Phân ban còn khiên cưỡng

Giáo dục - Ngày đăng : 21:45, 27/12/2007

Hình thức phân ban được áp dụng một cách khiên cưỡng, chương trình phân ban quá tải đối với học sinh và thầy cô. Cần thiết kế và xây dựng một chương trình phổ thông vừa khoa học, vừa mang tính đặc trưng của Việt Nam nhưng lại hội nhập được với thế giới...

HS đang học theo chương trình phân ban

Hình thức phân ban được áp dụng một cách khiên cưỡng, chương trình phân ban quá tải đối với học sinh và thầy cô. Cần thiết kế và xây dựng một chương trình phổ thông vừa khoa học, vừa mang tính đặc trưng của Việt Nam nhưng lại hội nhập được với thế giới...

Đó là những kiến nghị của các giáo viên, nhà quản lý giáo dục về chương trình phân ban tại Hội nghị "Tình hình thực hiện phân ban THPT" diễn ra tại TP.HCM trong hai ngày 25, 26/12. Hội nghị do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức.

Phân ban còn khiên cưỡng 

Mở đầu hội nghị, GS.TSKH Đào Trọng Thi – Chủ nhiệm UB VHGDTNTNNĐ của Quốc hội nhận xét: “Hiện nay, việc xác định các môn phân ban còn nhiều bất cập. Môn Ngoại ngữ thường được gắn vào ban C nhưng thi ĐH, CĐ khối C lại không có môn Ngoại ngữ. Và thực tế là ngành học nào cũng cần có Ngoại ngữ”.

Hầu hết các đại biểu đều lo lắng cho số phận của ban C. Bởi thực tế hiện nay, khá ít học sinh chọn học ban này. Tại trường THPT Vũng Tàu hàng năm, trường có không quá 18 học sinh thi ĐH khối C.

Theo bà Nguyễn Thị Anh Phương, GĐ Sở GD - ĐT Lâm Đồng: "Phân ban như hiện nay còn ôm đồm trong yêu cầu giáo dục toàn diện. Chính vì thế, cần có sự phân hóa mạnh hơn về thời lượng, phân hóa về hệ số điểm giữa môn chính ban và không chính ban. Điều này sẽ giúp học sinh biết mình ngồi đúng hay nhầm ban."

Và với tình hình thực tế hiện nay, bà Phương khẳng định: "Việc xuất hiện ban cơ sở là một giải pháp tình thế. Vì theo xu thế nến chỉ có hai ban như ban đầu thí điểm thì rất khó để tuyển sinh vào ban khoa học xã hội nhân văn."

Còn ông Lê Quốc Hùng - Hiệu trưởng Trường THPT Vũng Tàu - chia sẻ: “Ban Cơ bản là ban được nảy ra từ “sáng kiến” sau cùng khi mà việc thí điểm phân ban với 2 ban Khoa học tự nhiên và Khoa học Xã hội - Nhân văn không thuyết phục, thậm chí bế tắc. Do vậy, chương trình phân ban (3 ban) bây giờ rơi vào việc không khoa học, mang nặng tính cảm tính và áp đặt, vừa hời hợt vừa quá tải. Học sinh học nhiều môn mà không đến nơi đến chốn, phân tiết mang tính “cào bằng chủ nghĩa”; xé lẻ cho mỗi môn học thêm nửa tiết 1 tuần cho đỡ thắc mắc, cãi vã…”

Và đang quá tải

Dưới góc độ nhà quản lý, bà Nguyễn Thị Anh Phương cho rằng: "Tình hình phân ban như hiện nay còn quá ôm đồm. Từ đó dẫn tới tình tạng quá tải, học sinh phải học nhiều nhưng kiến thức không chuyên sâu."

Cụ thể như môn Anh văn, với tổng số 16 đơn vị bài học trên một năm học và mỗi tuần chỉ có 3 - 4 tiết học là quá tải đối với phần lớn học sinh. Các kỹ năng đọc, viết chưa khai thác hết độ sâu kiến thức. Kết quả là học sinh có vẻ học nhiều nhưng kiến thức động lại không có hệ thống và thiếu nền tảng cơ bản.

Với góc nhìn từ một giáo viên, bà Nguyễn Thị Thu Cúc - Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định (TP.HCM) – cho biết: “Qua nhận xét của thầy cô trong các tổ bộ môn, nội dung chương trình phân ban quá nặng, phần nhiều mang tính lý thuyết và chuyên sâu so với yêu cầu kiến thức phổ thông.

Đặc biệt, sự quá tải ngày càng trầm trọng khi nội dung thì càng nhiều nhưng thời lượng của khá nhiều môn bị cắt bớt để đảm bảo việc giảm tải, dẫn đến công việc của thầy và trò đều nặng nề hơn.”

Bà Cúc còn khẳng định thêm: "Khá nhiều nội dung học trò không có khả năng tự tìm hiểu nếu thiếu sự dẫn dắt, giảng giải của thầy cô. Với cách đưa nội dung bài học không còn mang tính trọn gói như trước đây làm cho học sinh bị "rối" trước quá nhiều kiến thức."

Ông Lê Quốc Hùng thì cho rằng: "HS phải gồng mình vào 1 trào lưu chỉ lo học gạo bài, học theo bài mẫu, không còn thời gian để "ngấm" và nhớ một lượng kiến thức khổng lồ và lủng củng."

Đoan Trúc/VNN

HA OANH