Áp-ga-ni-xtan: Chiến dịch Mu-xa Ca-la chỉ là "cắt ngọn"

Thế giới - Ngày đăng : 07:49, 15/12/2007

(HNM) - Tiếp theo cuộc truy quét quân Ta-li-ban ở huyện Da-hơ-ri (tỉnh Can-đa-ha) vào trung tuần tháng 11, trong suốt tuần này, nhiều đơn vị sơn cước của Chính phủ Áp-ga-ni-xtan đã được huy động để phối hợp với Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF) - chủ yếu là liên quân Anh - Mỹ - mở cuộc tấn công quy mô lớn vào thị trấn miền núi Mu-xa Ca-la (tỉnh Hen-man).

(HNM) - Tiếp theo cuộc truy quét quân Ta-li-ban ở huyện Da-hơ-ri (tỉnh Can-đa-ha) vào trung tuần tháng 11, trong suốt tuần này, nhiều đơn vị sơn cước của Chính phủ Áp-ga-ni-xtan đã được huy động để phối hợp với Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF) - chủ yếu là liên quân Anh - Mỹ - mở cuộc tấn công quy mô lớn vào thị trấn miền núi Mu-xa Ca-la (tỉnh Hen-man), một sào huyệt được ISAF xem là lớn nhất của Ta-li-ban ở miền Nam Áp-ga-ni-xtan.

Theo các thông tin chiến trường từ các đơn vị ISAF trực tiếp tham chiến thì, thành công của chiến dịch là khả quan. Hai thủ lĩnh cấp cao của Ta-li-ban gồm: tỉnh trưởng Hen-man và huyện trưởng Mu-xa Ca-la (do Ta-li-ban tấn phong) bị bắt sống. Nhiều quân Ta-li-ban đã bị tiêu diệt hoặc phải tháo chạy. Mu-xa Ca-la cơ bản đã thuộc về ISAF. Nhưng, điều dư luận quan tâm lại không nằm ở việc ISAF đã làm chủ ở nơi quân Ta-li-ban từng tuyên bố tử thủ là Mu-xa Ca-la, mà là ISAF sẽ giữ được vùng núi đá khô cằn này trong bao lâu.

Mối quan ngại trên không phải là vô cớ. Còn nhớ, tháng 11-2006, sau khi đánh bật Ta-li-ban, người Anh ở miền Nam Áp-ga-ni-xtan đã thỏa thuận trao Mu-xa Ca-la cho các bô lão địa phương. Người Anh định rằng, việc “tận dụng” các bô lão thành công sẽ trở thành “điển hình mẫu” trong tương lai. Và nó sẽ được nhân rộng tại các thị trấn và làng mạc khác ở miền Nam Áp-ga-ni-xtan.

Tuy nhiên, chưa đầy 90 ngày sau, “điểm mẫu” này của người Anh bị giáng một đòn mạnh. Chỉ trong một đêm, hơn 300 chiến binh Ta-li-ban đã trở về và một đòn trả thù đẫm máu đã xảy ra khiến nhiều bô lão và đại diện thân phương Tây ở đây phải bỏ ghế chạy thoát thân. Không chỉ mất Mu-xa Ca-la, ISAF và quân Chính phủ Áp-ga-ni-xtan sau đó còn mất cả huyện Bác-oa (tỉnh Pha-ra), huyện Khắc (tỉnh Da-bun) vào tay Ta-li-ban...

