. Nhưng đứng trước tâm linh phải làvăn hóa.

Một nhà nghiên cứu lịch sử xấp xỉ 40, mới có con giai và mới đặt tên cho con xong bảo: chuyện đặt tên từ xưa đến nay ít nhiều có những nguyên tắc nhất định, như không phạm húy Thành hoàng, người trong họ... song chẳng đến mức rối rắm như thế. Còn suy nghĩ, tìm kiếm một cái tên có ý nghĩa, gửi gắm tình cảm, niềm hy vọng của cha, mẹ với con thì thử hỏi có phụ huynh nào không thế ?Về chuyện mua lễ vật của thầy, cộng hương hoa làm lễ đổi tên với gia tiên (trên giấy khai sinh vẫn thế) nhà nghiên cứu trẻ tếu táo: “Đấy là mình tự ý đổi, nhưng chắc gì các cụ đã đồng ý. Ngày xưa khi cúng vẫn xưng tên này, giờ vẫn cái mặt ấy, lại xưng tên khác, các cụ mắng chết”.

Nhà văn hóa Hữu Ngọc thì đã nói về chuyện đặt tên trong cuốn “à la découverte de la culture Vietnamienne” (Khám phá văn hóa Việt Nam) vừa mới xuất bản. Ông nói thêm: “Một người bạn tôi làm luận án tiến sĩ về văn hóa Nhật Bản và Việt Nam đã nhận định: thứ tự ưu tiên trong văn hóa Nhật Bản là quan hệ bạn bè, gia đình, công việc. ở Việt Nam thì đổi lại: quan hệ gia đình là trên hết rồi đến bạn bè và công việc sau cùng. Quan hệ trong gia đình, trong đó có việc đặt tên có tính chất thiêng liêng, gắn liền với truyền thống gia đình, họ tộc. Vợ, chồng đặt tên cho con là một hành động tâm linh, thể hiện cả ước mong tâm linh của bố mẹ.Do đó, tự nhiên vô cớ đổi tên là phạm vào điều tâm linh. Nói nặng, như ngày xưa là tội bất hiếu. Còn ngày nay, nó thể hiện cả sự thiếu tự tin của con người.

Nhà nghiên cứu Vũ Khiêu mới nghe qua câu chuyện đã nói: “Chuyện nhảm nhí. Đã đặt rồi đổi sao được”. Nhưng quan trọng hơn, ông chia sẻ: “Đây là một trong những dạng mê tín dân gian trong thời hiện đại”.

Rõ là, một câu chuyện tưởng chỉ là của gia đình nhưng lại chạm tới nhiều vấn đề xã hội.

Hà Dương

ANHTHU