Tên lửa SAM - 2 Nỗi kinh hoàng của không lực Mỹ

Xã hội - Ngày đăng : 06:51, 29/12/2007

(HNM) - Bảo tàng PK-KQ hiện đang lưu giữ rất nhiều tư liệu, hiện vật ghi lại chiến công của bộ đội Tên lửa trong 12 ngày đêm tháng Chạp năm 1972.

Tên lửa SAm - 2 trong khuôn viên Bảo tàng Phòng không - Không quân. Ảnh: Việt Khánh

(HNM) - Bảo tàng PK-KQ hiện đang lưu giữ rất nhiều tư liệu, hiện vật ghi lại chiến công của bộ đội Tên lửa trong 12 ngày đêm tháng Chạp năm 1972.

Đó là các hệ thống bệ phóng tên lửa, đài điều khiển Đơ-vi-na của Tiểu đoàn 59, Tiểu đoàn 61 thuộc Trung đoàn 261 và 236 đã sử dụng cơ động trên các chiến trường, bắn tan xác những chiếc máy bay B.52 chiến lược và máy bay chiến thuật của không lực Mỹ trên bầu trời Hà Nội trong 12 ngày đêm cuối năm 1972.

Tháng 6 năm 1963, do tình hình chiến sự khẩn trương, Bộ Quốc phòng đã quyết định thành lập một đơn vị đặc biệt gọi là 228B và quyết định triển khai học tập chuyên ngành tên lửa ngay tại Việt Nam. Ngày 7-1-1965, Trung đoàn Tên lửa 236 được thành lập và nhanh chóng bước vào huấn luyện binh chủng. Ngày 24-7-1965, hai tiểu đoàn 63 và 64 thuộc Trung đoàn Tên lửa 236 ra quân đánh thắng trận đầu, bắn rơi tại chỗ một chiếc F-4 (chiếc máy bay Mỹ thứ 400 bị bắn rơi trên miền Bắc). Đó là chiến thắng trận đầu của tên lửa SAM- 2 tại Việt Nam. Trong suốt những năm chiến đấu chống đế quốc Mỹ, chúng ta đã được nước bạn Liên Xô giúp đỡ xây dựng hàng chục trung đoàn tên lửa SAM với đầy đủ khí tài, bao gồm cả cơ số dự bị. Bộ đội Tên lửa đã bắn rơi hơn 800 máy bay gồm nhiều kiểu loại của không quân chiến lược và chiến thuật của Mỹ. Trong chiến dịch tập kích của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng tháng 12-1972, toàn quân và dân ta đã chủ động đánh trả quyết liệt, hoàn toàn giành quyền chủ động cả về chiến lược, chiến dịch và chiến thuật. Với tỉ lệ B.52 “rụng như sung” trong trận tập kích, phi công Mỹ đã coi tên lửa SAM-2 của Bắc Việt chẳng khác nào “khắc tinh của B.52”.

Tên SAM-2 (Surface to Air Missile Type 2) (tên lửa đất đối không kiểu 2) quen thuộc thực ra lại là ký hiệu do Mỹ và NATO đặt ra để gọi loại tên lửa phòng không có ký hiệu CA-75 của Liên Xô sản xuất từ những năm 50. SAM-2 còn được gọi là Đơ-vi-na (tên một con sông nước Nga) ký hiệu CA-75M, cải tiến từ SAM-1 được Liên Xô giúp trang bị cho Việt Nam từ đầu năm 1965. Bản thân SAM-2 có tính năng bắn rơi mục tiêu ở độ cao 27 km, độ xa 34 km, vượt hơn hẳn tầm bay cao của B.52. Đầu đạn SAM-2 chứa một khối lượng thuốc nổ bằng 200 kg TNT. Khi viên đạn bay lên, còn cách mục tiêu 60 m, hiệu ứng vô tuyến sẽ kích thích đầu đạn tự nổ. Nếu “dính” SAM-2, máy bay địch sẽ cùng một lúc phải chịu đựng sức dồn ép cực mạnh của sóng xung kích và sức nóng hàng ngàn độ của một quả cầu lửa bùng lên, với số lượng 12 nghìn mảnh đạn phóng ra.