Theo một nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu chính sách quốc tế Hội đồng Xen-lít (Anh) vừa được công bố, hơn 50% lãnh thổ của Áp-ga-ni-xtan đang bị Ta-li-ban tái chiếm và nước này có nguy cơ lại rơi vào tay Ta-li-ban. Để ngăn chặn cuộc trở lại nguy hiểm, ISAF đã phải tăng gấp đôi lực lượng, lên 80.000 quân. Nhờ sự tăng quân này, ISAF đã mở cuộc hành quân lớn như đang diễn ra. Hiện liên quân và binh lính sở tại vẫn đang khống chế hiệu quả nơi vừa chiếm. Song với những gì được nhìn thấy là phần lớn các cỡ súng của ISAF nhằm bắn xối xả vào các mục tiêu di động trong tầm đạn nhưng lại không thể xác định rõ đó là phiến quân hay chỉ là những người đi kiếm củi. Điều này phù hợp với thừa nhận của ISAF rằng lực lượng chiến đấu tuyến đầu ở Áp-ga-ni-xtan vẫn còn thiếu, không thể tiếp cận gần hơn nữa với các nhóm Ta-li-ban nhỏ lẻ. Như vậy, khu vực ISAF vừa giành được từ tay Ta-li-ban khó có thể giữ được lâuvàMu-xa Ca-la vừa được “giải phóng” không phải là một ngoại lệ.

Trong khi chưa tìm được giải pháp bổ sung quân cho chiến trường Áp-ga-ni-xtan do nhiều nước tham gia ISAF như: I-ta-li-a, Tây Ban Nha… tuyên bố không gửi thêm quân, có nước còn lên kế hoạch rút quân, ISAF còn phải đối mặt với một khó khăn sau chiến tranh. Đó là sự sụt giảm uy tín nghiêm trọng trong dân chúng Áp-ga-ni-xtan. Lộng quyền và bắn phá, không kích bừa bãi của ISAF - do không phân biệt rõ được căn cứ của Ta-li-ban với các bản làng cheo leo nơi các triền núi đá - đã liên tục cướp đi sinh mạng của không ít dân thường Áp-ga-ni-xtan, gây căm phẫn trong dân chúng. Đến Tổng thống Ha-mít Ca-dai, một người do chính phương Tây dựng lên cũng đã phải nhiều lần lên tiếng chỉ trích ISAF liên tục “ngộ sát” dân thường trong các đợt truy quét Ta-li-ban. Kết quả thăm dò dư luận mới đây cho thấy, nếu như năm 2001, tỷ lệ người Áp-ga-ni-xtan ủng hộ ISAF là 88% thì nay con số này chỉ còn một nửa (khoảng 45%).

Như vậy mức ủng hộ của dân chúng nơi đất khách với ISAF đang vơi đi nhanh chóng; trong khi đó, họ lại phải căng trên một “chiến trường” rộng (652.225km2) với địa hình vô cùng phức tạp. Ngoài xe quân sự chuyên dụng và không kích thì các đơn vị ISAF khi tiếp cận được chiến trường nơi đây đã kiệt sức vì hành quân bộ vượt núi đồi trong thời tiết khắc nghiệt, với quá nhiều trang bị rối rắm; nhưng không một lính Anh, Mỹ nào dám vứt mũ sắt, áo chống đạn, ba lô cấp cứu...

Với chiến dịch Mu-xa Ca-la trong mấy ngày qua, mục tiêu là tiêu diệt một cơ quan đầu não và căn cứ của Ta-li-ban, cho thấy ISAF chưa thể rảnh tay giúp lực lượng cảnh sát, an ninh Áp-ga-ni-xtan trên toàn lãnh thổ. Và như vậy, làn sóng bạo lực ở quốc gia này, thậm chí 2-3 năm lại đây đã gia tăng mạnh mẽ sẽ chưa thể sớm chấm dứt. Năm 2007 sắp qua đi được coi là năm bạo lực nhất kể từ khi chính quyền Ta-li-ban bị lật đổ vào cuối năm 2001 với hơn 6.000 người thiệt mạng. Rõ ràng với Mu-xa Ca-la, cuộc hành quân của ISAF chỉ mang tính “chặt ngọn” và Ta-li-ban sẽ vẫn là một dấu hỏi lớn đối với Mỹ và phương Tây trong tương lai gần.

Minh Thành

ANHTHU