Các vũ khí của Liên Xô đã được khai thác tính năng dưới sự điều khiển tài tình và kinh nghiệm phối hợp nhuần nhuyễn với ra đa của bộ đội tên lửa Việt Nam. Trong chiến đấu, khí tài tên lửa đạt hiệu quả cao. Đặc biệt, bộ đội tên lửa của ta đã sử dụng yếu tố bất ngờ, phục sẵn trên các tuyến không phận có thể bay của không quân Mỹ và trở thành lực lượng chủ lực bắn rơi 29 chiếc B.52 trong tổng số 34 chiếc B.52 bị quân dân ta tiêu diệt trong trận tập kích vào Hà Nội năm 1972.

Lầu Năm Góc nhiều phen chết lặng vì khủng khiếp trước con số máy bay bị bắn rơi quá nhiều. Ngoài ra, đi đôi với tổn thất máy bay, Mỹ còn chịu thêm tổn thất về người lái. Chỉ trong vòng 12 ngày, không lực Mỹ đã có nhiều phi công bị bắt, bị chết cùng máy bay và mất tích. Mỗi phi hành đoàn của B.52 có 6 người, vì vậy khi B.52 rơi là có 6 phi công phải nhảy dù hoặc chết theo máy bay. Phần lớn những phi công bị chết và bị bắt đều là những phi công kỳ cựu, có giờ bay rất cao, có tên hơn 6.000 giờ bay. Các trường huấn luyện của không lực Mỹ dù có tài giỏi tới đâu cũng không thể nào kiếm ra được đủ số phi công để bổ sung cho kịp.

Đại úy phi công lái máy bay B.52 Rô-bớtE-uôn-phơ bị bắn hạ đã khai: “Chúng tôi biết vùng trời Hà Nội được phòng thủ bằng 30 vị trí tên lửa SAM-2 được thiết kế đặc biệt để bắn B.52 ở độ cao mà máy bay thường bay”. Còn Ri- sớt Tô-mat Sim-xơn, đại úy, sĩ quan điện tử bị bắn rơi đêm 28-12-1972 thì mô tả: “Máy bay của chúng tôi bị trúng SAM-2. Tôi chỉ kịp nghe hai tiếng “búp, búp”, biết rằng hai tên ngồi trên ca bin đã nhảy dù rồi. Tôi kéo mạnh móc sắt để nhảy dù, chẳng kịp gọi thằng ngồi đằng sau nữa… Lạy chúa, tất cả chỉ diễn ra trong vòng 15 phút (tính đến khi chạm đất), 15 phút khủng khiếp nhất của đời tôi. Tại căn cứ An-đéc-xơn trên đảo Guam, trước tình trạng B.52 bị bắn rơi liên tục, nhiều toán phi công đã cáo ốm và không dám bay. Họ nói: “Không thể đi tự sát bằng B.52”. Thiếu tá hoa tiêu Giêm Con-đan 38 tuổi, bị bắn rơi ngày 27-12-1972 nói: “Chuyến nào cũng cómáy bay không trở về. Không khí ủ dột bao trùm An-đéc-xơn. Không ai cười, không đùa, không nói to, không chạm cốc. Không khí căng thẳng, không ai thèm nói gì về Nô-en, năm mới…”. Tạp chí “Không lực Hoa Kỳ” cũng đã phải cay đắng thừa nhận: “B.52 đã được tung ra với số lượng lớn chưa từng có, để cuối cùng Tổng thống phải chấp nhận một kết cục bi thảm chưa từng thấy!”.

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Bác Hồ, trên nền tảng sự sáng tạo cùng hào khí chiến đấu mãnh liệt của quân, dân ta, bộ đội tên lửa đã vượt qua bao thử thách, gian khổ hy sinh, hoàn thành sự nghiệp vinh quang, góp phần quan trọng đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của không lực Mỹ. Qua đó khẳng định sức mạnh quật cường, ý chí bất khuất của dân tộc Việt Nam với bạn bè thế giới và xây dựng Quân chủng PK-KQ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Đinh Thị Minh Hằng (Bảo tàng PK-KQ)

ANHTHU